Nhà muốn đẹp cũng phải…”thời trang”

Cũng như con người, mọi ngôi nhà luôn cần được chăm sóc và trau chuốt hình thức sao cho thẩm mỹ, hoà hợp. “Quần áo” cho nhà chính là lớp vật liệu hoàn thiện mà các nhà chuyên môn về thiết kế và vật liệu sẽ tư vấn sao cho thích hợp với từng cấu trúc, từng không gian cụ thể.

Thế nhưng, khác với quần áo vật dụng có thể thay đổi, vật liệu hoàn thiện không dễ tháo ra gắn vào, không dễ chấp nhận thử và sai, nên trong phạm vi của bài viết này, nhà chuyên môn sẽ đề cập đến các quan điểm chọn vật liệu hoàn thiện dưới các góc nhìn khác ngoài giá cả hay vẻ đẹp thuần tuý, nhằm giúp các gia chủ rộng đường cân nhắc, chọn lựa tốt hơn.

Áo trong – áo ngoài

Quần áo có ngoại y và nội y thì nhà cửa cũng có lớp hoàn thiện ngoài nhà và lớp hoàn thiện trong nhà. Thông thường các nhà tư vấn sẽ đề xuất một bảng thống kê vật liệu hoàn thiện rõ ràng cho cả trong và ngoài nhà. Có loại vật liệu có thể dùng được cho cả trong lẫn ngoài nhà nhưng cũng có những loại vật liệu chỉ dành cho những môi trường riêng biệt. Điều này có thể vì đặc tính cơ lý hoá của loại vật liệu đó, nhưng cũng có khi do xuất phát mặc định bởi người tiêu dùng lâu ngày thành thói quen và tiện lợi cho thi công. Sau đây là một vài ví dụ về cách sử dụng các vật liệu phổ biến theo góc nhìn trong – ngoài:

Đá tự nhiên: Về nguyên tắc, đá tự nhiên có thể sử dụng tốt cho cả trong lẫn ngoài nhà. Tuy nhiên có những loại cá biệt như đá gỉ sét chỉ thích hợp cho việc ốp tường ngoài nhà vì chất gỉ sét chảy ra từ đá có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ cũng như thụ cảm thẩm mỹ của người sử dụng nếu dùng trong nhà. Ngoài ra, việc hoàn thiện bề mặt đá như thế nào cho hợp lý cũng là một điều quan trọng cần lưu ý. Ví dụ, đá lát sàn ngoài nhà thì nên cho mài nhám hay khò lửa để tránh trơn trợt khi trời mưa gây nguy hiểm cho người sử dụng. Đá lát sàn trong nhà thì có thể cho mài mờ hay mài bóng nhưng cũng nên lưu ý đến sự an toàn tại những không gian có người lớn tuổi.

Xu hướng thiết kế hiện nay thiên về sự tinh giản, ít mảng miếng ốp lát cầu kỳ, màu sắc tương phản rõ ràng… có ảnh hưởng đến cách gia chủ chọn lựa vật liệu hoàn thiện nội thất. Ngay cả khi gia chủ có thể “sờ tận tay, day tận mặt” vật liệu ốp lát thì vẫn cần có sự tham khảo ý kiến nhà chuyên môn để đảm bảo tính hài hoà và hiệu quả.

Gạch men: Là loại vật liệu chủ yếu dành cho nội thất, nếu gia chủ thích dùng gạch men để ốp mặt tiền nhà thì cần có sự chọn lựa kỹ kiểu dáng, bề mặt và cách thức ốp gạch. Cách ốp gạch kiểu “cho nó sạch” đa phần không được các nhà thiết kế khuyến khích do yếu tố thẩm mỹ, tuy nhiên nếu khéo chọn một số loại gạch có bề mặt tương tự đá thô hay gạch xây thì có thể sử dụng như một thủ pháp tạo điểm nhấn ở mặt ngoài nhà.

Gỗ: Những loại gỗ cứng như chò chỉ, kiền kiền, giá tị… có khả năng chịu được nắng mưa tốt nên có thể sử dụng được ngoài nhà lẫn trong nhà đều không có vấn đề. Tuy nhiên, những loại gỗ “mềm” như sồi, thông… nếu tiếp xúc với bên ngoài nhiều không sớm thì muộn sẽ bị nứt nẻ, cong vênh và nhanh chóng hư hỏng dẫn đến phải thay thế. Gần đây có nhiều vật liệu nhựa composite, ximăng ép giả tấm gỗ đang được chuộng dùng làm mảng trang trí, lam mặt ngoài nhà… do bề mặt thẩm mỹ khá giống gỗ và tính năng chịu thời tiết tương đối tốt.

