Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn sẽ thuận lợi hơn khi được chuyển về địa phương quản lý

Việc chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa phương tạo sẽ thuận lợi trong việc giải quyết vấn đề về dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1 nằm trong dự án này, đặc biệt là vấn đề thu phí.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng việc chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền về địa phương sẽ giúp dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được triển khai dễ dàng hơn, đáp ứng tiến độ hoàn thành toàn tuyến vào đầu năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo các bộ ngành, địa phương giải quyết vướng mắc trong thực hiện Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và bổ sung đoạn Chi Lăng – Cửa khẩu Hữu Nghị theo hình thức hợp đồng BOT. Đặc biệt, để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, đáp ứng tiến độ triển khai dự án, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND tỉnh Lạng Sơn. Bền lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: UBND tỉnh Lạng Sơn vừa tiếp nhận nhiệm vụ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn. Vậy, sẽ có những thuận lợi như thế nào đối với việc thúc đẩy tiến độ dự án theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, thưa ông? 

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành: Dự án cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng (Lạng Sơn) và đoạn Chi Lăng – Cửa khẩu Hữu Nghị có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội không những của Lạng Sơn mà của cả các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là những địa phương có hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua Trung Quốc. Dự án này cũng nằm trong chiến lược hành lang kinh tế của Việt Nam đối với Trung Quốc. Thực tế thời gian vừa qua, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu của Lạng Sơn được tăng lên rất nhiều.

Về phía địa phương có thể nói, dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị sẽ đem đến cho tỉnh Lạng Sơn mở ra những lĩnh vực mới như tập trung cho kinh tế cửa khẩu, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có liên quan.

Tuy nhiên, dự án được khởi công năm 2015, nhưng do nhiều nguyên nhân nên bị gián đoạn hơn 2 năm và mới được tái khởi động vào tháng 7/2017 sau khi phải thay đổi nhà đầu tư với nhà đầu tư mới là những doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm từ dự án hầm đường bộ Đèo Cả.

Từ khi Công ty cổ phần Đèo Cả tham gia vào dự án đến nay, dự án đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn tồn tại một số vướng mắc. Đặc biệt là về vấn đề thu phí dự án nâng cấp cải tạo trên Quốc lộ 1, giải phóng mặt bằng, dự án chuẩn bị triển khai đoạn Chi Lăng – Cửa khẩu Hữu Nghị …

Để tháo gỡ khó khăn này, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị chuyển quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải sang UBND tỉnh Lạng Sơn.

Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý kiến nghị của địa phương cho chuyển đổi dự án BOT đoạn Chi Lăng – Cửa khẩu Hữu Nghị hợp nhất về với dự án Bắc Giang – Lạng Sơn là quyết định đúng đắn, tạo điều kiện nhiều hơn cho quá trình thực hiện. Bởi, trên cùng một cung đoạn mà có hai nhà đầu tư với các cơ chế quản lý khác nhau sẽ dẫn đến những phức tạp, đặc biệt là không hợp nhất về tiến độ toàn dự án.

Phóng viên: Vậy, lý do nào UBND tỉnh Lạng Sơn chủ động nhận vai trò cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền tại dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn từ Bộ Giao thông Vận tải, thưa ông? 

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành: Như đã phân tích ở trên, dự án này có tầm quan trọng rất lớn đối với tỉnh Lạng Sơn nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói riêng. Do vậy, UBND tỉnh đã vào cuộc một cách tích cực khi dự án được triển khai. Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý theo kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn về chuyển đổi cơ quan có thẩm quyền tại dự án từ Bộ Giao thông Vận tải về địa phương là một quyết định hợp lý.

Thứ nhất, nó tạo điều kiện cho tỉnh trong việc chỉ đạo, tiếp cận vấn đề về quản lý, đặc biệt phối hợp với nhà đầu tư trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan từ hồ sơ thiết kế cho đến giải phóng mặt bằng cũng như các vấn đề liên quan đến hoạt động của dự án.

Mặt khác, việc chuyển đổi này cũng tạo ra sự thuận lợi hơn trong việc giải quyết các vấn đề về dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1 nằm trong dự án này, đặc biệt là vấn đề thu phí. Như vậy, địa phương sẽ trực tiếp là đơn vị cho phép thu phí hay giải quyết các vấn đề phát sinh từ đây.

