Tòa nhà chọc trời treo lơ lửng giữa không trung nhờ được gắn cố định vào một tiểu hành tinh xoay quanh trái đất.
Điều tưởng chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng này thực ra lại là một thiết kế đầy táo bạo mới được hãng Văn phòng Kiến trúc Clouds (Clouds AO) ở TP New York – Mỹ công bố hồi tuần rồi.
Gọi tên công trình là Tháp Analemma, các chuyên gia của hãng kiến trúc từng gây chú ý với dự án xây nhà trên sao Hỏa và thành phố mây khẳng định tòa nhà này sẽ cao nhất thế giới. Nó được xây từ trên trời xuống thay vì từ dưới mặt đất như những ngôi nhà truyền thống. Một hệ thống có tên UOSS (Hệ thống hỗ trợ quỹ đạo vũ trụ) sẽ được dùng để treo tòa nhà vào tiểu hành tinh bằng dây cáp.
Tòa nhà được xây từ trên trời xuống Ảnh: CLOUDS AO
Do tòa nhà treo ngược trên tiểu hành tinh cách trái đất hơn 50.000 km nên cách duy nhất để ra khỏi nhà là… nhảy dù. Tiểu hành tinh di chuyển theo quỹ đạo hình số 8 giữa Bắc và Nam bán cầu trong vòng 24 giờ, nhờ đó giúp cư dân của Tháp Analemma du ngoạn tới nhiều nơi trên thế giới mỗi ngày.
Không gian trong tòa nhà khó tưởng này chia thành từng khu vực phục vụ những mục đích khác nhau. Theo bản vẽ của Clouds AO, không gian buôn bán được bố trí tại phần dưới tòa nhà, còn nơi ngủ nghỉ chiếm 2/3 diện tích còn lại. Cư dân cũng có thể tới vườn cây, nơi cầu nguyện và khu vui chơi giải trí. Các kiến trúc sư có kế hoạch tận dụng tối đa vị trí có một không hai của tòa nhà để thu thập năng lượng mặt trời.
Nhờ không “mọc rễ” dưới đất nên tòa tháp có thể tránh được lũ lụt, động đất và sóng thần. Thêm vào đó, nó có thể được xây dựng và vận chuyển đến bất kỳ đâu trên thế giới. Các tác giả dự án đề xuất xây Tháp Analemma ở Dubai vì chi phí xây dựng ở đây thấp hơn so với New York. Tuy dự án có vẻ hấp dẫn nhưng Clouds AO thực ra vẫn chưa có kế hoạch xây dựng.
Ông Ostap Rudakevych, kiến trúc sư đồng thời là đối tác sáng lập Clouds AO, nói với trang Business Insider rằng công ty trình làng bản thiết kế để hình dung điều gì có thể xảy ra trong tương lai.