Giải thưởng Kiến trúc xanh đã được trao cho 11 công trình trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn xây dựng một nền kiến trúc quan tâm nhiều hơn đến môi trường, thích ứng với việc biến đổi khí hậu toàn cầu.
Kiến trúc truyền thống luôn kết hợp các yếu tố cây xanh, mặt nước. |
Kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, kiến trúc sinh thái… đang là câu chuyện thời sự và rất thiết thực, không còn xa vời nữa. Những hệ luỵ của việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đã đặt những kiến trúc sư, nhà xây dựng, nhà sản xuất thiết bị – vật liệu vào một hoàn cảnh mới, cuộc chơi mới và sự hưởng ứng đã rộng khắp toàn cầu. Tuy vậy, ở nước ta, để tìm một hướng đi chung cho kiến trúc xanh và vật liệu xanh trong giới thiết kế, xây dựng, vẫn còn rất nhiều khó khăn, chậm trễ và… ngang trái!
Giải thưởng Kiến trúc xanh, một sự khởi đầu mới?
Năm 2011, hội đồng Kiến trúc Xanh Việt Nam – thuộc hội Kiến trúc sư Việt Nam được thành lập.
Trước tình hình chung mang tính toàn cầu về vấn đề biến đổi khí hậu, có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường tự nhiên và xã hội; kiến trúc và kiến trúc sư phải thích ứng với nhiều bối cảnh không thuận lợi về khí hậu và thời tiết; những thiết kế ngày càng được đòi hỏi yêu cầu ứng phó thiên tai. Căn cứ vào yêu cầu và định hướng phát triển của kiến trúc Việt Nam trong tương lai, hội Kiến trúc sư Việt Nam đã thành lập hội đồng Kiến trúc xanh Việt Nam, với mục đích tuyên truyền và định hướng kiến trúc sư và xã hội hướng tới những kiến trúc xanh cùng những giá trị của môi trường, thúc đẩy quá trình nghiên cứu, thiết kế, sản xuất trong xây dựng hướng tới sự bền vững và thân thiện với môi trường. Hội đồng đã ra mắt trong dịp lễ kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam lần thứ nhất 27.4.2011 tại Hà Nội, và đưa ra “tuyên ngôn kiến trúc xanh Việt Nam”.
Một năm sau, cũng trong dịp kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam 27.4.2012, giải thưởng Kiến trúc xanh Việt Nam lần thứ nhất đã được trao. 11 công trình và cụm công trình đã nhận giải thưởng này.
Kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, vật liệu xanh, vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng… là những khái niệm, những cụm từ được nói rất nhiều trong những năm gần đây. Dẫu vậy, trong thực tế thiết kế và xây dựng công trình, những khái niệm đó có vẻ như vẫn còn quá xa lạ, như thể tận bên trời… Tây. Những kiến trúc sư, những công trình có… “xanh” rất hiếm và như lạc lõng trong một xu thế đầu tư xây dựng ầm ầm với những tiêu chí khác biệt: nhanh, cao, to, hiệu quả kinh tế trước mắt…; còn khái niệm môi trường có vẻ như rất xa lạ.
Giải thưởng Kiến trúc xanh Việt Nam lần thứ nhất có thể coi như một lời thúc giục với giới kiến trúc và xây dựng nước nhà để tiến gần hơn với kiến trúc xanh. Và có thể hy vọng đây là một sự khởi đầu mới chăng, khi mà chúng ta đã nói nhiều về kiến trúc xanh rồi mà… vẫn đi sau thế giới rất xa. Và có thể đặt niềm tin vào hội nghề nghiệp được không – với sự quyết tâm của vị chủ tịch hội, cũng là chủ tịch hội đồng Kiến trúc xanh: “Chậm nhưng cần nên chúng ta vẫn phải làm”.
