Những cái giá của chữ Xanh trong kiến trúc.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhãn mác “Xanh – Green” được gắn với rất nhiều sản phẩm phục vụ đời sống – được hiểu nôm na là các sản phẩm sạch. Kiến trúc Xanh tuy có khác nhưng cũng là một chủ đề chiếm một thời lượng đáng kể trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau loạt bài viết về “kiến trúc xanh” trên báo chí, phỏng vấn trên truyền hình và bàn luận tại các cuộc hội thảo…, giờ đây người người nhắc đến lợi ích, nhà nhà nói chuyện vẻ đẹp của “kiến trúc xanh”. Tuy vậy, xã hội nói chung chưa hiểu được hết những cái giá thật sự của “kiến trúc xanh”. Bản thân kiến trúc xanh là một lĩnh vực vừa cụ thể vừa trừu tượng, mà nội hàm của nó bao gồm các yếu tố cả lợi ích và chi phí. Câu chuyện kiến trúc xanh, công trình xanh chỉ có thể được nhân rộng nếu đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của người dân và có giá thành phù hợp. Để câu chuyện kiến trúc xanh, ngôi nhà xanh trong thực tiễn xã hội không chỉ là câu chuyện phiến diện một chiều, xin bàn thêm về câu chuyện “cái giá” của kiến trúc xanh hiện nay.

Những ích lợi nhận được
Bản chất kiến trúc xanh chắc chắn không phải là kiểu kiến trúc có nhiều cây xanh trong vườn nhà, trên nóc nhà hay thậm chí đâu đó trong các khuôn viên mà một số chủ đầu tư dự án, KTS vẫn nhanh nhẹn tính vào cho dự án và công trình đạt giải của mình… Kiến trúc xanh cũng không phải đơn giản chỉ là một công trình kính thép vuông vức, dùng máy móc công nghệ “tiết kiệm điện”. Kiến trúc xanh cần được hiểu là những công trình tự thân có công năng hài hòa tiện nghi, thích ứng với điều kiện khí hậu địa phương; sử dụng các phương án xây dựng, thi công, vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên dựa trên bài toán giải quyết tốt nhất một cách tổng thể từ thiết kế, xây dựng, thi công, sử dụng vật liệu, lựa chọn và lắp đặt thiết bị… Với các tiêu chí trên thì lợi ích thực sự của công trình xanh không hề nhỏ.

Phát triển kiến trúc xanh, thúc đẩy việc thiết kế kiến trúc xanh, công trình xanh là hết sức chính đáng. Các giá trị lợi ích của kiến trúc xanh thật dễ thấy. Lợi ích đầu tiên là kiến trúc xanh và công trình xanh sẽ tạo nên những công trình kiến trúc mới, đẹp về hình thức nhưng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Chủ nhà sẽ thấy thật tự hào nếu được giới thiệu với khách đến thăm vẻ đẹp của ngôi nhà với biên lai thanh toán chi phí xây dựng cũng như hóa đơn tiền điện, tiền nước hàng tháng thấp đáng kể.

Trên phạm vi rộng, cũng sẽ rất đáng tự hào nếu một quốc gia có hệ thống các công trình xanh được nhân rộng trên phạm vi đô thị để có được những thành phố xanh, đô thị xanh bền vững, thân thiện với môi trường. Môi trường sống đô thị hẳn sẽ được cải thiện, giảm thiểu tình trạng lạm dụng tài nguyên thiên nhiên (như sử dụng các nguồn năng lượng phi tái tạo gồm khí đốt, dầu mỏ, than đá cho năng lượng sưởi ấm, chiếu sáng). Ngôi nhà sau khi hoàn thành vòng đời sử dụng có thể được tái chế hoàn toàn các vật liệu xây dựng hoặc chôn lấp phân hủy dễ dàng không gây ô nhiễm môi trường. Các công trình xanh với giá trị thích ứng vi khí hậu bản địa là sợi dây kết nối để tạo nên một ngôn ngữ kiến trúc bản sắc thống nhất, có các giá trị chung và sự phát triển đa dạng riêng. Và tiếp theo đó sẽ là rất nhiều các lợi ích kinh tế, xã hội trước mắt về tài chính và lâu dài về đầu tư phát triển đô thị.

 

ecorium-project-1 (Copy)Công trình kiến trúc xanh ở Hàn Quốc

Những cái giá “chưa rẻ”
Tuy nhiên, giữa truyền thông với thực tế, giữa lý thuyết nghiên cứu và thực tiễn thi công ngoài công trường lại có những khoảng cách đáng kể. Sân chơi kiến trúc xanh có đang hoàn toàn ở trong tay KTS Việt. Và liệu chúng ta đã có được một sân chơi hiệu quả và thiểt thực?

