Một trong những vấn đề lớn với các lưới lọc không khí hiện tại là ngoài việc chặn bụi bẩn, nó còn chặn luôn cả không khí khiến luồng gió không thể lùa qua được, hơn nữa lớp lọc dày còn chặn cả ánh sáng. Một hệ thống làm ấm hoặc làm mát có thể áp dụng được công nghệ này, nhưng nó lại không thể được áp dụng lên cửa sổ.
Nhưng các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore có thể đã tìm được giải pháp cho trở ngại ấy. Bằng việc sử dụng một hợp chất hóa học mang tên phthalocyanine – chất thường được sử dụng trong nhuộm vải, họ đã tạo được ra những phân tử hữu cơ có khả năng tự kết hợp được với nhau thành những hạt nano, rồi tiếp tục nối lại thành sợi nano.
Giải pháp nano mới này có thể được sản xuất với giá thành rất rẻ, có thể được đổ lên những tấm lưới mỏng cũng như những vật liệu “không dệt” khác. Khi tấm lọc được đổ sợi nano ấy khô đi, nó sẽ trở thành tấm lọc không khí có những đặc tính “kì diệu”.
Vải không dệt (nonwoven faric) là vải có cấu trúc tấm được kết nối với nhau bằng liên kết cơ học, nhiệt học hoặc hóa học. Chúng không được tạo ra bằng phương pháp dệt hay thêu thông thường và không cần công đoạn chuyển đổi những thớ vải thành chỉ, người ta sẽ dát mỏng vật liệu ra để tạo vải không dệt.
Kết quả, họ có dược một tấm lọc có khả năng loại bỏ tới 90% hạt bụi ô nhiễm PM2.5 (có kích cỡ nhỏ hơn 2,5 micro mét, khoảng 3% đường kính sợi tóc con người). Đồng hời, lớp lọc ấy vẫn cho phép không khí có thể lưu thông qua một cách dễ dàng. Điểm đáng lưu ý là chỉ một tấm lọc đã có được những khả năng trên, khi kết hợp nhiều tấm lại, ta sẽ có được một lớp bảo vệ tuyệt hảo.
Và cửa sổ của bạn trong tương lai – khi được lắp đặt lớp lọc này – sẽ có thể cho nắng và gió tràn vào mà không sợ bụi. Vì thế, nếu bạn có sống trong khu dân cư đông đúc hay có nhà ở ngay mặt đường, bạn vẫn có thể mở được cửa sổ, cửa chính để hưởng thụ những cơn gió trời mát lạnh, đón không khí trong lành.