Xanh vật liệu
Kiến trúc xanh có rất nhiều các tiêu chuẩn và tiêu chí hướng tới. Tất cả các tiêu chí, tiêu chuẩn của kiến trúc xanh đều có mối liên quan đến nhau, không thể tách rời độc lập hoàn toàn; từ quy hoạch, kiến trúc, vật liệu, thiết bị, công nghệ, năng lượng, nhiên liệu, chất thải… Tuy vậy, trong rất nhiều các tiêu chí của kiến trúc xanh, thì một yếu tố có vẻ gần gũi nhất, dễ hiểu nhất, dễ tiếp cận và ứng dụng nhất, là vật liệu xanh, vật liệu thân thiện môi trường. Vật liệu xanh hiện được quan tâm nhiều ở góc độ thiết kế công trình, và nghiên cứu sản xuất ứng dụng.
Vật liệu xanh, hiểu một cách đơn giản là những loại vật liệu giảm thiểu tác động tiêu cực vào môi trường trong suốt quá trình khai thác, chế tạo, vận chuyển, xây dựng công trình, và cả khi phá dỡ công trình. Sử dụng vật liệu xanh đồng nghĩa với việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu (trong sản xuất, vận chuyển vật liệu và sử dụng, khai thác công trình). Vật liệu xanh khi đã có mặt trong công trình cũng không (hoặc giảm thiểu) ảnh hưởng tiêu cực, độc hại vào môi trường sống, sinh hoạt.
Vật liệu xanh đã được con người ứng dụng vào kiến trúc từ xa xưa, khi chưa có khái niệm kiến trúc xanh. Đó là việc sử dụng hợp lý nguồn vật liệu tại chỗ, dễ dàng chế tác, thi công, không xả thải độc hại ra môi trường. Có thể thấy nhà trình tường bằng đất của người H’mông cùng một số dân tộc ở Hà Giang và các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta là ví dụ.
Kiến trúc xanh phải có vật liệu xanh, nhưng hẳn nhiên không phải trồng thật nhiều cây để lấy màu xanh và vật liệu… màu xanh. Không phủ nhận cây xanh là một tác nhân tích cực làm nên kiến trúc xanh, tạo môi trường sinh thái tốt. Có cây xanh đồng nghĩa với việc môi trường trong lành, chống nóng, ngăn bụi, giảm ồn… Có cây xanh đồng nghĩa với mật độ xây dựng thấp, mật độ dân số thưa và ít chất thải rác thải đổ ra môi trường… Nhưng đó là một câu chuyện khác.
Vật liệu xanh đúng nghĩa được phân loại nguồn gốc và sử dụng theo những nhóm sau:
Các loại vật liệu có khả năng tái chế, tuần hoàn trong tự nhiên, có trữ lượng lớn, phát triển nhanh như một số loại tre, gỗ (với việc khai thác và tái đầu tư hợp lý).
Các loại vật liệu có sẵn ở địa phương, vật liệu dễ chế tác, thi công như đất, đá, các loại cây thích hợp dùng trong xây dựng… nhằm làm giảm chi phí vận chuyển, tiết kiệm năng lượng.
Các loại vật liệu giảm độc hại tới môi trường (bụi, khí thải, chất thải rắn…) trong quá trình sản xuất, thi công; ít ảnh hưởng tới tài nguyên thiên nhiên; giảm tiêu thụ năng lượng. Ví dụ các loại gạch không nung, bêtông nhẹ…
Các loại vật liệu tái chế như kim loại, thuỷ tinh, giấy bìa, gỗ…; các loại rác thải công nghiệp như chai lọ, container đựng hàng, xe hỏng… Tuy nhiên dạng vật liệu xanh này bản chất là một cách tận dụng phế thải, chủ yếu để làm những công trình tạm hoặc công trình đơn lẻ không yêu cầu bền vững. Mặt trái khác có thể là ảnh hưởng độc hại từ những loại vật liệu này.
Hạn chế sử dụng các loại vật liệu gây hiệu ứng không tốt về môi trường hay trong quá trình khai thác vận hành ở công trình, các loại vật liệu tiêu hao năng lượng lớn trong quá trình sản xuất. Ví dụ các loại vật liệu nung ở nhiệt độ cao, vật liệu kính.
Trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng, ứng dụng vật liệu xanh hay theo tiêu chí vật liệu xanh không dễ bởi có nhiều vướng mắc, rào cản từ nhiều phía. Làm sao kiến trúc sư thuyết phục được chủ đầu tư xây gạch không nung khi mà chủ đầu tư thấy gạch gì mà… kỳ kỳ không giống bình thường; làm sao thuyết phục được chủ nhà dùng sàn gỗ công nghiệp, khi chủ nhà cho rằng sàn gỗ giáng hương mới là đẳng cấp…; hoặc việc tận dụng nước mưa tốn rất nhiều tiền cho hạ tầng và hệ thống kỹ thuật cấp thoát, trong khi đó nước sạch lại… rất rẻ. Những chuyện đó thì có nhiều và vật liệu xanh nếu có cũng chỉ là những thành phần rất lẻ loi trong đại cục của kiến trúc xanh.
Và xanh… thái độ
Gạch không nung – vật liệu xanh, được giới thiệu tại triển lãm Viet-Build (Hà Nội 2012). Đưa thiên nhiên gắn vào kiến trúc (công trình Furama Resort – Đà Nẵng).
Thói quen và tâm lý ai cũng vậy, sẽ rất thích thú, khoan khoái dễ chịu trong một không gian trong lành, nhiều cây xanh. Sống trong một ngôi nhà có nhiều cây xanh cũng là mơ ước của nhiều người. Cũng chẳng có gì lạ khi nói đến kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái là người ta nghĩ đến những ngôi nhà trong những khu vườn nhiều cây xanh, những mảng xanh tươi tốt – đơn giản vậy thôi!
Nhà trình tường đất của người H’mông ở Mèo Vạc, Hà Giang – sử dụng vật liệu xanh. |
Vật liệu xanh sẽ phát triển để phục vụ kiến trúc xanh. Sẽ có nhiều loại vật liệu xanh hơn, sẽ có nhiều loại vật liệu thân thiện môi trường như những tiêu chí của kiến trúc xanh. Điều đó là chắc chắn trong khi xu thế kiến trúc xanh ngày càng rộng khắp toàn cầu, và chuyện biến đổi khí hậu, thiếu nhiên liệu, năng lượng không còn là câu chuyện xa xôi. Nhưng vật liệu bao giờ thực sự xanh để cho kiến trúc xanh, hay cái xanh ấy chỉ là tấm vỏ che bên ngoài để lấy danh nghĩa kiến trúc xanh? Đó chính là thái độ thực sự của mỗi kiến trúc sư, mỗi ông chủ đầu tư. Công trình chỉ thực sự xanh, vật liệu chỉ thực sự xanh khi mỗi người trong chúng ta đều phải có thái độ xanh, bởi chuyện này không riêng của ai cả.
Lại nhớ, cách đây lâu rồi, một resort thuộc tỉnh Quảng Nam khi triển khai thiết kế, kiến trúc sư đã giữ nguyên tất cả mấy trăm cây dừa trên hiện trạng, tất cả công trình xây dựng dựa theo những cây dừa đó. Vấn đề ở đây không phải là cây dừa trị giá bao nhiêu tiền, hay trồng một cây dừa mới, to thì mất bao nhiêu tiền… Chuyện khác rất gần đây thôi, ngay trên tạp chí KT&ĐS số tháng 4.2012, một kiến trúc sư thiết kế nhà theo… một cái cây. Người viết bài này có một người bạn, kể rằng nhà chị có một cái cây ngoài vườn nó chồi rễ vào nhà, lâu lâu bung nền, vỡ gạch. Thế nhưng nhà chị vẫn giữ cái cây, chỉ sửa nhà chứ nhất quyết không chặt cây. Đó là những câu chuyện vui!
Còn những câu chuyện buồn cũng không thiếu. Chuyện một tỉnh nọ ở miền núi phía Bắc bạt đi mấy quả đồi một cách thô bạo để xây phố, giờ nhắc lại vẫn thấy buồn. Hay cũng mới đây thôi, có một khu đô thị rất lớn, được quảng cáo là khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc, có những khoảng xanh bát ngát mênh mông, cây tốt như rừng. Được biết những cây đó bứng ở… rừng ra, chứ có vườn ươm nào nhân giống được cây nhanh và to thế. Trớ trêu thay, dự án đó được giải Kiến trúc xanh.
Ôi, xanh vật liệu được không, xanh kiến trúc được không khi chẳng có thái độ xanh!?
(Theo SGTT)