Cách đây không lâu, chúng tôi đã có bài viết giới thiệu về vật liệu đen nhất thế giới có tên gọi là Vantablack. Đây là loại vật liệu đen nhất thế giới, bởi vì nó hấp thụ gần như toàn bộ ánh sáng chiếu vào. Ngay cả khi bạn chiếu đèn laser vào vật liệu này, bạn cũng không thể nhìn được ánh sáng của tia laser phản chiếu lại.
Vantablack không chỉ có khả năng hấp thụ ánh sáng, mà các nhà khoa học mới đây đã phát hiện được một tính chất cũng không kém phần đặc biệt khác. Đó là khả năng sử dụng Vantablack để phủ lên các tấm kim loại và làm cho nó nổi trên mặt nước.
Đó là điều thú vị, vì như chúng ta biết kim loại có trọng lượng riêng rất lớn và vì thế nó chìm ngay lập tức khi bạn đặt nó vào trong một chậu nước. Thế nhưng các nhà khoa học đã làm cho một đĩa nhôm có thể nổi trên mặt nước nhờ vào lớp phủ bằng Vantablack.
Trong thử nghiệm của mình, các nhà khoa học phát hiện ra rằng nếu đặt đĩa nhôm được phủ Vantablack lên trên mặt nước thì nó có thể nổi. Nhưng nếu nhấn chìm đĩa nhôm xuống dưới bề mặt nước thì nó sẽ chìm chứ không thể nổi lại lên trên bề mặt.
Khi lấy đĩa nhôm ra, các nhà khoa học thấy rằng không có bất kỳ một giọt nước nào bám trên bề mặt. Điều đó có nghĩa là Vantablack có khả năng chống nước rất tốt.
Vậy làm thế nào mà Vantablack lại có tính chất đặc biệt này? Các nhà khoa học giải thích là do bản chất của loại vật liệu này là được tạo ra từ hàng triệu ống nano carbon. Cứ mỗi một centimet vuông bề mặt có khoảng 1 triệu ống nano carbon.
Mà nhờ đó, lực tương tác so với chất lỏng thấp hơn rất nhiều so với sức căng bề mặt của nước. Làm cho đĩa nhôm có thể nổi trên mặt nước. Hiện tượng này giống như khi chúng ta đặt một đồng xu mỏng nổi trên mặt nước.
Tuy nhiên với việc phủ một lớp Vantablack thì chúng ta có thể khiến cho một đồng xu khổng lồ cũng có thể nổi trên mặt nước. Các nhà khoa học cho biết họ chưa biết ứng dụng tính chất mới được phát hiện này như thế nào. Tuy nhiên đây cũng là một phát hiện thú vị và các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu loại vật liệu đặc biệt này để tìm ra thêm nhiều tính chất khác nữa.
Trong tương lai, Vantablack sẽ được sử dụng để hấp thụ ánh sáng trên những vệ tinh ngoài vũ trụ. Nhờ đó các vệ tinh có thể chụp ảnh và quan sát được vũ trụ mà không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng Mặt Trời.
Tham khảo: sciencealert