Đã có thêm nhiều ý kiến bàn luận về mô hình nhà ở phù hợp với vùng bão lũ ở miền Trung. Chúng tôi giới thiệu ý kiến của chuyên gia nước ngoài và người dân vùng bão lũ.
* Ông Guillaume Chantry (điều phối viên Tổ chức hội thảo phát triển Pháp tại VN – DWF): Phải xây nhà kiên cố
Khoảng 20 năm trở lại đây, tôi thấy nhà ở tại VN đã có nhiều đổi thay. Nhà chắc chắn, kiên cố hơn nhưng lại bị tổn thương nhiều hơn khi có bão lũ, bởi hầu hết nhà xây không đúng kỹ thuật. Khi xây dựng nhà, người dân quá đầu tư nhiều tiền bạc để chăm chút về phần trang trí mà không quan tâm nhiều đến kết cấu và phần mái chịu đựng gió bão. Người dân đã làm tốt chuyện tích trữ lương thực, nhưng chưa chú tâm nhiều đến gia cố căn nhà, khi bão đến thì chằng néo sơ sài nên sau bão lũ thiệt hại về nhà ở thường rất lớn.
Ông Guillaume Chantry giới thiệu các mẫu nhà chống bão giúp người dân miền Trung |
Theo tôi, phòng tránh bão lũ cũng phải cần có “văcxin” để phòng ngừa, mà xây nhà kiên cố là giải pháp tối ưu nhất. Người dân phải nhận thức rõ sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai để chủ động phòng tránh, đầu tư gia cố nhà cửa. Nhà ở nào có được kết cấu kiên cố, phần mái được chằng néo đúng kỹ thuật thì dù làm theo mẫu gì cũng có thể trụ vững gió bão cấp 12.
Đối với nhà ở vùng bão khi xây dựng phải chọn vật liệu mái chống chịu gió, kết cấu mái neo buộc vững chắc, chọn hướng tránh gió luồn, hình dáng hạn chế nhô ra lõm vào (tránh nhà mảnh và dài), nên tách rời mái hiên và mái chính, tăng cường giằng tam giác, neo buộc tấm lợp, cửa đóng kín và có then chốt. Quanh nhà nên trồng cây thành hàng rào chắn gió. Đối với nhà ở vùng chịu ảnh hưởng cả bão và lũ thì khi xây dựng nhà, ngoài yêu cầu tránh gió bão cần chú trọng thêm phần nền phải cao hơn mức lũ hằng năm hoặc sàn nhà cao hơn mực nước lũ lịch sử thời gian gần nhất. Riêng những nhà đang sử dụng, để chống tốc mái thì gia cố bằng xây gạch chỉ chạy dọc theo độ dốc của mái cách nhau khoảng 0,9-1,2m, làm thêm gác lửng, hoặc kèo tre cho mái lợp đối với nhà đơn sơ.
Từ năm 1999 đến nay, DWF đã hỗ trợ người dân miền Trung và miền Nam xây mới gần 3.000 ngôi nhà, khoảng 500 công trình công cộng vừa và nhỏ cùng khoảng 8.000 nhà dân được gia cố. Chúng tôi đã xây dựng mô hình nhà ở phòng tránh bão lũ dựa vào điều kiện thực tế của từng địa phương, nhà chịu được gió cấp 12, kinh phí 60-80 triệu đồng/căn.
* Lão ngư Lê Văn Lại (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng): Xây chòi và lô cốt
Mô hình chòi tránh lũ do Viện Quy hoạch-Kiến trúc xây dựng Hà Tĩnh thiết kế. |
Thiên tai mỗi lúc một khắc nghiệt, vì vậy theo tôi cần xây nhà cửa thật vững chắc, hợp lý, đỡ phải sống trong cảnh chạy bão lũ, vừa tốn kém, cực khổ lại nguy hiểm. Tuy nhiên hiện nay người dân miền biển toàn xây nhà bằng gạch thô sơ rồi lợp lên vài tấm tôn che mưa nắng. Số lượng nhà có trụ, đổ mê bằng bêtông rất ít. Cũng phải thông cảm người dân vùng này phần lớn hoàn cảnh khó khăn nên không thể đầu tư căn nhà được kiên cố. Đó cũng là lý do vì sao mỗi khi đến mùa bão lũ lại có hàng ngàn người rơi vào cảnh không nhà cửa, thậm chí nhiều cháu nhỏ phải mồ côi cha mẹ.
Với tình cảnh phải thường xuyên đón nhận thiên tai như hiện nay, trong lúc người dân còn nghèo, tôi nghĩ cần phải thay đổi quan niệm chống bão lũ theo hướng cộng đồng. Theo tôi, cứ khoảng 10 hộ dân nên chung tiền lại để xây dựng hai thứ, đó là chòi và lô cốt. Chòi dùng khi chống lũ, lô cốt phòng khi gió bão giật mạnh. Những căn chòi phải có trụ làm bằng lõi thép, mái làm bằng bêtông mới chắc chắn và có sức chịu đựng. Ngoài ra nên xây dựng những căn hầm dạng lô cốt để đề phòng có gió giật mạnh như trong trường hợp siêu bão vừa rồi. Mưa không lớn mà chỉ có gió giật thì chui vào lòng đất trú ẩn là an toàn nhất.