Trên thực tế, để xử lý tình trạng này, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, quyết định về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng… Tuy nhiên, nỗ lực này dường như chưa “thẩm thấu” đến các cấp chính quyền địa phương. Các hình thức sai phạm trật tự xây dựng ngày càng phức tạp, trên phạm vi rộng từ nội ra ngoại thành.
Thời gian gần đây, tại không ít cuộc giao ban, làm việc với các địa phương, từ Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đến Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung thường đem chủ đề vi phạm trật tự xây dựng để bàn thảo, chỉ đạo, nhắc nhở các đơn vị, chính quyền rốt ráo xử lý, khắc phục sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Thành phố cũng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện. Theo đó, đã cách chức, kỷ luật nhiều cán bộ đầu ngành liên đới, buông lỏng quản lý trong trật tự xây dựng. Đơn cử, ngày 17/5/2018 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký Văn bản số 3529/VP-ĐT yêu cầu quận Hoàn Kiếm xử lý hàng loạt sai phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn, đồng thời yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội giám sát, đôn đốc việc thực hiện xử lý sai phạm trật tự xây dựng tại quận Hoàn Kiếm.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra ngày một phức tạp. Bên cạnh những công trình lớn có sai phạm nghiêm trọng như tòa nhà 8B Lê Trực đã hàng năm qua chưa được xử lý triệt để, thì những vi phạm theo kiểu “lắt nhắt” tại các công trình do người dân tự xây trên địa bàn phường, xã nào cũng có.
Theo thống kê của UBND TP. Hà Nội, trong quý I/2018, lực lượng chức năng đã kiểm tra và lập biên bản 351 công trình vi phạm và ban hành 329 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Tuy nhiên, theo tư liệu điều tra riêng của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, con số các công trình dự án sai phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội còn cao hơn nhiều so với kiểm đếm của cơ quan quản lý. Chẳng hạn, theo thống kê, riêng tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ đã có hàng trăm trường hợp sai phạm, xây quá chiều cao cho phép tại khu vực này.
Thực tế, rất khó để lấy lý do “không biết, không nghe, không thấy” của các cấp chính quyền địa phương để lý giải cho tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, mà tại nhiều địa phương, đã có những dấu hiệu buông lỏng trong quản lý xây dựng, thậm chí bao che, dung túng đối với các công trình sai phạm. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nhờn luật” của các doanh nghiệp, người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về việc xử lý các công trình sai phạm tồn đọng cũng như ngăn chặn, hạn chế các công trình vi phạm mới phát sinh, đại diện Thanh tra Xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: “Về mặt quy định, những công trình sai phạm chưa xử lý dứt điểm thì vẫn được tồn tại. Vấn đề chính ở đây là trách nhiệm trong phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi công trình mới phát sinh sai phạm của chính quyền cơ sở vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Năng lực cấp thanh tra cơ sở còn hạn chế trong việc phát hiện, báo cáo, ngăn chặn sai phạm. Có những khó khăn khi nhiều công trình sai phạm đã đưa vào sử dụng nhiều năm; được mua bán, chuyển nhượng qua nhiều chủ sở hữu, hoặc các hành vi vi phạm đều được thực hiện vào ngày nghỉ, cuối tuần”(!?).
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Vũ Hòa, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm cũng lý giải, chính quyền cơ sở có lực lượng mỏng, trong khi một số công trình sai phạm lại cố tình thi công vào ngày nghỉ, giờ nghỉ; thậm chí là vào ban đêm, nên lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, ngăn chặn và xử lý.
Trong khi đó, nhìn vấn đề rộng hơn, TS. Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc quản lý trật tự xây dựng không chỉ phụ thuộc vào quy hoạch, mà phụ thuộc lớn hơn vào tổ chức thực hiện quy hoạch. Sai phạm bởi nguyên nhân cơ bản là nhân sự tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị không đủ năng lực, hoặc lợi ích nhóm chi phối.
“Thực tế tại Hà Nội là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết sẽ là cơ sở để thực hiện giám sát, quản lý về quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị. Thế nhưng, có tình trạng là khi quy hoạch ban đầu được làm rất bài bản, chặt chẽ, nhưng sau đó lại được điều chỉnh quy hoạch chi tiết một cách tùy tiện. Phải bịt kẽ hở từ việc điều chỉnh quy hoạch để lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô”, ông Liêm cho biết.