Công trình xây dựng, được làm ra để phục vụ cho con người, ít nhiều đều có những thiết bị trong đó. Tuỳ tính chất và quy mô, mục đích sử dụng mà công trình có những loại thiết bị gì và tần suất hiện diện của chúng. Kiến trúc ngày càng hiện đại hơn, công nghệ phát triển; thì thiết bị càng cần thiết cho công trình. Có thể nói, thiết bị là không thể thiếu…
Sống cùng thiết bị
Để một công trình thực hiện đúng với vai trò chức năng của nó, đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của con người (sinh hoạt, làm việc, giải trí…) thì bộ khung xương kết cấu, những không gian và chiếc vỏ kiến trúc, những chi tiết trang trí nội ngoại thất là chưa đủ. Công trình cần có thiết bị mới hoàn thiện theo đúng nghĩa. Những thiết bị đó có thể là những thiết bị phổ thông, ở những công trình phổ biến như nhà ở; và có thể là những thiết bị đặc biệt, đặc chủng trong những công trình công cộng, công nghiệp có quy mô lớn, công năng phức tạp.
Trong phạm vi công trình nhà ở, có hai mảng thiết bị truyền thống liên quan tới hai chuyên ngành là điện và nước. Trước đây, do yêu cầu trang thiết bị công trình chưa cao, và cũng chưa có nhiều loại thiết bị, thì chỉ “điện – nước” trong hồ sơ thiết kế là đủ, với những thiết bị đơn giản, thông thường. Hệ thống thông tin hầu như chỉ có điện thoại cố định, ăngten tivi; được gộp vào phần điện. Hiện nay, trong thể loại công trình nhà ở, mức độ phức tạp đã cao hơn rất nhiều, trang thiết bị có thể được phân chia thành các chuyên ngành riêng.
“Hộp kỹ thuật” cho cục nóng điều hoà tại khách sạn Furama (Đà Nẵng). |
Ở phần “điện”, ngoài hệ thống điện động lực, chiếu sáng thông thường; thì hệ thống thông tin liên lạc có thể được tách rời, với các hệ thống như: điện thoại cố định, điện thoại nội bộ (inter-com), internet (có dây, không dây), truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình internet, chuông hình, camera giám sát – bảo vệ… Bên cạnh đó nhiều hệ thống (liên quan đến các thiết bị) cũng trở nên phổ biến, như hệ thống điều hoà không khí, hệ thống âm thanh (với những không gian nghe nhìn, giải trí); hệ thống báo cháy, chữa cháy (liên quan đến cả nước)…
Ở phần “nước”, có rất nhiều thiết bị công nghệ mới đã và đang trở nên phổ biến; như các thiết bị vệ sinh, bồn tắm đa năng, bình nước nóng năng lượng mặt trời… Một số thành phần công trình thuộc về thiết kế kiến trúc, nội – ngoại thất liên quan đến nước, nếu như trước kia là ít thấy và xa xỉ thì nay cũng trở nên phổ biến trong nhà ở, như hồ bơi, bể cảnh, vòi phun, thác tràn… Khái quát chung là vậy; còn những ngôi nhà, những công trình ứng dụng các cơ chế thông minh (nhà thông minh) thì hệ thống trang thiết bị, điều khiển còn phức tạp hơn nữa trong vấn đề thiết kế, thi công.
Nước cần thiết cho vấn đề sinh hoạt. Điện cũng cần thiết cho sinh hoạt, nhưng còn hơn thế nữa. Trong một xã hội hiện đại và internet phủ sóng khắp mọi nơi, thì phương thức làm việc, giải trí linh hoạt và rất đa dạng; nhà cũng có thể là văn phòng làm việc, cũng là nơi giải trí. Điện và internet là không thể thiếu, tất nhiên cùng các thiết bị liên quan, đặc biệt là các loại máy tính cá nhân (desktop, laptop, iPad). Với sự ngột ngạt của đô thị và trái đất nóng lên từng ngày, thì máy lạnh là… người bạn quen thuộc. Nói cho cùng, con người đang sống cùng thiết bị, cần tới thiết bị, phụ thuộc vào thiết bị như một điều tất yếu không tránh khỏi.
