Vì sao tỉnh Bắc Ninh “nhất bên trọng, nhất bên khinh”?

Vì sao tỉnh Bắc Ninh “nhất bên trọng, nhất bên khinh”?

QĐND – Như Báo Quân đội nhân dân đã phản ánh về việc tái khởi động dự án Khu đô thị mới Quế Võ. Vụ việc mặc dù được Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có công văn trả lời, hướng dẫn các thủ tục và doanh nghiệp nhiều lần đề nghị suốt gần một năm qua, nhưng việc cấp lại 10ha đất cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) vẫn bị lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Ninh “ngâm cứu” hồ sơ.

Trong khi đó, một nhà đầu tư khác ở địa phương thì lại được ưu ái, bỏ qua rất nhiều quy định…

Dễ dãi với doanh nghiệp tỉnh nhà

Phần đất dự án Khu đô thị mới Quế Võ do Công ty TNHH Tùng Bách quản lý rộng 281.373,3m2 được chuyển nhượng từ Công ty Tây Hồ năm 2015. Sau đó, ngay trong năm 2016, Công ty TNHH Tùng Bách đã thực hiện phân lô bán nền cho dù đến nay cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện để đủ điều kiện bán theo quy định của pháp luật.

Có mặt tại thực địa, phóng viên thấy hạ tầng của dự án vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện. Phần lớn vỉa hè mới chỉ làm phần bo, chưa lát gạch, cỏ mọc um tùm. Hệ thống thoát nước cũng chưa hoàn thiện, nhiều nắp cống vất ngổn ngang. Hệ thống điện chiếu sáng và cây xanh gần như chưa có. Trong khi đó, dây điện được treo, mắc chằng chịt trên cột gỗ, hiện hữu nguy cơ mất an toàn. Hơn nữa, Công ty TNHH Tùng Bách còn xin thay đổi một số hạng mục trong quy hoạch chi tiết 1/500 được Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh phê duyệt trước đó, giảm bớt diện tích đất dành cho không gian chung, công trình công ích để tăng đất kinh doanh mà vẫn được Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh chấp thuận.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Nhung, Phó giám đốc Công ty TNHH Tùng Bách cho biết có sự thay đổi quy hoạch trên và khẳng định, công ty đã đủ điều kiện bán nền. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Quế Võ cho biết: “Tại dự án, Công ty Tây Hồ xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn, còn Công ty TNHH Tùng Bách mới chỉ làm được phần đường, nhiều hạng mục khác còn dang dở song đã phân lô bán nền từ năm 2016. Hiện có khoảng 20 gia đình xây dựng và vào ở”.

Vỉa hè và cống thoát nước tại dự án của Công ty TNHH Tùng Bách vẫn chưa hoàn thiện.

Để làm rõ sự việc, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đến Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, nhưng ông Vũ Hoài Nam, Chánh thanh tra sở không cung cấp được thông tin gì ngoài việc hướng dẫn phóng viên liên hệ lòng vòng với phòng chuyên môn.

“Trên trải thảm, dưới rải đinh”?

Trái ngược với sự ưu ái trên, Công ty Tây Hồ lại liên tục bị “rải đinh” trên chặng đường làm thủ tục tái khởi động dự án. Mới đây, doanh nghiệp phải làm đơn kêu cứu gửi Thủ tướng. Đơn nêu rõ: Là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, luôn cố gắng tuân thủ và chấp hành nghiêm túc các hướng dẫn, quy định, nhưng sau khi Công ty Tây Hồ có công văn xin tỉnh giao lại gần 10ha đất dự án thì gần đây liên tiếp Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, Công an tỉnh Bắc Ninh phát giấy mời làm việc; yêu cầu cung cấp tài liệu, làm việc về tin báo “tố giác tội phạm và việc chuyển quyền sử dụng đất”… Ngoài ra, nhiều cơ quan khác của tỉnh cũng liên tục gọi điện cho lãnh đạo công ty, yêu cầu “giải trình”…

Tại cuộc họp liên sở ngày 26-3 vừa qua, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh tổ chức cuộc họp để “xác minh, làm rõ nội dung phản ảnh về hoạt động đầu tư kinh doanh của công ty”, nhưng diễn biến cuộc họp không hoàn toàn như vậy. Mặc dù phía Công ty Tây Hồ đã nêu rõ, những thông tin đó là không đúng sự thật và dẫn chứng những cơ quan báo chí phản ánh khách quan về sự việc (trong đó có Báo Quân đội nhân dân), nhưng lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh vẫn chỉ dựa vào nguồn thông tin khác để kết luận mang tính chụp mũ, thiếu khách quan. Lãnh đạo sở này còn lập biên bản yêu cầu nhà đầu tư ký nhận các lỗi; yêu cầu công ty phải dừng ngay việc đầu tư kinh doanh sản phẩm dự án…

Chỉ đến khi đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Quế Võ có những nhận xét khách quan, công tâm về Công ty Tây Hồ, lãnh đạo Sở Xây dựng mới chấp nhận tạm để lại biên bản xử lý, nhưng yêu cầu trong vòng 3 ngày phải có báo cáo chính thức bằng văn bản, nêu rõ những vi phạm.

Trong khi đó, sự việc đã kéo dài hơn một năm vẫn chưa được giải quyết, từ khi doanh nghiệp có đề nghị và gần 2 tháng từ khi có văn bản của Tổng cục Quản lý đất đai khẳng định đủ điều kiện giao lại đất và hướng dẫn cụ thể. Các sở, ngành của tỉnh Bắc Ninh chẳng những không hướng dẫn mà còn liên tục gây khó. Còn đối với Công ty TNHH Tùng Bách, cũng trong việc xin 10ha đất này, ngày 12-12-2016, UBND tỉnh Bắc Ninh ra Quyết định số 714/QĐ-UBND, phê duyệt chủ trương đầu tư trước cả khi doanh nghiệp này có đơn xin giao đất (13-12-2016). Đồng thời, cũng trong ngày 13-12-2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Tùng Bách, trong khi đơn vị này chưa được tỉnh Bắc Ninh giao quyền sử dụng đất. Đặc biệt, ở khu đất này, Công ty Tây Hồ đã đầu tư nhiều chục tỷ đồng mà không được tỉnh Bắc Ninh, Công ty TNHH Tùng Bách lấy đất thỏa thuận và bồi thường như quy định của pháp luật…

Những động thái gây khó dễ theo kiểu “rải đinh” doanh nghiệp nêu trên khiến dư luận không đồng tình, cho rằng có dấu hiệu không trong sáng đối với nhà đầu tư.

Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố ngày 22-3, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, đáng chú ý, có 2 chỉ số thành phần giảm điểm là: Chi phí gia nhập thị trường và cạnh tranh bình đẳng. Điều đó cho thấy, để giữ vững và vươn lên vị trí cao hơn, tỉnh Bắc Ninh cần bảo đảm tốt hơn sự bình đẳng giữa doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp ở tỉnh, thành phố khác; tránh để xảy ra tình trạng như vụ việc nêu trên.