Kiến trúc xanh đã ra đời và thử nghiệm từ lâu tại các nước phát triển. Khác với các quốc gia đang phát triển khác, bối cảnh kinh tế và xã hội, cũng như quá trình hội nhập ứng dụng kiến trúc xanh ở nước ta có rất nhiều đặc điểm riêng. Và như 2 mặt của một đồng xu, chắc chắn việc ứng dụng kiến trúc xanh ở nước ta cũng có những cái giá phải trả mà cần được nhắc đến để có thể hạn chế được các tác động tiêu cực.

Khái niệm “lợi ích – chi phí” luôn tồn tại trong thực tiễn, không loại trừ cả trong lĩnh vực kiến trúc, bao gồm cả công trình xanh, kiến trúc xanh. Sẽ là duy ý chí nếu chỉ hiểu mỗi lợi ích mà không hiểu rõ cái giá phải trả để có được những công trình xanh. Nếu KTS và xã hội không hiểu rõ “luật chơi” thì chắc chắn cái giá phải trả sẽ không nhỏ và hậu quả sẽ rất lâu dài. Loại bỏ những kiểu công trình xanh “tự phong”, cần nhận diện rõ các công trình được công nhận là “xanh” hiện nay ở Việt Nam mới chỉ là “xanh từng phần” và dựa chủ yếu vào 3 yếu tố chính: Thiết kế, sử dụng thiết bị vật liệu mới và trồng cây xanh. Mỗi loại này khi áp dụng cho công trình kiến trúc đều có “một cái giá” nhất định.

Với kiểu kiến trúc xanh dựa vào ứng dụng vật liệu, thiết bị và công nghệ mới, các công trình xanh thuộc loại này hầu hết có chi phí đầu tư cao hơn thông thường bởi phổ biến sử dụng các loại vật liệu mới (thép, composite), lắp đặt các thiết bị chiếu sáng – thông gió – điều hòa tiết kiệm năng lượng (đèn LED, điều hòa biến tần…), các giải pháp quản lý sử dụng hiện đại (cảm biến nhiệt, máy chủ điều khiển…). Tất cả các hạng mục thiết bị trên đều có chi phí cao so với thiết bị thông thường từ 30% – 500%. Ví dụ như cửa kính 2 lớp cách ngăn nhiệt thẩm thấu có giá thành gấp từ 2 -3 lần thông thường, đèn LED có giá bán cao ít nhất gấp 2 lần đèn sợi đốt trong khi tuổi thọ thực tế kém xa, điều hòa biến tần có giá bán gấp từ 2 -3 lần tùy hãng so với điều hòa thông thường, gạch không nung có giá thành bằng 80% so với giá gạch nung thông thường nhưng phải sử dụng công nhân, công cụ thi công, vữa liên kết, vữa trát đặc thù riêng với giá thành “không nhỏ”. Nhà sản xuất và cung cấp thiết bị, vật liệu thuyết phục người sử dụng đầu tư và sẽ được lợi ích qua khấu hao dài hạn. Nhưng thực tế lại không mấy rõ ràng bởi người sử dụng đều nhận ra tuổi thọ của thiết bị công nghệ cao rất khó đạt được như ghi trên bao bì, giá của riêng sản phẩm thì có rẻ nhưng giá của các phụ phí, phụ kiện, bào hành bảo trì thì chưa hẳn, thậm chí còn cao hơn. Chi phí thiết bị và vật liệu hoàn thiện chiếm ít nhất hơn 50% công trình, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ bỏ tiền túi ra tuyên truyền đầu tư và đầu tư xây dựng những kiểu công trình kiến trúc “không hề rẻ”.

Nếu đã từng làm nghề, sẽ hiểu rõ công nghệ xây dựng và thiết bị, vật liệu lắp đặt cho công trình xanh mà chúng ta sử dụng phần lớn đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Kiến trúc xanh thực tế đã có từ lâu tại các quốc gia phát triển. Vì thế, không khó gặp các công ty nhà sản xuất, KTS ở các “nước phát triển” hay các nhà nhập khẩu lớn tiếng tuyên truyền giới thiệu về kiến trúc xanh, thiết bị xanh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu nhìn từ góc độ thị trường, liệu chính chúng ta có bị chính họ – những người nước ngoài đang sử dụng trào lưu kiến trúc xanh để biến VIệt Nam thành một thị trường tiêu thụ mạnh những công nghệ và thiết bị nhập khẩu giá cao của họ, loại bỏ và quay lưng với các vật liệu phổ thông hiện hành mà chúng ta đã tự sản xuất được. Một thị trường với cơ cấu dân số trẻ của gần 90 triệu dân chắc chắn sẽ có những tiềm năng không nhỏ hấp dẫn các công ty nước ngoài nếu kiến trúc xanh thực sự bùng nổ. Và cái giá sẽ thật không hề rẻ nếu ta tự bỏ đi thứ hiện có, đầu tư lại để đưa vào sản xuất cái mới, phân phối và lắp đặt thay thế cái cũ trên phạm vi quốc gia.

