Cảnh báo rủi ro đến từ nhà tập thể cũ Hà Nội

GiadinhNet – UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án “Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm hoạ đối với thành phố Hà Nội”. Trong đó, với các chung cư cũ, rủi ro dẫn đến thảm họa có thể xẩy ra khi có cháy, đổ sụp hàng loạt… nhưng công tác di dời vẫn dậm chân tại chỗ.

Khe hở hai dãy nhà ở G6 Thành Công ngày càng nới rộng ra. Ảnh: H.P

Thấy rõ nguy cơ vẫn không chịu di dời

Đề án dự báo 10 rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với quá trình phát triển của Hà Nội như vỡ đê sông Hồng; ô nhiễm nguồn nước; cháy, nổ, đổ sụp công trình; tai nạn giao thông; rủi ro tại các sự kiện tập trung đông người; dịch bệnh; rủi do trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; rủi ro do mất điện diện rộng và rủi ro khi có các hoạt động khủng bố, phá hoại.

Trong đó, đáng lưu tâm khi Hà Nội xác định, đối với các chung cư cũ, rủi ro dẫn đến thảm họa có thể xẩy ra khi có cháy, đổ sụp hàng loạt nhà. Hiện tại, Hà Nội có 1.579 chung cư cũ, tập trung ở 76 khu, với 1.273 chung cư và 306 chung cư riêng lẻ với quy mô từ 2 đến 5 tầng. Đa số các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng và phân bố tại 4 quận nội thành cũ, hiện đã có hiện tượng sụt lún, xuống cấp khá nghiêm trọng. Thảm họa được xác định, nếu động đất với cường độ 4-5 độ richter có thể gây sụp đổ hàng loạt chung cư cũ (hiện có khoảng 30 nghìn hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ 4-5 tầng).

Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội vừa thống kê cho hay, trong số 1.579 tòa chung cư cũ trên địa bàn có đến 81% là tòa nhà thuộc cụm chung cư. Hiện còn 4 cụm chung cư cũ thuộc nhóm cấp độ D (cấp cực kỳ nguy hiểm, có thể sập đổ bất cứ lúc nào) ở quận Ba Đình, gồm các đơn nguyên 1 và 2 nhà G6A Thành Công (phường Thành Công), đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh), đơn nguyên 1 và 3 tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị), đơn nguyên 3 nhà C8 tập thể Giảng Võ (phường Giảng Võ).

Các công trình này đều được xây dựng cách đây 30 năm, có từ 2 đến 3 đơn nguyên. Quá trình sử dụng, hầu hết các hộ đều cải tạo, chất tải thêm cho công trình, đua dầm thép, cơi nới làm thành “chuồng cọp”, cùng với việc lún nứt tự nhiên đã khiến các đơn nguyên tách rời nhau.

Tại tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị), hiện chỉ còn đơn nguyên 2 vẫn có thể tạm sử dụng; còn đơn nguyên 1 và 3 đã lún, nứt, tự tách ra khỏi khối nhà với khoảng cách trung bình 1- 1,2m. Tương tự, tại khu nhà G6A, G6B (phường Thành Công), giữa 2 tòa nhà đã thành một khe nứt hình chữ V có chiều dài hơn 1m. Tại một số khu vực cầu thang, hay khu vực áp trần xuất hiện nhiều vết nứt dọc, ngang tường, vôi vữa bong tróc từng mảng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình, đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp còn 2/42 hộ; đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh còn 19/27 hộ; đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công còn 29/49 hộ; đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ còn 18/37 hộ vẫn chưa đồng ý di dời.

Vướng mắc quyền lợi đang gây khó cả hai bên

Tại khu tập thể G6A, G6B Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình được cấp có thẩm quyền cảnh báo là công trình nguy hiểm cấp độ D – khu tập thể nguy hiểm nhất Hà Nội với nguy cơ sập cao. Vậy mà sau hơn 2 năm nhận thông báo đáng sợ ấy, hàng trăm hộ dân ở đây vẫn không chịu di dời.

Không chỉ ở khu G6 A-B mà nhiều khu tập thể khác trong diện nguy hiểm, sau khi thực hiện quyết định của thành phố về việc tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, sử dụng tại các chung cư xuống cấp nguy hiểm có nguy cơ sập đổ, từ nhiều năm nay, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ tự nguyện bàn giao lại nhà, xây dựng quy chế bốc thăm xác định vị trí căn hộ tạm cư, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, nhưng, việc di dời người dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D vẫn chưa hiệu quả.

Ghi nhận của chúng tôi về ý kiến của các hộ dân sống tại các chung cư nguy hiểm này cho thấy, nhiều hộ đã ủng hộ chủ trương quy hoạch cải tạo lại tòa nhà. Tuy nhiên, vấn đề mà họ băn khoăn là chính sách tạm cư, tái định cư, mức đền bù hệ số diện tích quy đổi giữa nhà cũ và nhà mới.

Anh Nguyễn Anh Dũng (C8 Giảng Võ) cho biết: “Ở trong chung cư đang xuống cấp nguy hiểm như thế này, chúng tôi cũng bất an. Nhưng, do chưa rõ việc định giá nhà như thế nào, ai là chủ đầu tư, bao giờ mới xây, xây trong bao lâu, bao giờ được quay lại, nên chúng tôi chưa muốn đi. Ngoài ra, chúng tôi cần sự minh bạch về chính sách tạm cư sau di dời”.

Cư dân nhà G6A Thành Công cho rằng, khi chuyển về đây sống (năm 1987), giữa hai khối nhà đã có khe hở, do chủ đầu tư xây dựng trên 2 nền móng không bằng phẳng. Các hộ khẳng định khe hở này bao nhiêu năm nay không suy chuyển và hoàn toàn không phải là khe nứt. Do vậy, việc xếp hạng chung cư thuộc dạng nhà nguy hiểm cấp độ D là không chính xác. Vì vậy, các hộ đã có đơn kiến nghị kiểm định, xác định lại cấp độ chung cư này.

Theo quan sát, tình trạng cơi nới “chuồng cọp” quá nhiều, cộng thêm lún nứt tự nhiên đã khiến các đơn nguyên tách rời nhau hình chữ V. Trong khi ở chân móng hai đơn nguyên sát nhau thì ở tầng 5 khoảng cách này rộng hơn 1m. Ở các khu vực công cộng như cầu thang cũng xuất hiện những đường nứt chạy dọc từ dưới lên trên, tường bong tróc nhiều mảng loang lỗ.

Anh Nguyễn Văn Hùng nhà 102 tập thể G6A cho biết: “Cư dân G6A chưa một lần có cơ hội đối thoại với các cấp có thẩm quyền. Họ giám định lúc nào chúng tôi không hay biết và đây là cuộc giám định độc lập. Về việc phương án di dời để khắc phục, người dân cũng chưa được trực tiếp nghe phổ biến”.

Khi các cơ chế cải tạo chung cư cũ vẫn chưa đồng thuận từ hai phía bởi những khúc mắc về quyền lợi chưa được giải quyết dứt điểm, thì những khó khăn trong việc di dời các hộ ra khỏi chung cư xuống cấp nguy hiểm vẫn tiếp tục bế tắc. Khi những cảnh báo thảm họa phát đi, người ta càng thêm lo sợ.

Hà Phương