Một góc khu tái định cư Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy). Ảnh: Viết Thành |
Khu nhà ở chung cư tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) đưa vào sử dụng từ năm 2006 nhưng từ lâu đã “nổi tiếng” vì sự xuống cấp nghiêm trọng khi nền một số ngôi nhà cao tầng bị sụt lún, khiến người dân lo lắng. Bà Trần Thu Hương, sống tại tòa nhà NO6 cho biết, hiện tượng sụt lún xảy ra nhiều nhất ở ngôi nhà này; bên cạnh đó, nhiều thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) xuống cấp, hệ thống báo cháy không hoạt động, bình cứu hỏa hết hạn sử dụng…
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Quỳnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết, trên địa bàn quận đang tồn tại nhiều khu nhà ở tái định cư được xây dựng trước thời điểm có Luật Nhà ở và không có quỹ bảo trì 2%.
“Nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng như nứt kết cấu; gạch lát nền, tường nhà bong, tróc. Hệ thống thang máy, thiết bị PCCC, chống sét, máy phát điện và máy bơm nước… thường xuyên hư hỏng do ít được bảo trì, bảo dưỡng. Quận đã có nhiều văn bản báo cáo thành phố, Sở Xây dựng và yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, các chủ đầu tư, quản lý nhà chung cư kịp thời giải quyết. Tuy nhiên, việc sửa chữa không được tiến hành triệt để, có tính chất đối phó. Điều này gây bức xúc lớn cho người dân và khó khăn trong quản lý” – ông Quỳnh cho biết.
Không riêng quận Hoàng Mai, nhiều chung cư tái định cư trên địa bàn các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân… cũng trong tình trạng chất lượng kém, thiếu tiện ích, chất lượng dịch vụ không bảo đảm. Thậm chí, không gian chung ở các tầng, kể cả lối thoát hiểm cũng bị chiếm dụng; hàng quán bủa vây tòa nhà…
Trong văn bản gửi Ban Đô thị HĐND thành phố ngày 13-3-2018, UBND quận Thanh Xuân cũng nhấn mạnh điều này và khó khăn nhất hiện nay là việc bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng tại khu chung cư tái định cư N, thuộc địa bàn phường Nhân Chính. Trước kiến nghị của cư dân về việc bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng, năm 2016, quận đã có văn bản đề xuất Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát phần diện tích thuộc sở hữu nhà nước tại các tòa nhà và bố trí mỗi nhà 1 phòng với diện tích 70m2. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có các tòa N2D, N5D, N4CD được bố trí, các tòa khác chưa thể sắp xếp do việc thu hồi diện tích cho thuê gặp khó khăn…
Cũng trong trung tuần tháng 3-2018, Đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại, chung cư tái định cư của HĐND thành phố đã làm việc với Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Nguyên Quân (Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố) nhận định, công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo trì chung cư tái định cư còn nhiều bất cập, hạn chế, thậm chí để xảy ra nhiều sai phạm, trong đó tồn tại lớn nhất là cơ chế quản lý thu và hỗ trợ bảo dưỡng, bảo trì chậm được ban hành. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Trách nhiệm này thuộc về Sở Xây dựng và các sở, ngành có liên quan.
Đồng bộ các giải pháp tháo gỡ
Nền nhà ở một số đơn nguyên thuộc khu nhà tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) bị sụt lún. |
Thành phố cũng giao chính quyền các cấp nơi có nhà chung cư tái định cư đẩy mạnh tuyên truyền về quản lý, sử dụng nhà chung cư, tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị… Với quỹ nhà đang khai thác, thành phố đang xem xét, chỉ đạo đơn vị quản lý, vận hành lập và bàn giao hồ sơ tòa nhà cho ban quản trị sau khi được thành lập… Tuy nhiên, với những giải pháp “dự kiến” và “đang xem xét” này, việc gỡ vướng xem ra còn khá nan giải.
Liên quan đến công tác PCCC, tại hội nghị giao ban trực tuyến UBND thành phố quý I-2018, tổ chức ngày 30-3 vừa qua, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã nêu rõ, với các tòa nhà tái định cư lâu năm, thành phố có chủ trương sử dụng ngân sách thành phố cải tạo nâng cấp, bổ sung thiết bị PCCC bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu Sở Xây dựng và Ban Quản lý các công trình văn hóa xã hội, dân dụng triển khai sớm.
Thống kê cho thấy, đến năm 2020, thành phố cần 22.131 căn hộ chung cư để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Nhưng các dự án đang triển khai chỉ đáp ứng được khoảng 4.500 căn. Tháo gỡ bất cập này, cuối năm 2017, TP Hà Nội đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất cơ chế đặt hàng xây nhà ở tái định cư.
Theo đó, thành phố tạo quỹ đất (đã giải phóng mặt bằng) lựa chọn nhà đầu tư xây nhà tái định cư theo quy hoạch được duyệt. Sau khi tiến hành dự án, nhà đầu tư được quản lý, vận hành, bảo trì công trình và được phép bán 20% quỹ nhà ra thị trường hoặc được hưởng 10% lợi nhuận định mức (không tính phí lãi vay ngân hàng). Thành phố đặt hàng với nhà đầu tư, nhà đầu tư ký hợp đồng bán nhà và thu tiền của người mua.
Như vậy, bảo đảm chất lượng nhà tái định cư, để “nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” vẫn luôn là trăn trở không chỉ với người dân mà cả với cơ quan chức năng và chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngày một, ngày hai. Điều đó đòi hỏi các cơ quan, đơn vị có liên quan phải nỗ lực nhiều hơn trong việc gỡ “vướng”.