Đặc biệt khi chuyển cho địa phương sẽ có sự phối hợp rất chặt giữa các cấp chính quyền của tỉnh với nhà đầu tư như thời gian vừa qua và từ đó sẽ giúp quá trình thực hiện dự án sẽ thuận lợi. Có như vậy thì mới đạt được nhu cầu mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra là hoàn thành toàn tuyến cao tốc vào năm 2020.

Tuy nhiên, việc nhận vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án cũng có khó khăn thách thức cho địa phương, bởi đây là dự lớn và việc tỉnh được tiếp nhận quản lý sẽ có những bỡ ngỡ. Nhưng với những lực lượng cán bộ kỹ thuật sẵn có của tỉnh, đặc biệt là trách nhiệm và nhiệt tình của các cơ quan chuyên môn, cùng sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn thì những khó khăn sẽ được giải quyết.

Khi có sự thống nhất giữa nhà đầu tư với cấp chính quyền địa phương và nhân dân thì sẽ thúc đẩy giải quyết nhanh các vướng mắc khác tại dự án này.

Hạng mục cải tạo nâng cấp, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1A đoạn từ cửa khẩu Hữu Nghị đến thành phố Bắc Giang dài 105km đã đưa vào khai thác từ tháng 12 năm 2017 đã nâng cao năng lực thông xe và mức độ an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Theo ông có phải địa phương, cũng như đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đã chủ động yêu cầu chủ đầu tư bỏ đi một trạm thu phí trên Quốc lộ 1 để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp? 

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành: Trong phương án tài chính ban đầu của dự án nhà đầu tư được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt hai trạm thu phí nhưng với tình hình hiện nay chủ đầu tư đã chủ động đề xuất bỏ đi một trạm thu phí chứ không phải địa phương đưa ra đề xuất này. Tôi cho rằng, đây là một quyết định sáng suốt và hợp lý bởi các lý do sau:

Thứ nhất, quá trình quản lý nhà nước đối với các dự án BOT hiện nay có sự thay đổi, khác so với giai đoạn trước. Thứ hai là những vấn đề thực tiễn của đời sống của nhân dân đặt ra rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải xử lý cho hợp lý.

Phương án bỏ một trạm thu phí cũng phải được đặt trong tổng thể của cả hai tuyến đó là tuyến cải tạo Quốc lộ 1 và tuyến đầu tư của cao tốc Bắc Giang – Hữu Nghị. Điều này cũng cần được nhà đầu tư tính toán một phương án hợp lý nhất cho phương án thu phí. Tôi cho rằng đó là phương án đúng. Đây là việc làm hết sức tích cực từ phía chủ đầu tư. Như vậy, sẽ tạo được đồng thuận và hợp lý, hài hòa giữa các bên; hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và người dân, doanh nghiệp.

Phóng viên: Từ 1/6/2018, chủ đầu tư chính thức thu phí tại trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1 để thu hồi vốn cho dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đã có những giám sát như thế nào thế nào trong việc miễn giảm phí cho người dân và doanh nghiệp xung quanh dự án?

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành: Để chuẩn bị cho vấn đề thu phí trên Quốc lộ 1 từ ngày 1/6 tới, vừa qua Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã có một đợt giám sát khảo sát về nội dung này trên toàn dự án. Qua việc giám sát này cho thấy, việc chuẩn bị cho thu phí hay miễn giảm giá vé cho người dân đã được địa phương và nhà đầu tư thực hiện rất tích cực.

Trước tiên, là vấn đề tuyên truyền cho người dân nhận thức được lợi ích của việc mở những tuyến đường mới và nâng cấp cải tạo những tuyến đường cũ. Thứ hai là trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong việc đóng góp một phần phí của mình cho việc sử dụng các công trình đầu tư.

Thứ ba là những đối tượng nằm trong phạm vi được xét miễn, giảm trong vòng bán kính 10 km đã được rà soát rất kỹ. Tôi cho rằng việc miễn, giảm này hết sức hơp lý. Người dân cũng nên chia sẻ quyền và nghĩa vụ của mình để có một nhận thức đúng đắn, qua đó ủng hộ dự án. Để dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, qua đó cũng góp phần nâng cao được đời sống, kinh tế – xã hội của nhân dân.