UBND TP. Hà Nội lý giải những vấn đề xung quanh 5 dự án BT đang được dư luận quan tâm

(ĐCSVN) – Chiều 26/6, tại Hội nghị giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên đã trả lời một số các vấn đề về việc thực hiện đầu tư xây dựng 5 dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng BT trên địa bàn TP đang được dư luận quan tâm.

 

Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Phạm Quý Tiên thông tin tại Hội nghị. Ảnh: TH

Thông tin tại Hội nghị, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên cho biết, tại Hội nghị hợp tác đầu tư năm 2016, 2017, Hà Nội đã công bố công khác các dự án kêu gọi đầu tư để các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất. Trên cơ sở kế hoạch các năm trước, tại hội nghị năm 2018 vừa qua, Hà Nội đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cho 5 dự án công trình giao thông để giảm ùn tắc giao thông thực hiện theo hình thức BT.

Đây là các dự án được nghiên cứu trong năm 2009 – 2015, nhà đầu tư đã tự bố trí vốn để lập hồ sơ đề xuất dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đã được UBND Thành phố báo cáo, các Bộ, ngành Trung ương xem xét và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép Thành phố chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT. Đây là các dự án đầu tư cấp bách nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Cụ thể, 5 dự án bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2-Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai có vốn đầu tư trên 900 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng trên 499 tỷ đồng, chiếm 55,4%); Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông có tổng vốn đầu tư trên 1.960 nghìn tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng trên 689 tỷ đồng, chiếm 42%); Dự án xây dựng tuyến Minh Khai-Vĩnh Tuy-Yên Duyên đoạn nối Minh Khai đến đường vành đai 2,5 có chi phí giải phóng mặt bằng là trên 1.140 tỷ đồng, chiếm 80%.

Dự án BT thứ 4 là dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn Cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở kết hợp mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng có tổng vốn đầu tư là trên 9.459 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 4.194 tỷ đồng, chiếm 54,8%. Dự án thứ 5 là dự án xây dựng tuyến đường từ Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 quận Thanh Xuân có tổng vốn đầu tư 1.412 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là trên 967 tỷ đồng, chiếm 71,9%.

Theo ông Phạm Quý Tiên, về trình tự triển khai thực hiện, Thành phố đã nghiêm túc thực hiện các thủ tục quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ, gồm 6 bước theo quy định. Khi tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bảo đảm công khai, minh bạch.

UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành xác định các tiêu chí đối với các Nhà đầu tư phải có năng lực tài chính, năng lực quản trị dự án, đã ứng vốn để lập hồ sơ đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi; phải cam kết bố trí vốn để xây dựng công trình BT trước khi được Thành phố giao đất đối ứng với lãi xuất thấp nhất và thời gian thi công công trình ngắn nhất.

Các dự án BT nêu trên đều là các công trình xây dựng đường giao thông, khối lượng kinh phí cho hạng mục bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị công trình BT (thấp nhất là 42%, có dự án cao tới 80%, chi phí xây lắp chỉ là 20%).

Tuy nhiên, vừa qua, một số báo chí, trang mạng điện tử có thông tin liên quan đến dự án BT và quỹ đất thanh toán cho dự án chưa chính xác (như: Dự án Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5 dài 1,6km đối ứng 60ha đất; dự án cải tạo, nâng cấp đường quốc lộ 6 giá trị công trình BT hơn 8.000 tỷ, TP giao đất đối ứng hơn 400ha đất, giá mỗi mét vuông 2 triệu đồng) dẫn đến sự hiểu chưa chính xác, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dư án.

Liên quan đến quỹ đất đối ứng thanh toán dự án BT, ông Phạm Quý Tiên cho biết, nhà đầu tư phải ứng toàn bộ vốn để lập quy hoạch chi tiết 1/500, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy hoạch và dự án được duyệt, bàn giao cho Thành phố để xác định giá trị quỹ đất thanh toán.

Nhà đầu tư được lựa chọn phải ứng 100% vốn để lập quy hoạch chi tiết 1/500 thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các dự án đối ứng và chi phí đầu tư được khấu trừ vào tiền sử dụng đất theo quy định. Nhà đầu tư chỉ được khai thác sử dụng đối với diện tích đất thương phẩm (đất xây dựng nhà ở, thương mại, dịch vụ có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) chiếm khoảng 26% trên tổng diện tích khu đất để tính giá trị thanh toán, giao cho Nhà đầu tư hoàn vốn cho công trình BT, còn lại là đất làm đường giao thông, cây xanh, hồ nước, công trình xã hội (trường học, nhà văn hóa…) không phải là đối tượng để tính tiền sử dụng đất.

Sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 và chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, UBND Thành phố mới quyết định giao đất để thanh toán cho công trình BT.

Liên quan đến thông tin báo chí lo ngại về khả năng có thể thất thoát, tham nhũng tại 5 dự án BT nêu trên, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đây là trách nhiệm của Thành phố trong việc giám sát quy trình, thủ tục với các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện các dự án; nếu có việc sai ở đâu sẽ có cơ quan theo trình tự chịu trách nhiệm. Khả năng tham nhũng, thất thoát trong từng khâu của dự án là rất khó xảy ra…/.

Thu Hà