Giải pháp “mặt đứng đa lớp với lớp treo phủ bề mặt” đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, cả ở xứ lạnh và xứ nóng.
Trong những công trình xây dựng dân dụng truyền thống tại Việt Nam, thông thường vẫn là hệ tường bao đơn giản từ gạch và vữa trát, sơn che phủ bề mặt. Những công trình cao tầng hiện đại gần đây thì chủ yếu sử dụng kính khổ lớn bao bọc toàn bộ công trình. Bên cạnh sự đơn điệu về hình thức, cả hai phương pháp trên đều có những nhược điểm nhất định trong khí hậu nóng của Việt Nam: tường xây gạch tích nhiệt lớn và khả năng giải nhiệt chậm, còn kính thì mang lượng nhiệt rất lớn trong ánh sáng mặt trời vào không gian sử dụng bên trong. Giải pháp “mặt đứng đa lớp với lớp treo phủ bề mặt” đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, cả ở xứ lạnh và xứ nóng.
Gỗ, tấm ốp sợi xi măng, tấm treo gạch nung… – giải pháp đa dạng cho mặt đứng. |
Hiểu một cách đơn giản thì ngoài lớp tường xây phía trong (tường gạch hoặc tường bêtông), sẽ có thêm một hoặc nhiều lớp được gán lên bao phủ bề ngoài, giữa lớp tường xây và lớp bao phủ bề ngoài là lớp không khí cùng hệ xương chịu lực. Ở những công trình yêu cầu cao hơn về cách âm, cách nhiệt thì lớp ở giữa được bổ sung thêm những tấm đệm cách nhiệt và các lớp chống thấm kèm theo.
Với lớp che phủ độc lập, phương pháp này đem lại khả năng trang trí mặt đứng linh hoạt và sáng tạo. Vật liệu che phủ cho lớp ngoài cũng rất đa dạng, từ kim loại, gỗ, tấm ốp sợi thuỷ tinh, tấm ximăng, tấm gạch nung… Thực tế ở Việt Nam, một số công trình cũng đã sử dụng tấm ốp mặt đứng hợp kim nhôm như lớp áo ngoài của công trình. Tuy nhiên, hình thức bề mặt và các thiết kế ứng dụng vẫn còn khá đơn điệu. Không chỉ mở ra nhiều giải pháp cho vấn đề thẩm mỹ, ưu điểm lớn nhất của “mặt đứng đa lớp với lớp treo phủ bề mặt” là tính cách nhiệt, cách âm. Với cách bắt hệ xương thích hợp, giữa tấm treo bề mặt ngoài và lớp tường hình thành một lớp không khí tự nhiên có tác dụng cách nhiệt. Nhiệt lượng được hấp thụ qua tấm treo bề ngoài sẽ bị đẩy ra ngoài nhờ sự lưu thông của không khí ở lớp này. Như vậy lớp tường phía trong cũng tránh được khỏi tác động trực tiếp của mưa, nắng, gió, qua đó bền vững hơn. Thêm vào đó, lớp bao phủ ngoài cùng được hiểu như một chiếc áo khoác, có thể dễ dàng thay đổi khi đã quá cũ hoặc hỏng, mà không ảnh hưởng lớn đến phần tường còn lại của công trình.
Mặc dù có nhiều ưu điểm và được sử dụng rất rộng rãi trên thế giới, việc áp dụng “mặt đứng đa lớp” ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế bởi vật liệu chưa phong phú và chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Tuy nhiên, tính về lâu dài, việc đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều, nhờ việc tiết kiệm năng lượng tiêu thụ làm mát của toà nhà và chi phí bảo trì, bảo dưỡng.
KTS Lê Anh Đức
(Theo SGTT)