Tháng 4 vừa qua, Đề xuất Dự án Xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Hợp Thành 1, Hợp Thành 2 và Khu tái định cư Hợp Thành theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT do Công ty CP Đầu tư Bác Nguyên Lạng Sơn (gọi tắt là Bác Nguyên) lập đã được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt.
Dự án được xây dựng tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, tổng diện tích khu đất theo Đề xuất Dự án là 53,27 ha. Với tổng vốn đầu tư dự kiến là 420 tỷ đồng, phương án tài chính sơ bộ tại Đề xuất Dự án là giao nhà đầu tư khai thác quỹ đất khoảng 28,4 ha (khu đất quy hoạch Khu dân cư Hợp Thành) để thực hiện dự án khác. Tổng giá trị thu từ đất ở khoảng 426 tỷ đồng, nhà đầu tư phải trả khoản chênh lệch 6 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện Dự án dự kiến 6 năm (2018 – 2023). Quỹ đất dự kiến bàn giao cho nhà đầu tư theo 3 đợt, tương ứng với tiến độ thực hiện Dự án BT.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, là một doanh nghiệp khá lớn tại Lạng Sơn, Bác Nguyên thực tế đã là chủ đầu tư của Dự án Cụm công nghiệp Hợp Thành từ 10 năm trước. Tháng 10/2008, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Bác Nguyên thực hiện Dự án theo hình thức BOT.
Tuy nhiên sau nhiều năm chưa triển khai, năm 2017, Bác Nguyên đã xin điều chỉnh dự án từ loại hợp đồng BOT sang hợp đồng BT. Vào thời điểm đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chuyển Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trả lời Bác Nguyên về việc có cần tổ chức đấu thầu hay chỉ định thầu lại khi chuyển đổi loại hợp đồng hay không.
Văn bản trả lời khi đó của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) nêu rõ, hai loại hợp đồng này có bản chất hoàn toàn khác nhau về mô hình tài chính cũng như cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư. Sau gần 10 năm, việc thay đổi loại hợp đồng từ BOT sang BT sẽ làm thay đổi hoàn toàn bản chất và nội dung của Dự án. Vì vậy, trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trong trường hợp này là UBND tỉnh Lạng Sơn) nhận thấy việc chuyển đổi từ loại hợp đồng BOT sang BT là cần thiết thì nên tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. Trước khi lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét khả năng bố trí quỹ đất để thanh toán đối với loại hợp đồng BT. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần đánh giá hiện trạng triển khai Dự án, lưu ý cam kết của các bên trong văn bản, hợp đồng BOT đã ký kết.
Theo Cục Quản lý đấu thầu, nếu Bác Nguyên tiếp tục quan tâm đến Dự án thì có thể thực hiện quy trình đề xuất dự án theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. Sau khi đề xuất dự án của Công ty được phê duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giao Công ty lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. Trường hợp Báo cáo nghiên cứu khả thi do Công ty lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án tuân thủ quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP. Đồng thời, Công ty sẽ được hưởng ưu đãi trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.
Và đến tháng 4 vừa qua, Đề xuất Dự án Xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Hợp Thành 1, Hợp Thành 2 và Khu tái định cư Hợp Thành theo hình thức BT do Bác Nguyên lập chính thức được công bố, bắt đầu cho quá trình lựa chọn lại nhà đầu tư cho Dự án. Dù mới ở những bước đầu tiên, nhưng Bác Nguyên đang có những ưu thế rõ ràng khi đã đeo đuổi dự án 10 năm, lại là nhà đầu tư lập đề xuất dự án BT. Một cuộc thầu khá đặc thù đòi hỏi quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư lần này phải thực sự cạnh tranh, minh bạch, công bằng để dù Bác Nguyên lại thắng cũng không bị đặt nghi vấn “chưa đấu đã biết kết quả”.