Theo thông tin từ Báo Hải Dương, dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (EcoRivers), cuối tháng 12-2017, UBND tỉnh Hải Dương đã ra Quyết định số 4185/QĐ-UBND do ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBDN tỉnh ký phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất (SDĐ) để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, ngày 2.2.2018, UBND tỉnh ra Quyết định số 548/QĐ-UBND phê duyệt giá đất cụ thể và phương án thu tiền SDĐ (giá khởi điểm) để tổ chức đấu giá quyền SDĐ. Theo đó, giá khởi điểm để đấu giá quyền SDĐ của dự án (khu đất đấu giá đã được giải phóng mặt bằng) gồm giá trị quyền SDĐ 350.407 m2 đất ở và 50.416 m2 đất thương mại dịch vụ là 799.584.104.000 đồng. Giá trên không bao gồm chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chi phí xây dựng nhà thô. Như vậy, giá khởi điểm tiền sử dụng đất cho một m2 đất khu đô thị sinh thái chỉ gần 2 triệu đồng, quá thấp so với mặt bằng chung của các dự án đô thị sinh thái.
Được biết, UBND tỉnh thành lập Hội đồng đấu giá (HĐĐG) quyền SDĐ do ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh là Chủ tịch Hội đồng. Nhìn về thủ tục thì việc chuẩn bị có vẻ chặt chẽ nhưng trên thực tế, theo một số đơn vị tham gia đấu giá, đã có dấu hiệu sai phạm ngay trong Quyết định số 4185/QĐ-UBND do ông Nguyễn Dương Thái ký. Trong đó có quy định: “Phải chứng minh có đủ điều kiện về năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật để thực hiện dự án sau khi trúng đấu giá như đã và đang đầu tư ít nhất 01 (một) dự án phát triển đô thị sinh thái quy mô tương đương (trong đó có hạng mục cây xanh trồng trong khu đô thị có đường kính thân D>1m, chiều cao H>10m trên 300 cây”.
Theo một số đơn vị tham gia đấu giá, việc đặt ra tiêu chí trồng cây trong khu đô thị là không phù hợp vì đó không phải là nội dung trọng yếu trong quyết định năng lực xây dựng dự án.
Những diễn biến nêu trên cho thấy sự việc rất giống với vụ lùm xùm trong đấu giá khu đất và tài sản trên đất tại 120 Quán Thánh, quận Ba Đình, cách đây 2 năm để lại nhiều bài học khi thông tin về bán đấu giá đất “vàng” này được cung cấp rất “nhỏ giọt”. Sau đó, chỉ có hai người đủ điều kiện tham gia.
Một vụ việc tương tự cũng xảy ra ở Hải Dương là ngày 12/5/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định số 1485/QĐ-UBND phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất thuê 50 năm theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cả thời gian thuê để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp nhà hàng, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao thuộc quy hoạch Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương.
Dư luận bức xúc và yêu cầu phải làm rõ những khuất tất, vòng vo để Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt giá khởi điểm đấu giá đất chỉ bằng khoảng 30% giá khảo sát, bằng khoảng 60% giá theo bảng giá đất của UBND tỉnh ban hành năm 2014 và giá trúng đấu giá chỉ tăng 0,2% so với giá khởi điểm.
Có diện tích 17 nghìn m2, lô đất được đem gia đấu giá hình chữ nhật (chiều dài 200m, chiều rộng 85m) đã được giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, bốn mặt đều là đường trải bê tông nhựa.
Lô đất được đánh giá có vị trí đắc địa khi phía Bắc giáp đường Tôn Đức Thắng (200m), phía Nam giáp đường Hàm Nghi (200m), phía Đông giáp đường Thanh Niên (85m) và phía Tây giáp đường Nguyễn Đức Cảnh (85m).
Thoạt nhìn ban đầu, nguyên tắc xác định giá được UBND tỉnh Hải Dương đưa ra rất phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Đó là giá đất cụ thể từng vị trí của khu đất để tính tiền, trả tiền một lần cho cả thời gian thuê phải đảm bảo phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất cùng vị trí, cùng mục đích sử dụng, cùng điều kiện hạ tầng đã chuyển nhượng hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất những không thấp hơn mức giá quy định của đất cùng loại, cùng thời hạn, cùng vị trí quy định tại Bảng giá đất của UBND tại Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 20/12/2014.
Phối cảnh dự án EcoRivers
Các bước quy trình xác định giá cũng đầy đủ từ phường, thành phố, sở chuyên ngành, hội nghị liên ngành rồi Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Hải Dương do Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng. Mặt khác còn bỏ ra hàng trăm triệu đồng thuê đơn vị thẩm định giá độc lập để có căn cứ so sánh, xác định…
Ở đây, có hay không sự đánh tráo khái niệm giữa đấu giá đất đã giải phóng mặt bằng, hạ tầng hoàn chỉnh theo quy định của Luật Đất đai với đấu thầu dự án đầu tư khi chưa giải phóng mặt bằng theo Luật Đầu tư để hạ giá khởi điểm từ 21 triệu đồng/1m2 xuống còn 6,12 triệu đồng/1m2. Mặt khác, theo khoản 2 điều 3 Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính, thì việc x (50 năm : 70 năm) là áp dụng cho trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá. Không hiểu vì sao lại giả định rồi x (12 tầng : 5 tầng) để xác định giá khởi điểm đấu giá đất mà thực chất là bán đất có thời hạn thu tiền cho ngân sách.
Dư luận cho rằng, cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương có quyết định phê duyệt đơn giá khởi điểm cho đấu giá đất trên là của Hội đồng thẩm định giá Hải Dương hay của UBND tỉnh Hải Dương. Bởi theo quy định, thẩm quyền ban hành quyết định giá đất là của UBND tỉnh chứ không phải của cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.