TPO – UBND thành phố Hà Nội cho biết, một số tờ báo, trang mạng điện tử có thông tin liên quan đến dự án BT và quỹ đất thanh toán cho dự án chưa chính xác. Hà Nội cũng lý giải vì sao không đấu giá đất để trả cho nhà đầu tư…
Chiều 26/6, Hà Nội tổ chức cung cấp thông tin báo chí về các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT mới được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Hội nghị “Hà Nội 2018 – Hợp tác đầu tư và phát triển”.
Ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, việc lựa chọn nhà đầu tư đều theo quy định của luật đấu thầu, tuy nhiên, có một số dự án trước đây đã được chỉ định nhà đầu tư.
Cũng theo ông Tuấn, vì dự án trước đây đã lựa chọn nhà đầu tư và ký hợp đồng BT nên việc đấu thầu sau khi ghép dự án không thực hiện được. “Hà Nội báo cáo Thủ tướng cho phép thực hiện trường hợp đặc biệt cho phép chỉ định nhà đầu tư. Chính phủ cũng đã lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, có văn bản chính thức thống nhất cho phép Hà Nội lựa chọn nhà đầu tư, giao Hà Nội xây dựng quy trình, quy chế…”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, những dự án chỉ định đầu tư đều được thực hiện theo đúng quy định, quy trình và đáp ứng đúng quy định của pháp luật. “Tất cả quy trình đều được thực hiện, có kiểm tra, kiểm toán cũng như là thanh tra”, ông Tuấn khẳng định.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa, diện tích đất nghiên cứu để phục vụ cho các dự án BT xấp xỉ 270ha chứ không phải 700ha. “Cũng không có nghĩa là mang cả 270ha này để đổi lấy chừng ấy km đường. Tỷ lệ cao lắm cũng chỉ là 26% thôi. Đối với chúng tôi, tiền bao nhiêu chúng tôi giao đất tương ứng bấy nhiêu. Không có chuyện tiền ông làm chỉ hết 10ha mà giao tới 11ha. Không có chuyện đó”, ông Nghĩa khẳng định.
Ông Nghĩa cũng lý giải vì sao không đem đấu giá đất để lấy tiền trả cho nhà đầu tư thay vì đổi đất lấy hạ tầng. “Chủ trương là có hạ tầng xã hội bằng nhiều con đường. Việc đấu giá không phải các cơ quan chuyên môn chúng tôi không suy nghĩ đến. Nhưng tính đi tính lại, xoay đi xoay lại nó không đơn giản”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, mỗi năm thành phố đấu giá trên toàn địa bàn khoảng trên 10 ngàn tỉ, nhưng bỏ ra chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng có dự án chiếm tới 80%. “Thứ hai là đầu tư hạ tầng. Nguyên tắc muốn đấu giá thì phải đầu tư hạ tầng. Chỉ tính hai khoản đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng, chưa nói đến bộ máy quản lý hành chính phục vụ cho hai việc đó chúng ta đã gặp phải bất cập, khó khăn”, ông Nghĩa lý giải.
Ông Nghĩa cũng cho biết, về giá trị, con đường làm hết bao nhiêu tiền sẽ có một loạt các cơ quan tính toán. Đất giá bao nhiêu cũng một loạt cơ quan tính toán, có sự giám sát ngang dọc, trên dưới, giám sát chéo.
“Có quan ngại về vấn đề tham nhũng. Nhưng suốt cả quá trình đầu tư từ lúc bắt đầu triển khai dự án đến lúc ra sản phẩm là cả quá trình giám sát của các cơ quan pháp luật. Sai ở khâu nào, quá trình nào, nhũng nhiễu ở đâu thì ở đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đó là tất yếu. Còn theo chủ quan của chúng tôi, tất cả trình tự thủ tục và quá trình có sự giám sát hết sức chặt chẽ, quy trình hết sức ngặt nghèo cho nên khả năng để tham nhũng, thất thoát trong từng khâu công việc là rất khó xảy ra”, ông Nghĩa khẳng định.
Ông Nghĩa cũng cho biết thêm, thời điểm giao đất chính là thời điểm ký hợp đồng. Giá đất được xác định, tính toán trên cơ sở các quy định của pháp luật, có công thức tính cụ thể đến từng vật liệu, từng loại đất, từng vị trí và mỗi vị trí đó lại tương ứng với thời điểm xác định giá đất, giá vật tư và suất đầu tư bao nhiêu. Các cơ quan tính toán hết sức khách quan.
Không phải là một cơ quan vừa tính giá đất vừa xác định suất đầu tư, giá vật tư, vật liệu ở chỗ đó. Bản thân cơ quan tài nguyên môi trường cũng phải thuê một đơn vị tư vấn độc lập để lập chứng thư xác định giá. Sau đó, cơ quan tài nguyên tổng hợp, thẩm định lại, sau đó báo cáo với hội đồng thẩm định do Sở Tài chính chủ trì. Sau đó mới báo cáo mới báo cáo lên Hội đồng thẩm định UBND thành phố.
“Khách quan như thế, quy trình khép kín, chặt chẽ như thế nên chúng tôi có thể khẳng định không bao giờ có câu chuyện giá đất ở một vị trí khi xác định cho các dự án BT lại thấp hơn với giá đất với một dự án thương mại khác. Không bao giờ có”, ông Nghĩa khẳng định thêm.
Theo Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội Phạm Quý Tiên, hiện nay, các dự án đầu tư công của thành phố được thực hiện qua nhiều nguồn vốn, từ đấu giá đất, từ cân đối ngân sách, từ BT, làm sao huy động được nguồn lực tốt nhất để đầu tư phát triển tốt nhất hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, phục vụ nhân dân.
Ông Tiên khẳng định, thành phố đảm bảo thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư rất nghiêm túc theo quy trình, các tiêu chí cụ thể theo quy định của pháp luật. Tiêu chí về năng lực tài chính, quản trị dự án, cam kết vốn…
“Việc thanh quyết toán, giá, thì thành phố đảm bảo đúng quy trình. Đặc biệt quan trọng là tất cả đều phải kiểm toán độc lập. Giá trị công trình BT phải kiểm toán độc lập. Việc giá đất thì quy trình cũng hết sức cụ thể, không thể tùy tiện”, ông Tiên nói.