file_uploadTrannhadep_kien-truc-an-tuong-cua-nhung-biet-thu-trieu-do-tai-ba-vi-0554 (Copy)

Cần cẩn thận với ý định thay đổi kiểu kiến trúc đã có bằng cách tạo ra một sân chơi mới cho KTS và xã hội lao theo mà không định đoạt được chi phí và kết quả cuối cùng.Trào lưu kiến trúc sử dụng vật liệu địa phương có thể là một ví dụ. Bên cạnh các ưu điểm đẹp, lạ và nhiều thứ khác nữa, rất nhiều chuyên gia kiến trúc đều cho rằng đây là kiểu kiến trúc xanh, công trình xanh khó phổ biến bởi tuy giá thành đầu tư có thấp hơn, nhưng các công trình bằng tre, đất đồi trình tường này trước thời tiết khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở Việt Nam thì chắc chắn có độ bền kém xa vật liệu đương đại, cụ thể nhất là với gạch hay bê tông cốt thép. Trừ một số quán café hay gian triển lãm mang tính chất điển hình, đây cũng là kiểu kiến trúc khó áp dụng đại trà với công trình nhà ở dân dụng đô thị, đặc biệt là công trình cao tầng, tận dụng quỹ đất hạn hẹp. Chính vì vậy, suy cho cùng, với đặc điểm vòng đời sử dụng công trình ngắn lại, sử dụng nguyên liệu thô từ tài nguyên rừng hay đất trồng trọt và phải thay đổi cả một quy trình thiết kế, thẩm định, thi công, giám sát, quản lý vận hành bảo dưỡng công trình… nên xét về giá trị thực tiễn đây cũng là một kiểu kiến trúc “xanh” không hề “rẻ”.

Với kiểu kiến trúc thứ 3 là ưu tiên sử dụng nhiều cây xanh như trào lưu mái xanh (Green Roof), hiệu quả cách nhiệt và môi trường có thể thấy được nhưng chi phí để xử lý chống thấm cho kết cấu mái và nhất là chi phí lắp đặt hệ thống thiết bị duy trì sự sống cho cây xanh, thay thế cây xanh bị tổn thất trong điều kiện thời tiết nhiệt đới nóng ẩm lại làm đội giá thành đầu tư lên đáng kể (đấy là chưa kể đến trường hợp trồng các cây to trên mái như trong một số công trình thiết kế mới ở Việt Nam gần đây). Ngoài cái đẹp và lạ vốn có thì ở Việt Nam, nội thất trong nhà vào mùa hè vẫn phải sử dụng quạt máy và điều hòa không khí nên chi phí giảm do cách nhiệt bằng mái xanh vẫn chả đáng là bao.

Với các xu hướng hệ quả phát sinh khác, có thể là sự kết hợp của một hay nhiều kiểu kiến trúc xanh ở trên thì hiệu quả kinh tế lượng hóa cụ thể chắc chắn còn khó tính toán hơn nhiều, bởi sự chồng chéo, đan xen của các vấn đề. Đặc biệt là với mục thiết kế xanh – vốn rất trừu tượng, dù rằng có một số tổ chức trong và ngoài nước công bố các phần mềm để tính toán và lượng hóa, nhưng chắc chắn chính xác được vẫn còn cần thời gian hoàn chỉnh lâu dài.

Không nên quá tự ti nhưng cũng sẽ là hão huyền khi cho rằng tương lai sẽ có những công trình xanh tuyệt đối. Bởi bản chất của hoạt động xây dựng là cải tạo môi trường nên chắc chắn sẽ tác động tới môi trường dù ít dù nhiều. Các phương án xanh chỉ giúp giảm thiểu nhưng khó đạt được triệt để. Cũng đừng chỉ chạy theo khái niệm kiến trúc chung chung là đẹp và lạ mà bỏ qua các giá trị cốt lõi khác của đời sống đô thị. Kiến trúc xanh ở Việt Nam sẽ chỉ phổ biến và hữu dụng nếu đáp ứng ngay những yêu cầu dân sinh của đại bộ phận dân cư có thu nhập trung bình và thấp. Việt Nam cần trở thành một điểm phát triển kiến trúc xanh từ chính nhu cầu và nội lực. Đã đến lúc nhận diện và hiểu rõ những cái giá được và mất thực tế của cuộc chơi kiến trúc xanh để có được một một định hướng phát triển nền kiến trúc xanh ở Việt Nam, tránh được những lãng phí và tác động tiêu cực lâu dài, đóng góp cho sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

ThS.KTS Phạm Hoàng Phương
Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng

(Theo tapchikientruc)

Trả lời