Hiện nay, công trình xây dựng có thể có những thiết bị và hệ thống kỹ thuật liên quan khác hiện đại hơn; song điện – nước vẫn là căn bản, gắn bó chặt chẽ với quy trình thiết kế, thi công các hạng mục khác và có ý nghĩa nhiều trong quá trình vận hành công trình.
Trước kia, phần kỹ thuật điện nước thường chiếm chi phí khiêm tốn trong tổng giá trị xây lắp công trình. Tuy nhiên hiện nay tình hình đã thay đổi. Với quan điểm thiết kế mới, nhu cầu sử dụng mới, cùng sự có mặt của nhiều loại thiết bị hiện đại…; điện – nước đã trở nên quan trọng hơn nhiều, và chi phí cũng tăng cao hơn nhiều.
Cần thiết phải có thiết kế
Tất nhiên nếu chỉ yêu cầu là bật đèn đèn sáng, vặn vòi vòi chảy… thì đúng là không cần thiết kế. Nhưng để có một hệ thống tốt, vận hành hợp lý, khoa học, bền vững, tiết kiệm thì cần phải có thiết kế. Ngoài ra, phần kỹ thuật điện nước có liên hệ chặt chẽ với các nội dung chuyên môn khác như kết cấu, kiến trúc, nội thất… nên thiết kế càng quan trọng, để khớp nối trong tiến trình thi công công trình.
Xem xét tổng thể các nhu cầu liên quan
Cần phải xem xét kỹ càng, một cách tổng thể các nhu cầu liên quan, dự trù những nhu cầu mới nảy sinh sau này, cũng như tiết chế, loại bỏ những thứ, hạng mục không cần thiết. Khi “chốt” được điều này trong thiết kế sẽ giảm thiểu được những thay đổi, chỉnh sửa, cải tạo, chắp vá trong cả quá trình thi công và sử dụng; và không lãng phí những phần làm mà không sử dụng. Cần lưu ý rằng hệ thống kỹ thuật điện nước thường nằm âm trong tường, trên trần…, nên nếu đã hoàn thiện mà phải chỉnh sửa thì rất tốn kém cả công sức, thời gian và có nhiều bất tiện khác.
Những không gian lung linh ánh sáng được nhìn thấy là nhờ những “nhân vật thầm lặng” nằm trong tường, trên trần. |
Lựa chọn giải pháp thi công và vật tư đồng bộ, khoa học
Việc này cũng làm tránh phát sinh những sự “lệch pha”, rất dễ gây ảnh hưởng tới yêu cầu kỹ thuật, có thể gây sự cố. Và cần lưu ý không nên sử dụng, lựa chọn những loại vật tư có giá thành thấp để tiết kiệm; làm như vậy có thể tiết kiệm được ít ban đầu mà sau lại tốn kém nhiều cho việc sửa chữa. Cũng không được bỏ qua hay dùng những thiết bị an toàn kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn, công suất (như aptomat điện, van nước…) Một bản thiết kế kỹ thuật điện – nước sẽ làm sáng tỏ những vấn đề này và làm chủ động trong công tác chuẩn bị vật tư cũng như quá trình thi công.
Lựa chọn trang thiết bị phù hợp từ sớm
Trang thiết bị điện nước có quan hệ chặt chẽ với hệ thống kỹ thuật. Cần phải xem xét, tính toán trước điều này để có thiết kế hệ thống đồng bộ và thi công phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của thiết bị. Mỗi loại thiết bị, mỗi hãng có những yêu cầu, đặc tính kỹ thuật khác nhau, đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật khác nhau. Cũng cần xem xét cả các yếu tố liên quan tới kiến trúc – nội thất như kích thước thiết bị.
Dự trù được những tình huống đặc biệt
Có thiết kế, người sử dụng sẽ có được sự hiểu biết khái quát về nội dung hệ thống kỹ thuật, từ đó nắm được quy trình và năng lực của hệ thống điện – nước. Điều này giúp cho người sử dụng dự trù được những tình huống đặc biệt để tránh xảy ra sự cố. Và trong trường hợp không may, vận hành không bình thường, quá tải hay xảy ra sự cố thì cũng dễ biết nguyên nhân để sửa chữa, khắc phục.
Thuận tiện, an toàn trong quá trình sử dụng, vận hành công trình
Điều này khi vào sử dụng thực tế nhiều người mới nhận ra. Nếu không có thiết kế, nếu mọi thứ cứ tuỳ hứng, áng chừng, thì cuối cùng, rất dễ rơi vào tình trạng bất tiện, thậm chí… vô duyên. Ví dụ như nơi cần ổ cắm thì không có, nơi có thì không cần dùng; hay mặt ổ cắm, công tắc bị đồ nội thất kê vào che khuất… Khi đó rất hay phải sửa chữa bổ sung chắp vá, gây mất an toàn, ảnh hưởng thẩm mỹ. Không có thiết kế (hoặc thi công không đúng thiết kế), rất khó kiểm soát hệ thống dây, ống ngầm trong tường, và trong quá trình sử dụng có thể “xâm phạm” vào khi khoan, đóng đinh; từ đó gây vỡ ống nước, chập cháy hệ thống điện… Một thiết kế chuẩn, khoa học, và được thi công đúng; sẽ làm cho việc sử dụng được thuận tiện và an toàn hơn.