Nhà bằng ống thoát nước – giải pháp cho khủng hoảng nhà ở Hong Kong

Có quá đông người ở Hồng Kông – cụ thể là 7,4 triệu người, tất cả “nén” trên một diện tích 1.098km2. Cùng với dân số đông đúc, giá cả tăng đến chóng mặt khiến nhiều người không chịu nổi giá bất động sản.

Đó là lý do một kiến trúc sư bản địa muốn biến cái ống dẫn nước bằng bê tông to đùng thành các căn hộ nhỏ xếp chồng lên nhau ở các khoảng đất trống. Còn lâu đó mới là một kiến trúc – nhưng đó có thể lại là một giải pháp khôn khéo cho vấn đề nhà ở của Hong Kong.
Việc tìm kiếm những ngôi nhà giá cả phải chăng đã khiến nảy sinh những căn nhà thật nhỏ, đôi lúc khá là lạ lùng. Một số kiến trúc sư đang trải nghiệm với những căn hộ bé xíu được gọi là “những căn nhà nano”. Một trong những căn nhà như thế, nhỏ hơn một chỗ đậu xe, chỉ rộng hơn 11m2 vừa mới được bán với giá tương đương 242.805USD. Một sự tuyệt vọng để tìm ra một nơi gọi là nhà.
Kiến trúc sư người Hồng Kông James Law mô tả Hong Kong trở nên nổi tiếng về chỗ ở nhỏ trong các căn hộ và các cửa hiệu – những tòa nhà chèn bằng các vách ngăn. “Không ánh sáng trời, không có quạt riêng, cực nhỏ, những gian nhà này được tạo ra rộng chừng 4,5m2,” Law nói. “Về cơ bản đó là cách các chủ nhà thực sự ngăn thành các đơn vị phòng siêu nhỏ vì người dân không thể mua nổi một căn hộ bình thường.” Chuyện không dừng lại ở đó. Người dân bắt đầu tìm những gian phòng chủ yếu như những cái chuồng. Hàng ngàn người không có lựa chọn nào khác ngoài việc thuê một không gian 1,6m2 được xây dựng bằng vật liệu khiến chúng trở nên đúng nghĩa là cái chuồng.
Dự án nhà ở làm bằng ống thoát nước của Kiến trúc sư James Law tại Hồng Kông, một trong những giải pháp ngắn hạn giúp giải quyết nạn khủng hoảng nhà ở tại đây. Ảnh: TL
“Một nhà chuồng tiêu biểu sẽ có ba tầng giường. Và rồi để bạn có được sự an toàn và riêng tư, chỗ đó sẽ được ngăn bằng những tấm lưới dợn sóng. Hơi bị giống xà lim nhà tù,” Law nói. “Đó là một cách sống cực kỳ nguy hiểm.” Và mọi người thực tế đã phải trả tiền để sống như thế. Một căn hộ ngăn vách rộng chừng 4,5 đến 10m2 giá thuê đâu chừng từ 418 đến 837USD mỗi tháng. Trong khi đó một nhà chuồng cũng chẳng rẻ gì hơn: 418USD một tháng, theo James Law.
Vì vậy, kiến trúc sư Law đã đưa ra một giải pháp khả thi bằng việc tìm ra cách tận dụng không gian có sẵn (và cũng chẳng nhiều nhặn gì). Một ý tưởng ông đang hoàn thiện là OPod – nhà siêu nhỏ được xây dựng bằng các ống nước bê tông, rồi sau đó chồng chúng lên nhau và bố trí ở những không gian đô thị không sử dụng. Đó là một cách xây một tháp khối căn hộ nhanh.
“Những cái ống ấy vốn được dùng chôn dưới đất để thoát nước nhanh,” ông nói. “Và chúng tôi mua lại các sản phẩm này với giá rất rẻ từ các nhà thầu, vì chúng bị sản xuất thừa hằng năm. Thay vì bỏ làm rác, họ để lại cho chúng tôi với giả rẻ mạt. Và rồi chúng tôi đổ vào đấy một ít vốn và có thể bố trí một ít đồ đạc, với một phòng tắm, một vòi sen, một nhà bếp nhỏ, một ghế giường sofa… ngay lập tức bạn có một căn nhà.
OPod có một phong cách hiện đại, công nghiệp, được thiết kế tùy chỉnh bởi các cư dân tương lai. Law thừa nhận rằng đây không phải là giải pháp lâu dài đối với cuộc khủng hoảng nhà ở tại Hồng Kông. Nhưng điều đó chưa bao giờ là ý định của ông. “Tôi không cho rằng Opod là một giải pháp tổng thể cho vấn đề, bởi vì có nhiều vấn đề khách đan xen trong toàn bộ vấn đề này,” ông nói. “Một kiến trúc độc nhất không thể giải quyết mọi thứ trong một lần.”
Còn có lý do khác để tạo ra Opod: sự hiểu sai về không gian ở Hồng Kông. Law vẫn cho rằng trong khi sự thiếu đất thường được đổ lỗi cho giá bất động sản rất cao, đó chỉ là một phần của bức tranh. “Hồng Kông là một đô thị rất đông dân. Tuy nhiên cho rằng chúng ta không có đủ đất là không đúng hoàn toàn. Chúng ta không có những vùng đất rộng lớn để xây các khu nhà ở khổng lồ. Chúng ta cần lấy đất từ biển. Nhưng nếu chúng ta nhìn đô thị của chúng ta như hiện nay, chúng ta thực sự thấy rất nhiều mảnh còn lại. Dưới các cầu vượt, trên đỉnh các building, giữa các building thường bỏ trống trong nhiều năm trời.”
Law muốn rằng các nhà quy hoạch đô thị suy nghĩ về việc làm thế nào để phát triển thành phố và làm thế nào để bố trí chỗ ở như kiểu Opod có thể chèn vào những khe hở và không gian trống.
Khi mà chi phí sinh hoạt ở Hồng Kông tăng lên nhưng lương tăng không phù hợp, cần phải làm nhiều hơn để đưa ra các giải pháp. Cho đến lúc đó, sẽ vẫn còn những người ban đêm phải chui rúc trong một cái chuồng.