Hà Nội: Nghịch cảnh hàng ngàn căn hộ nhà ở xã hội, tái định cư bị bỏ hoang

Hà Nội: Nghịch cảnh hàng ngàn căn hộ nhà ở xã hội, tái định cư bị bỏ hoang

(Xây dựng) – Trong khi nhiều người dân tại Thủ đô Hà Nội đang phải sống trong cảnh chật chội, thiếu đất, thiếu nhà, quỹ nhà giá rẻ luôn trong tình trạng “khan hiếm” thì ngay giữa Thủ đô lại tồn tại “nghịch cảnh” ký túc xá được đầu tư nghìn tỷ xây xong “ế” sinh viên, hoặc có những khu cả trăm căn hộ tái định cư bỏ hoang không có người đến ở.


Khu nhà ở học sinh, sinh viên ở Pháp Vân.

Theo đó, Dự án khu nhà ở cho học sinh, sinh viên nằm trong khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp do Ban quản lý đầu tư và xây dựng thuộc Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, có mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng, gồm 6 tòa nhà cao 19 tầng với diện tích tương đối lớn, số phòng trên 1.400 phòng có thể phục vụ hơn 10 ngàn sinh viên. Nhưng nhiều năm qua, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng vẫn còn thừa khá nhiều, thậm chí nhiều diện tích còn bị bỏ hoang.

Theo khảo sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tại đây các phòng được trang bị bàn ghế, giường tủ và các trang thiết phục vụ cho nhu cầu ở và học tập của học sinh, sinh viên rất đầy đủ, nhưng không hiểu vì sao tòa nhà lại chỉ có rất ít học sinh, sinh viên đến vậy, ước chừng chỉ tầm 10 tầng được sử dụng còn 9 tầng trên cao bỏ không.

Có lẽ rằng, so với những ký túc xá khác của nhiều trường đại học quanh khu vực này như: Đại học Xây dựng, Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế Quốc dân… thì cơ sở vật chất ở đây vượt trội hơn rất nhiều, từ không gian sinh hoạt rộng rãi thoáng mát, cầu thang máy, phòng tắm có nóng lạnh và đầy đủ tiện nghi.

Nhưng tại khu nhà này, vẫn “vắng bóng” sinh viên đến ở. Ngoài ra, khu nhà ở này nằm cách khá xa các trường đại học, giao thông còn nhiều vướng mắc, phương tiện đi lại, xe buýt công cộng còn nhiều hạn chế… cũng là nguyên nhân khiến các khu nhà ở đây không có sinh viên đến thuê trọ.


Khu nhà ở A1 – khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Khu đô thị Pháp Vân.

Theo quan sát thực tế của phóng viên cho thấy, khu nhà A1 – khu nhà ở cho học sinh, sinh viên này chỉ có 5 tầng là có sinh viên ở còn các tầng trên hầu như bỏ hoang. Mỗi tầng của nhà A1 thường được bố trí khoảng 30 phòng có diện tới 50 m2.

Theo các chuyên gia, bản chất của chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên là rất đúng, nhưng những bất cập trong việc triển khai xây dựng, cơ sở hạ tầng thiếu tính đồng bộ đã khiến các dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên không phát huy được tính hiệu quả.

Phải chăng cần chuyển đổi mục đích sử dụng tại các khu nhà quanh khu vực này: Nếu đặt trong tương quan phát triển, cơ cấu dân số thì số lượng học sinh, sinh viên trong vòng 20 năm tới sẽ giảm dần khi đất nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Như vậy chỉ có nhu cầu nhà ở của công nhân, người lao động có thu nhập thấp ở đô thị sẽ tăng lên trong thời gian tới, nhu cầu nhà ở của đối tượng này sẽ tăng lên.

Đối với sinh viên dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang đẩy nhanh tiến độ Dự án Làng đại học tại Hòa Lạc. Khi dự án hoàn thành sẽ có hàng chục trường đại học, cơ sở đào tạo được di rời khỏi nội đô. Chính vì vậy, các dự án nhà ở cho sinh viên đã và đang thi công tại Hà Nội hiện nay sẽ hạn chế công năng và dần không còn tác dụng.

Tiếp tục với câu chuyện với dự án nhà tái định cư trên địa bàn phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội cũng là một minh chứng về sự bất cập trong việc xây dựng các căn hộ tái định cư cho người dân.


