Trong nỗ lực mới nhất, các nhà nghiên cứu tại đại học khoa học và công nghệ King Abdulla (Arab Saudi) đã phát triển thành công một loại vật liệu “đen nhất thế giới” – có khả năng hấp thụ tới 98 – 99% ánh sáng trong khoảng bước sóng từ 400 đến 1.400 nm khi chiếu trên bề mặt của nó. Mức độ hấp thụ ánh sáng của vật liệu mới cao hơn 26% so với ống nano carbon, vốn được xem là vật liệu tối nhất từ trước đến nay.
Cấu trúc phân tử nano của vật liệu đen nhất thế giới
Sau khi phân tích loài bọ cánh cứng Cyphochilus (cấu trúc tinh thể quang cho phép cơ thể nó có màu trắng hoàn toàn) cùng cấu trúc ống nano cacbon, nhóm nghiên cứu trên đã tạo ra những ống phân tử nano dạng que siêu nhỏ đặt trên một hạt nano hình cầu có đường kính 30 nm. Với cấu trúc này, vật liệu mới có thể hấp thụ ánh sáng từ mọi góc cũng như không bị ảnh hưởng bởi độ phân cực của ánh sáng chiếu vào.
Loài bọ cánh cứng Cyphochilus là cảm hứng để phát triển ra loại vật liệu này
Cũng theo các nhà khoa học, việc tạo nên một loại vật liệu đen hoàn hảo, có khả năng hấp thụ tất cả năng lượng và phản xạ lại mà không bị thất thoát gần như là bất khả thi. Vật liệu mới này cũng chỉ tiệm cận với điều đó, tuy nhiên, nó sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công nghệ mặt trời hay quá trình truyền dữ liệu bằng cáp quang.
Cuối cùng, loại vật liệu này mới này rất dễ chế tạo, có thể tồn tại ở thể lỏng để sử dụng trong nhiều điều kiện khác nhau. Đồng thời, nếu chiếu tia laser vào nó, các nhà khoa học tại King Abdulla có thể tạo ra một nguồn sáng đơn sắc mà không cần dùng kỹ thuật cộng hưởng như hiện tại.
Tham khảo: ibtimes