Khi thiết bị làm xấu nhà
Thiết bị là cần thiết, thiết bị là một thành phần của công trình; thiết bị là công cụ, là người bạn, là trợ lý đắc lực cho con người trong sinh hoạt, làm việc, vui chơi giải trí… Nhưng khi thiết bị đã trở nên quá nhiều, tới mức dày đặc thì người ta lại có cảm giác sợ (dù vẫn cần chúng). Sự hiện diện của thiết bị – theo nghĩa đen – nhiều khi không được mong muốn; đặc biệt là nhiều loại trang thiết bị công trình gắn liền với kiến trúc, nội thất. Khách quan mà nói, nhiều loại thiết bị làm đẹp thêm cho công trình, tạo nên những sắc thái, cá tính riêng cho công trình; nhưng cũng có nhiều thiết bị làm công trình xấu đi. Rất nhiều người có xu hướng muốn che giấu trang thiết bị công trình, để có cảm giác thoải mái hơn; và cũng như một cách chơi có những điều thú vị?! Có thể thấy điều này trong nhiều công trình, với những thiết kế nội thất giấu thiết bị một cách kín đáo, như giấu bình nước nóng lên trên trần phòng vệ sinh, giấu dàn lạnh máy điều hoà không để lộ ra trong không gian nội thất, giấu những vị trí loa của hệ thống âm thanh, giấu những bóng đèn bằng các thủ pháp hắt sáng gián tiếp qua trần – vách, giấu cả chiếc tủ lạnh bằng một vỏ bọc có bề mặt giống như hệ thống tủ bếp… Thật ra, với những thiết bị được sử dụng, xuất hiện trong nội thất thì đa phần thường là đẹp, được thiết kế để phô bày. Việc che chắn, nếu cần, là che chắn, giấu những hệ thống kỹ thuật (dây, ống) liên quan hơn là bản thân thiết bị. Nhưng như trên đã nói, có thể việc che giấu thiết bị giúp cho người ta thoải mái hơn, hoặc như một cách chơi…
Giải pháp thú vị: con tàu trên mặt nước là chiếc áo bọc máy chiếu màn hình (quán càphê Gió và Nước, Thủ Dầu Một, Bình Dương). |
Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều thiết bị công trình cần phải che mà phần nhiều vẫn lộ diện, gây ảnh hưởng thẩm mỹ công trình và cả đô thị. Một trong những “người bạn” quen thuộc là chiếc máy lạnh, đã đề cập tới. Máy lạnh hay nói đầy đủ và đúng hơn là máy điều hoà nhiệt độ – một thiết bị phổ thông, cần thiết và cần giấu nhất dàn nóng của máy. Dàn nóng máy lạnh luôn là nguyên nhân làm xấu mặt tiền công trình, làm xấu các góc bên ngoài công trình. Nhưng đặc điểm và yêu cầu kỹ thuật của bộ phận này lại phải được đặt ở phía ngoài, ở nơi thoáng. Với những công trình cũ, được lắp thêm máy lạnh, và phải treo dàn nóng ở đâu đó làm xấu công trình, thì là một nhẽ. Nhưng có thể thấy ở trong nhiều khu đô thị mới, với nhiều công trình hiện đại mà những dàn nóng vẫn được treo ngoài công trình một cách tự do, “ngẫu hứng” và cả nguy hiểm; thì quả là đáng trách đối với những kiến trúc sư. Vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết đồng bộ từ khâu thiết kế kiến trúc – giải pháp kỹ thuật cho công trình. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà tình hình này ít thấy cải thiện?
Một “người bạn” khác, giản dị hơn, xưa cũ hơn nhưng lại cần thiết hơn, đó là bồn nước mái. Có thể nói không ngoa rằng 99,99% công trình nhà ở gia đình hiện nay sử dụng bồn inox trên mái. Thiết bị quan trọng này cũng làm ảnh hưởng thẩm mỹ đáng kể với những công trình không có giải pháp bao che; nhất là với những công trình biệt thự (thấp tầng, và thường là mái dốc) trong các đô thị mới. Vấn nạn bồn inox còn ảnh hưởng tới mỹ quan chung của đô thị khi mà ngày càng có nhiều những điểm nhìn từ các toà cao ốc.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ về vấn đề trang thiết bị làm xấu nhà, xấu công trình; trong thực tế còn phong phú và đa dạng hơn nữa. Ở một góc độ nào đó, một cách nhìn nào đó, thì trang thiết bị không hề xấu, kể cả những trang thiết bị và hệ thống kỹ thuật liên quan được xếp vào loại “xấu cần che”. Rất nhiều những văn phòng, siêu thị “dám” để lộ các thiết bị, đi nổi các hệ thống kỹ thuật dây – ống liên quan trên trần, trên tường như một thành phần decor nội thất. Với những dạng này, thì vấn đề thi công rất quan trọng, ngoài yếu tố kỹ thuật còn đòi hỏi tính chính xác (về hình thức) cao để đạt yếu tố thẩm mỹ.
Sống và làm việc trong những công trình hiện đại, trong môi trường xã hội hiện đại, với phương thức làm việc hiện đại cũng có nghĩa là sống cùng thiết bị. Điều đó là mặc nhiên, dù muốn hay không. Nhưng cũng cần lưu ý rằng: thiết bị là… thiết bị, là những cái máy, là hệ thống kỹ thuật; vì vậy không phải cứ bọc lại, che kín là đẹp, là tốt. Nhiều loại thiết bị cần có “khoảng thở” để toả nhiệt. Bên cạnh đó, vấn đề bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa cho thiết bị cũng rất quan trọng; cần có vị trí mặt bằng, không gian để thao tác. Các giải pháp giấu, che chắn thiết bị luôn cần phải tính tới điều đó!
KTS Nguyễn Trần Đức Anh