Chống thấm cho sân thượng

KTNĐ – * Tôi dự định xây một căn nhà liên kế lầu trong khu quy hoạch mới. Khu dân cư này quy định phải xây nhà theo mẫu có sẵn. Mẫu nhà có một sân thượng lớn và một mái bằng che thang, đây chính là nỗi lo lắng lớn nhất của tôi.

Căn nhà tôi đang ở cũng có sân thượng, căn phòng bên dưới sân thượng này nóng bức suốt cả ngày do nhiệt từ trên hắt xuống. Lại thêm nạn thấm nước mưa: trên trần bê tông luôn có những vết ố lớn, cứ phải xử lý chống thấm vài năm một lần, rất phiền phức.

Tôi dự định sẽ làm thêm lớp mái tôn bảo vệ sân thượng khỏi mưa nắng như nhiều nhà hàng xóm đã làm nhưng hơi ngần ngại vì thấy không có kiểu nào đẹp. Tôi thấy nhà ở phương Tây sân thượng rất nhiều, thậm chí có cả vườn bên trên, không lẽ đều bị thấm dột?

Xin quý báo cho biết có cách nào để giải quyết “vấn nạn” sân thượng này không?

Chị PHẠM H.T.ANH (Q.7, TP.CM)

– Tư vấn: 

* Có thể xây dựng thêm mái tôn hoặc ngói cho sân thượng?

– Về luật lệ thì không được vì làm thay đổi quy mô và hình thức căn nhà so với quy định. Về thẩm mỹ thì giống như chị đã băn khoăn: thường phần mái cơi nới thêm này rất xấu do kiểu dáng và sự hạn chế của việc gia công vật liệu thép và vật liệu tấm lợp của thị trường Việt Nam.

* Có thể “chống nóng” và “chống thấm” một cách triệt để cho sân thượng và mái bằng?

– Kỹ thuật “chống nóng” và “chống thấm” cho mái bằng hoàn toàn không có gì mới và có lẽ nó đã xuất hiện từ khi có cấu trúc nhà bê tông cốt thép (btct). Câu trả lời là hoàn toàn có thể nếu theo đúng nguyên tắc.

Nguyên tắc cấu tạo căn bản bắt buộc của mái bằng hoặc sân thượng btct, theo thứ tự từ trên xuống dưới, như sau:

h1

1. LỚP BẢO VỆ: có tác dụng bảo vệ các lớp cấu tạo bên dưới nó khỏi tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời như nhiệt và tia tử ngoại và các tác động mạnh khi sử dụng (các loại vật liệu chống thấm gốc dầu mỏ thường rất mau lão hóa dưới tác động của tia tử ngoại.

Sự thay đổi nhiệt độ giữa những thời điểm khác nhau trong ngày cũng làm đan btct co giãn tạo ra những khe nứt gây thấm dột).

Lớp bảo vệ có thể là một lớp hồ xi măng, hoặc các loại gạch lát sàn chịu được mưa nắng (do các loại gạch lát ngày nay có tác dụng chống thấm cao nên nhiều thợ xây vẫn xem lớp này như lớp vật liệu chống thấm chính, theo tôi điều này không đúng).
Ngoài ra, còn có nhiều loại vật liệu tạo nên lớp bảo vệ có kết hợp cả chống nóng.

2. LỚP CHỐNG THẤM: có tác dụng chống thấm cho đan mái. Hiện nay thị trường có nhiều loại khác nhau, từ dạng lỏng dùng để quét trên mặt xi măng đến loại tấm trải trên mặt đan. Do đa số trên thị trường nhà ở đơn lẻ thường dùng vật liệu chống thấm dạng lỏng nên bạn cần lưu ý vài điểm:

– Quét hóa chất bằng cọ hoặc lăn ru lô rất dễ sót những điểm thiếu hóa chất nên cần tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng.
– Công nhân đi lại trên lớp hóa chất này sẽ làm bong tróc vật liệu.
– Vật liệu chống thấm cần phải phủ lên tường bao chung quanh sàn ít nhất 20cm để tránh nước thấm góc tường.

3. LỚP KẾT CẤU CHỊU LỰC: kết cấu chịu lực của mái và sân thượng thông dụng nhất ở Việt Nam vẫn là đan btct. Nhược điểm của đan btct là tính cách nhiệt kém. Người ta có thể dùng loại gạch bọng hourdis để tạo thành sàn có tính cách nhiệt rất tốt (TP.HCM có loại gạch này do Công ty Gạch ngói Đồng Nai sản xuất).

Trường hợp mái hoặc sân thượng btct không có lớp cách nhiệt, bạn bắt buộc phải làm lớp trần có phủ lớp vật liệu cách nhiệt cho các phòng ngay dưới nó.