Dãy nhà tái định cư trên địa bàn phường Thượng Thanh, quận Long Biên.

Tìm hiểu được biết, Dự án nhà tái định cư trên địa bàn phường Thượng Thanh, quận Long Biên thuộc dự án giãn dân khu phố cổ Hà Nội. Mặc dù tọa lạc tại một vị trí tương đối thuận lợi về giao thông, nhưng những hộ dân thuộc diện giãn dân khu phố cổ Hà Nội lại không mấy “mặn mà” với những căn hộ khang trang, đẹp đẽ tại đây, khiến khu chung cư này phải chịu cảnh vắng bóng người nhiều năm qua.

Tiếp tục tìm hiểu được biết, ngày 09/01/2013, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 168/QĐ-UBND về việc phê duyệt “đề án giãn dân khu phố cổ quận Hoàn Kiếm”, đây là một chủ trương lớn và có ý nghĩa với quận Hoàn Kiếm – nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đất nước.


Khu nhà khang trang nhưng vắng bóng người.

Tuy nhiên, việc giãn dân khu phố cổ được cho là rất khó khăn, vì đây là khu vực tấp nập, thuận lợi cho việc buôn bán đối với các hộ gia đình. Vì thế, UBND TP Hà Nội đã có những chính sách ưu đãi đặc biệt để khuyến khích người dân di dời.

Theo đó, đối với các hộ tự nguyện giãn dân: Đang sinh sống, kinh doanh tại diện tích nhà mặt phố trong khu phố cổ hoặc hộ dân có nhu cầu kinh doanh để đảm bảo cuộc sống sẽ được ưu tiên xem xét bố trí kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 của các tòa nhà 9 tầng tại Khu đô thị mới Việt Hưng.


Nhìn các dãy nhà NQ14- NQ17 để hoang nhiều năm không được đưa vào sử dụng khiến người tỏ ra xót xa.

Thế nhưng, việc giãn dân đang không nhận được sự “hợp tác” của người dân, bởi khu vực phố cổ từ lâu này được xem như một khu vực rất tấp nập, thuận lợi làm ăn buôn bán và từ lâu đã trở thành “nồi cơm” của rất nhiều hộ gia đình. Chính vì thế, dù có “ưu đãi” về nhà thì cũng không “hấp dẫn” người dân di chuyển qua sinh sống.

Nhà cho sinh viên thì phải gần trường học, hoặc chí ít thì phải thuận lợi về phương tiện giao thông từ nơi ở đến trường; giá thuê phải phù hợp với điều kiện đời sống của sinh viên.

Nhà tái định cư phải được tham khảo ý kiến người dân, phải được người dân đồng tình ủng hộ; bởi vì đời sống của nhiều người dân còn phụ thuộc vào gánh hàng rong hàng ngày, trong khi nhà tái định cư được xây dựng một nơi xa tít, hạ tầng chưa hoàn thiện; đời sống gặp nhiều khó khăn và cũng không có nguồn nào để sinh sống những ngày còn lại…

Vì vậy tình trạng nhà bỏ trống cũng là đương nhiên, các cấp chính quyền không thể bằng một quyết định hành chính để áp đặt việc này. Trong khi Nhà nước đang thiếu vốn để đầu tư bao nhiêu công trình phúc lợi xã hội, người thu nhập thấp đang cần nhà để ổn định cho cuộc sống, an tâm làm việc. Việc hàng ngàn m2 nhà ở bỏ hoang là một sự lãng phí vô cùng to lớn trong khi đất nước đang nghèo.

Phải chăng những vấn đề này được tham mưu, quyết định bởi những “cái đầu” sáng suốt, mang tính “chiến lược” thường được ca tụng về tầm nhìn quy hoạch trước các cuộc bầu bán vào các chức vụ lãnh đạo của thành phố.

Chưa hết, còn có những loại lãng phí đặc biệt như một ai đó mua 3 căn biệt thự ở “Xứ sở thanh bình” (mỗi căn trị giá gần 20 tỷ đồng) tại Thủ đô rồi đập đi hai chiếc bên cạnh để làm vườn. Căn biệt thự đã ngả màu mưa nắng với mảnh vườn rộng thênh thang um tùm cây cối nhiều năm qua vẫn “Trơ cùng tuế nguyệt”…

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.