Ban công và góc sân

Những khoảng đệm như ban công, khoảng lùi hiên nhà hay khoảng chừa sân đều có những công năng nhất định. Ở đó có thể điểm xuyết cây cảnh, giàn hoa lá tạo những vùng vi khí hậu, đối lưu không khí làm thoáng mát ngôi nhà.

Làm giàn cho những khoảng trống

Bên cạnh việc xanh hoá nhữngban công, góc sân…, ở đó còn có những ứng dụng phụ như để chứa cục nóng máy lạnh chẳng hạn. Tuy nhiên, để cục nóng lộ thiên sẽ làm mất thẩm mỹ “bộ mặt”ban côngnhà. Có thể tạo những lồng bằng sắt uốn, sắt thanh hay bằng gỗ “che chắn” một cách trang trí cho cục nóng máy lạnh; hoặc “đậy” nó lại bằng cây cảnh.

Trên những góc sân hayban côngcó thể kiến tạo những giàn lam (pergola) cho dây leo xanh phủ hay treo những giò phong lan – tạo khoảng đệm tươi mát. Thị trường hiện có nhiều vật liệu để thiết kế giàn lam này như những thanh nhựa vinyl chuyên dụng cho ngoại thất, những tấm carô bằng ximăng và sợi cellulose hay các chủng loại gỗ ngoài trời. Và ngay cả sắt cây, sắt hộp hay dây cáp cũng có thể kết kéo thành giàn để phủ xanh các khoảng đệm trước hay quanh nhà.

Đã có trường hợp nhà trên mảnh đất bề ngang 6m nhưng chỉ xây dựng 4m, chừa mỗi bên 1m, theo KTS Nguyễn Văn Châu, lẽ ra thiết kế ngôi nhà phải lùi hẳn về một bên, chừa khoảng sân cho được 2m. Chừa 1m mỗi bên chỉ đủ để mở cánh cửa ra, đi lại cũng đã khó khăn và làm sân trồng cây xanh thì quá eo hẹp. Nếu được 2m sân bên hông nhà đủ để “tung tẩy” thiết kế cho có nhiều chức năng tuỳ thích.

Ví dụ, làm nơi để xe cuối hông nhà, đặt một bàn ăn với bếp nướng ngoài trời dưới giàn cây dây leo; hoặc trồng cây cảnh tạo “bức màn” xanh; hoặc làm hẳn một kiosque quây quần vui chơi… Và, khi đó “các không gian chức năng bên trong phải có thiết kế thích hợp để các nơi đều có thể hướng và đối lưu không khí tốt về phía sân… xanh”, KTS Châu biểu kiến.

Ban công và góc sân | ảnh 1

Khoảng lùi và hồ bơi giữa trời

Khoảng đệm trước hiên nhà cần duy trì và làm xanh đẹp khu vực này để trước khi quay về nhà đã cảm thấy thư thái. Vị trí này nếu rộng có thể có bộ bàn ghế chờ hay ngồi ngơi nghỉ, thư giãn; có thể có hòn non bộ, ao hồ kiểng nhỏ hay giàn phong lan…; có nơi móc nón, áo mưa, dù. Khoảng lùi này còn làm dịu mát các không gian bên trong nhà.

Khoảng sân sau nhà, trong tình thế eo hẹp, chí ít cũng thường được chừa chừng hơn 1m – khoảng thông hành địa dịch – nơi thường đặt hệ thống thoát nước. Theo KTS Phạm Đức Phú, tại đây như một giếng trời cuối nhà, đối lưu không khí tốt ở “ngõ hậu”. Trên đó, có thể đổ đất trồng cây, làm kho, nơi giặt giũ, phơi phóng; nếu chừa được rộng hơn 2 – 3m trở lên có thể có bếp nướng ngoài trời, bàn ăn, máy tập thể dục, chỗ thư giãn…

Trên sân thượng mái bằng, ngoài việc có thể sử dụng cho nhiều chức năng như sân cảnh, trồng cây xanh, phòng giặt giũ, bếp ngoài trời… còn có thể xây dựng hồ bơi tại gia nơi đây. Kỹ sư xây dựng Nguyễn Văn Bắc cho rằng, hiện có nhiều ngôi nhà đã thiết kế và xây hồ bơi ngay trên sân thượng “nhưng điều quan trọng là chi phí vì giá xây dựng 1m2 hồ vào khoảng 5 triệu đồng phần thô, chưa có thiết bị”. Và, phải dự liệu trước để tính kết cấu và làm nền móng đủ để chịu lực, vì 1m3 nước tương đương 1 tấn. Nếu hồ sâu 2m, rộng 3m và dài 8m thì lượng nước phải 48m3 – tương đương 48 tấn nền móng phải chịu tải.

Theo SGTT

 

Trả lời