Chiều cao nhà, chiều cao tầng và số tầng xây dựng thường phụ thuộc vào quy hoạch chung của khu vực. Đối với nhà ở tư nhân, vấn đề chiều cao tầng hoặc chiều cao phòng là đáng quan tâm và tính toán nhất.
Chiều cao nhà là khoảng cách từ nền tầng 1 (hoặc nền đất xung quanh) đến đỉnh cao nhất của mái nhà. Chiều cao tầng là khoảng cách giữa hai sàn nhà, được tính từ sàn tầng dưới đến sàn tầng kế tiếp.
Với một số gia chủ, chiều cao phòng thấp sẽ tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi. Thế nhưng nhiều người lại cho rằng như vậy sẽ bị cảm giác nặng nề, đè nén. Ngược lại, chiều cao phòng lớn có thể tạo cảm giác thoáng đãng, sang trọng, tôn nghiêm, nhưng trong nhiều trường hợp tạo ra cảm giác trống trải, lạnh lẽo… Điều này còn phụ thuộc vào cách trang trí và công năng của phòng. Trong một căn nhà có nhiều không gian sử dụng với mục đích khác nhau, sẽ có cảm giác khác nhau đối với từng không gian sử dụng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của tầng hay từng phòng:
– Chức năng của phòng: Phòng sinh hoạt chung, phòng khách là nơi tiếp khách, tập trung sinh hoạt gia đình nên cần tạo cảm giác rộng rãi và trang trọng. Chiều cao nên cao hơn các phòng khác, đôi khi có thể gấp đôi, nhất là đối với khoảng thông giữa hai tầng có diện tích rộng làm phòng khách, sinh hoạt chung, sảnh… Chiều cao gợi ý từ 3,6 m đến 5 m. Phòng thờ nếu cần cảm giác trang nghiêm, chiều cao không nên thấp hơn các phòng thông dụng. Phòng ngủ, phòng ăn, phòng bếp, phòng làm việc nên tạo cảm giác ấm cúng và tránh sự trống trải. Chiều cao phòng nên ở mức trung bình, khoảng 3 đến 3,3 m. Phòng để xe, phòng tắm, phòng kho là những khu vực có tần suất sử dụng thấp, chỉ nên thiết kế chiều cao vừa đủ để tiết kiệm không gian và tiết kiệm kinh phí xây dựng, khoảng 2,4 đến 2,7 m.
– Đặc điểm diện tích xây nhà: Nếu xây nhà từ 2 tầng trở lên, chiều cao tầng nhà sẽ tỷ lệ thuận với diện tích xây dựng cầu thang bộ. Đối với nhà có diện tích xây dựng lớn thì rất đơn giản khi quyết định chiều cao phòng. Đối với nhà có diện tích dành cho thang nhỏ thì không nên thiết kế tầng cao quá, sẽ gây nên tình trạng độ dốc thang lớn, gây khó khăn và nguy hiểm cho việc đi lại giữa các tầng. Trong trường hợp nhà nhỏ, mà điển hình là nhà lô nhỏ và hẹp chiều ngang, chiều cao phòng cũng không nên thay đổi nhiều, chỉ nên thống nhất cùng một độ cao, khoảng 3 m là thích hợp.
– Đặc điểm khí hậu: đối với những nhà ở khu vực khí hậu khắc nghiệt, hướng nhà chịu ảnh hưởng xấu của thời tiết và cần sử dụng điều hoà nhiệt độ nhiều thì chiều cao nhà chỉ nên vừa phải để tiết kiệm năng lượng làm mát hoặc sưởi ấm nhà. Chiều cao thích hợp là 3 m đến 3,3 m. Đối với những nhà ở khu vực khí hậu dễ chịu, cần sự thông thoáng tự nhiên, thì nên thiết kế chiều cao nhà lớn hơn, khoảng 3,6 m đến 4,5 m.
– Điều kiện kinh tế: đương nhiên thiết kế tầng nhà càng cao thì kinh phí xây dựng càng cao, kèm theo chi phí hoạt động, bảo dưỡng nhà cũng lớn hơn.
Tóm lại, đối với nhà ở tư nhân, chiều cao tầng (phòng) thông dụng nên phân làm 3 mức cơ bản: phòng thấp (từ 2,4 đến 2,7 m), phòng tiêu chuẩn (từ 3 m đến 3,3 m), phòng cao (3,6 đến 5 m). Căn cứ quy hoạch chung của khu vực, điều kiện khí hậu, đặc điểm của mảnh đất, chức năng sử dụng của từng không gian mà chúng ta sẽ chọn ra được chiều cao cho từng phòng và tầng một cách hợp lý và hiệu quả nhất.