Thái Nguyên: “Lách luật”, mở trung tâm thương mại trong trường đại học
(Xây dựng) – Ngay trong khuôn viên của trường Đại học Việt Bắc nằm tại vị trí đắc địa giữa trung tâm TP Thái Nguyên đã mọc lên một trung tâm thương mại tổng hợp thuộc diện lớn nhất vùng này gây bức xúc cho nhiều người.
“Mặt tiền” của trường Đại học Việt Bắc đã được nhường cho kinh doanh thương mại.
Trường Đại học Việt Bắc là trường đại học tư thục đầu tiên ở Thái Nguyên được thành lập theo Quyết định số 1341/QĐ-TTg, ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ ở trình độ đại học.
Trường đại học Việt Bắc được xây dựng tại phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên với diện tích 40ha với loại đất được cấp là đất cơ sở giáo dục – đào tạo. Trên cơ ở đó, đến nay Trường đã đầu tư xây dựng hơn 14.000m2, bao gồm các hạng mục: nhà điều hành, giảng đường, thư viện, xưởng thực hành, thực tập, phòng thí nghiệm, với các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của sinh viên và giáo viên.
Ngay đầu tháng 5/2018 này, cổng chính của trường Đại học Việt Bắc đã nhanh chóng được di dời để nhường chỗ cho hoạt động kinh doanh của một trung tâm thương mại với tên gọi khá “tây”: Aloha Mall.
Trước sự kiện trên, dư luận Thái Nguyên vô cùng bức xúc cho rằng trường Đại học Việt Bắc đã sử dụng đất sai mục đích với mục tiêu kinh doanh kiếm lời trên đất vàng ngay giữa trung tâm TP Thái Nguyên.
Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí, GS.TS Nguyễn Đăng Bình – Hiệu trưởng trường Đại học Việt Bắc cho biết: Mục đích của việc xây dựng siêu thị là tạo cơ sở thực hành cho sinh viên khối ngành kinh tế kết hợp phục vụ xã hội. Trung tâm thực hành này có tổng diện tích hơn 5.000m2, chi phí xây dựng trên 12 tỷ đồng từ nguồn vốn của nhà trường và doanh nghiệp.
Tìm hiểu, phóng viên được biết: Căn cứ hồ sơ do Cty CP Kiến trúc và đầu tư xây dựng VINALAND lập, ngày 13/2/2018 UBND TP Thái Nguyên đã cấp Giấy phép xây dựng số 438/GPXD cho trường Đại học Việt Bắc xây dựng các hạng mục công trình gồm cổng chính và nhà thực hành, thực nghiệm khối kinh tế.
Trong Tờ trình số 06/TTr-DHVB ngày 19/10/2017 về điều chỉnh tổng mặt bằng định vị công trình tỷ lệ 1/500 trường Đại học Việt Bắc giai đoạn 1 gửi Sở Xây dựng Thái Nguyên cũng không đề cập đến việc xây dựng siêu thị mà chỉ xin điều chỉnh hạng mục nhà thực hành, thực nghiệm khối kinh tế từ vị trí xây dựng viện nghiên cứu 12 tầng đã được phê duyệt trước đó…
Và, ngay tại Giấy phép xây dựng số 348/GPXD ngày 13/2/2018 do Phó Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên Nguyễn Hoàng Mác ký cũng chỉ cho phép trường Đại học Việt Bắc xây dựng nhà thực hành, thực nghiệm khối kinh tế với tổng diện tích sàn 5.280m2 và chiều cao công trình là 7,95m.
Tuyệt nhiên, tất cả các văn bản này đều không đề cập đến việc cho phép xây dựng trung tâm thương mại – siêu thị như công trình đang hiện hữu tại trường Đại học Việt Bắc.
Đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND TP Thái Nguyên… đều khẳng định không cấp phép cho việc xây dựng trung tâm thương mại Aloha Mall tại khuôn viên trường.
Có lẽ, để “qua mặt” cơ quan chức năng, chủ đầu tư công trình là trường Đại học Việt Bắc đã “lách luật” khi dùng cụm từ “nhà thực hành, thực nghiệm khối kinh tế” thay “trung tâm thương mại” hoặc “siêu thị” cực kỳ nhạy cảm trong đất cơ sở giáo dục – đào tạo.
Giấy phép xây dựng cấp cho trường Đại học Việt Bắc xây dựng các hạng mục công trình gồm cổng chính và nhà thực hành, thực nghiệm khối kinh tế.
Và, ý đồ kinh doanh thương mại đã lộ diện khi chính GS.TS Nguyễn Đăng Bình – Hiệu trưởng trường Đại học Việt Bắc thừa nhận: “để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, nhà trường phải liên kết với một doanh nghiệp chuyên về hoạt động thương mại – dịch vụ điều hành, quản lý”.
Trên thực tế, kể từ ngày chính thức đi vào hoạt động đào tạo (năm 2012) đến nay trường Đại học Việt Bắc thu hút được rất ít sinh viên theo học. Tại thời điểm phóng viên khảo sát thực tế, khu giảng đường hầu như không có bóng sinh viên mà chủ yếu là học sinh của Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Sao Việt, cơ sở ôn luyện văn hóa dành cho học sinh phổ thông đang thuê địa điểm của trường Đại học Việt Bắc.
Ngay cả khu ký túc xá sinh viên mới xây dựng cũng chỉ có một vài phòng có người ở; mà theo lý giải của lãnh đạo nhà trường, giảng đường không có sinh viên do “sinh viên đã đi thực tập hết”.
Trong một diễn biến khác: Do quy mô đào tạo của trường Đại học Việt Bắc thấp hơn nhiều so với đề án ban đầu, nên cuối năm 2017 UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã có kế hoạch thu hồi một phần đất của đơn vị này phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực trung tâm TP Thái Nguyên.
Nhiều người thạo tin cho rằng: Với “thỏa thuận” miệng được xác lập, trường Đại học Việt Bắc sẽ được “lơ” qua cho việc chuyển mục đích sử dụng đất sau khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch và đó chính là lý do mà một trung tâm thương mại lớn nhất địa bàn này được công nhiên tồn tại trước rất nhiều “trách nhiệm quản lý” của các cơ quan chức năng và cả chính quyền địa phương.
Quả thực, lời đồn chỉ là lời đồn. Sự việc “lách luật” trong sử dụng đất của trường Đại học Việt Bắc đã được xác thực trên thực tế và sẽ chỉ được chứng minh bởi sự vào cuộc làm rõ ràng của cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên.