20 năm công cuộc xây dựng, những bài học kinh nghiệm về quản lý chất lượng công trình

Quản lý chất lượng công trình xây dựng (CTXD) luôn luôn đóng vai trò quan trọng số một trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD).

 

Đồng chí Cao Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng kiểm tra tiến độ xây dựng công trình Cung Quy hoạch – Kiến trúc Bắc Ninh

 

Đối với địa phương có kinh tế phát triển như Bắc Ninh, lĩnh vực ĐTXD càng đòi hỏi sản phẩm của nó có giá trị cao và bền vững. Thực tế qua 20 năm công cuộc tái thiết và phát triển tỉnh Bắc Ninh có thể rút ra nhiều bài học quý cho công tác quản lý chất lượng CTXD, để hiệu quả của nó sẽ đem lại lợi ích to lớn hơn cho giai đoạn mới, giai đoạn mà yêu cầu về chất lượng luôn là đòi hỏi hàng đầu trong mọi lĩnh vực.

Bài học thứ nhất là, cần nhận thức CTXD là sản phẩm hàng hóa, mà là sản phẩm rất đặc biệt với các đặc trưng: Gắn liền với đất, giá trị tài chính lớn, thời gian chuẩn bị và thi công dài, tính xã hội hóa của các sản phẩm cấu thành rất phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và sinh mạng của con người,… Vì thế không cho phép loại sản phẩm đặc thù này có thứ phẩm. Nhận thức này đòi hỏi mọi người tham gia thiết kế, thi công, sản xuất vật tư, vật liệu, quản lý, khai thác, sử dụng công trình phải thấm nhuần để làm tốt công việc của mình với trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp và xã hội; đòi hỏi các chủ thể quản lý từ người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công, các cơ quan chức năng và mọi tổ chức liên quan đều phải nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện sao cho công trình được đảm bảo chất lượng và luôn phấn đấu chất lượng tốt nhất.

Bài học thức hai là, từ đặc thù công trình không cho phép thứ phẩm, là loại sản phẩm không chỉ có kỹ thuật phức tạp mà hình thức cũng rất đa dạng, phong phú, yêu cầu thẩm mỹ cao và hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân văn nên cần tính chuyên nghiệp cao trong quản lý, tổ chức thực hiện và thực hiện trực tiếp trong từng công đoạn, từng công việc để làm ra công trình. Bài học này khiến chủ đầu tư phải kiểm soát điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia; đồng thời mọi tổ chức, cá nhân hành nghề luôn phải tự học tập, rèn luyện nhằm không ngừng nâng cao tay nghề để làm ra những công trình có chất lượng tốt và ngày càng tốt hơn.

Bài học thức ba là, do công trình qua nhiều khâu, nhiều thời gian, nhiều tổ chức, cá nhân tham gia nên phải chỉ rõ trách nhiệm của từng khâu, từng bộ phận, từng người và đặc biệt chỉ rõ trách nhiệm của chủ đầu tư là người quản lý trực tiếp và toàn diện. Vấn đề này đã được luật định nhưng trên thực tế không phải mọi lúc, mọi nơi và mọi người đều nhận thức đúng và đầy đủ; cũng không mấy khó khăn để chỉ ra những chủ đầu tư yếu kém mà trong những trường hợp đó thì họ thường hay đổ lỗi với lý do không có nghề, không có chuyên môn.v.v. Bài học này giúp ích cho công tác quản lý, đặc biệt là với chủ đầu tư với vai trò là “Nhạc trưởng”.

Những bài học trên có thể được xem là những bài học thực tiễn sâu sắc và quý báu vì nó được tổng hợp kinh nghiệm từ “Đại công trường xây dựng” ở tỉnh ta trong suốt 20 năm kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, với một khối lượng đồ sộ hàng chục nghìn công trình, với đa dạng các loại từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội, từ công trình công cộng đến công trình của các tổ chức, doanh nghiệp. Công trình nối tiếp công trình, quy mô và tốc độ xây dựng ở tình trạng lũy tiến nhưng công tác quản lý chất lượng luôn được kiểm soát tới từng công trình, dù lớn, dù nhỏ. Chất lượng công trình được kiểm chứng qua thời gian. Những ví dụ dễ nhìn thấy như các tuyến đường trung tâm tại thành phố Bắc Ninh và các đô thị, các công trình công cộng, trụ sở, văn phòng, hạ tầng các KCN, nhiều tuyến tỉnh lộ, cầu cống, v.v trải qua gần 20 năm vẫn bền vững với thời gian và môi trường, phát huy hiệu quả sử dụng ở mức ngày càng cao theo quy mô và tốc độ phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều công trình công cộng, nhiều tuyến đường phố đã trở thành những điểm nhấn, và ngay cả một số công trình kỹ thuật như Nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn, Nhà máy cấp nước Long Phương cũng trở thành những công trình cảnh quan, cùng với những công trình mới cao tầng từng ngày mọc lên, đang định hướng chất lượng thẩm mỹ kiến trúc cảnh quan công trình nâng lên những nấc thang giá trị mới.

Rút kinh nghiệm nghiêm túc từ những sự cố công trình, tuy không lớn nhưng xảy ra liên tiếp trong năm 2005, từ những vụ việc vi phạm chất lượng, công tác quản lý nhà nước về chất lượng CTXD đã thường xuyên có những cảnh báo, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, tích cực tổ chức học tập, hội thảo nâng cao tính chuyên nghiệp và vai trò trách nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý, các chủ thể tham gia quản lý chất lượng CTXD trên địa bàn. Vì thế từ năm 2006 đến nay hầu như không xảy ra sự cố công trình, không có các vụ việc vi phạm lớn về chất lượng.

Bước sang giai đoạn phát triển mới của tỉnh, từ nay đến năm 2030, quy mô và tốc độ xây dựng ở Bắc Ninh sẽ cao hơn rất nhiều so với thời gian qua, tính chất công trình cũng sẽ đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều, với cầu đường lớn, công trình ngầm, cao ốc, đặc biệt là những tòa nhà thông minh, khu đô thị thông minh theo đòi hỏi của chương trình phát triển thành phố thông minh. Về tài chính, nếu như 20 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã sử dụng khoảng 340 nghìn tỷ đồng cho ĐTXD công trình, thì hơn 10 năm tới sẽ phải huy động số lượng tiền bạc lớn hơn thế rất nhiều lần cho công cuộc xây dựng. Tất cả những điều đó đòi hỏi công tác quản lý chất lượng CTXD phải được nâng cao mọi mặt nhằm vượt qua được những thách thức lớn đang đặt ra.

Hơn lúc nào hết, công tác quản lý nhà nước luôn phải cải tiến và nâng tầm, gánh vác trách nhiệm trụ cột quản lý chất lượng CTXD, quản lý tính hiệu quả của công tác quản lý dự án ĐTXD, góp phần cho tiến trình phát triển của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững. Những bài học kinh nghiệm về quản lý chất lượng CTXD qua 20 năm vẫn nguyên giá trị cho hành trình mới.