Sơn nước: Các hãng sản xuất sơn hiện tại đều có phân biệt rõ ràng hai dòng sơn ngoài nhà và trong nhà. Tất nhiên là dòng sơn ngoài nhà sẽ đắt hơn do khả năng chịu được mưa nắng. Nếu vì lý do tiết kiệm mà gia chủ sử dụng sơn trong nhà để quét ngoài nhà thì độ bền của lớp sơn này sẽ bị giới hạn và các hãng sơn chắc chắn sẽ từ chối việc bảo hành cho các trường hợp sử dụng sản phẩm sai tính năng. Ngay cả ở mặt ngoài nhà thì cũng nên phân tích kỹ vị trí dùng sơn (ví dụ sơn chân tường, sơn gờ chỉ, sơn nơi hay qua lại va chạm…) và kiểu bề mặt sơn (như sơn nhám, sơn gai, sơn bóng, sơn giả đá…) chứ không đơn thuần chỉ chọn nhãn hiệu và chọn màu sắc.

Có cần chạy theo thời trang?

Quần áo luôn song hành với các xu hướng, yếu tố thời trang thì vấn đề trang trí nhà cửa cũng vậy. Có những thời điểm các trào lưu về trang trí nhà cửa được du nhập từ nước ngoài nhanh chóng phổ biến và sao chép rộng rãi, ví dụ như trào lưu theo kiến trúc cổ điển châu Âu, trào lưu ốp kính mặt tiền nhà, trào lưu sử dụng nhiều màu sắc (còn gọi là nhà lego)… khiến thị trường vật liệu cũng được “cập nhật” theo khá sôi động, thời thượng. Tuy nhiên thời gian luôn là câu trả lời xác đáng cho mọi xu hướng nhà cửa có bền hay không. Mặt khác, mỗi công trình đều có chức năng khác nhau, địa thế khác nhau, quy mô khác nhau. Vì thế không phải cách “học hỏi”, áp dụng nào cũng cho kết quả mỹ mãn. Như phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu thời xưa thường được áp dụng cho các dinh thự, lâu đài nguy nga tráng lệ với một khoảng không gian rộng bao la, thoáng đãng… còn khi đem gán ghép cho những căn nhà phố chật hẹp nằm sâu trong hẻm thì thật khập khễnh, khó coi.

Việc ốp kính cho mặt tiền nhà cũng vậy, các cao ốc với tiêu chuẩn kính cao cấp, chống bức xạ nhiệt cùng với hệ thống thông gió và điều hoà không khí hiện đại của công trình nên việc sử dụng kính hiệu quả và phù hợp về tầm nhìn, công năng và mỹ quan. Nhưng khó có thể làm tương tự trong điều kiện biệt thự hay nhà phố nhỏ nếu không muốn chịu những hậu quả của “hiệu ứng nhà kính” cả về khí hậu lẫn thẩm mỹ công trình. Việc chạy theo thời trang khi chọn vật liệu hoàn thiện trước tiên sẽ gây tốn kém kinh phí, ảnh hưởng đến cấu trúc kỹ thuật, đồng thời khó tương đồng về bao cảnh khi mà đa phần nhà tư nhân hiện nay vẫn sử dụng các chủng loại vật liệu phổ biến trên thị trường. Thậm chí, nhiều công trình theo xu hướng kiến trúc thụ động (passive), kiến trúc xanh còn quay về dùng những vật liệu hoàn thiện dân dã, dễ kiếm, vật liệu tái sử dụng… nói nôm na là tuy dùng quần áo cũ nhưng khéo “mix” đồ để đem lại diện mạo mới chứ không chạy theo đồ hiệu đắt tiền mà không tương thích với môi trường địa phương.

Môđun hoá, lạ mà quen

Trước nay người ta thường hay nói đến vấn đề môđun hoá, tiêu chuẩn hoá trong các ngành nghề công nghiệp để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thế việc trang trí nhà cửa có thể môđun hoá được không, nếu được thì nên môđun hoá phần nào và như thế nào? Những câu hỏi này thực ra đều dẫn về đáp án lạ mà quen trong làm nhà: tìm kiếm tính logic, sự đồng bộ và khả năng hệ thống hoá.

Về màu sắc: Môđun hoá màu sắc là sự phân loại màu sắc cho những khu chức năng có sự tương đồng với nhau hay những bộ phận khác nhau. Ví dụ trần nhà sơn màu a, tường nhà màu b và c, cửa màu d… nhiều hay ít phụ thuộc vào sự đơn giản hoá hay phức tạp hoá của gia chủ. Có nhiều gia chủ đặt hàng đến hơn 20 màu sơn trong một ngôi nhà phố (?). Có lẽ họ muốn mỗi phòng phải được sơn màu khác nhau, tường khác nhau, trần khác nhau… cho ấn tượng chăng? Chưa bàn đến chuyện “đẹp – xấu”, việc sử dụng quá nhiều màu sắc như vậy sẽ gây không ít khó khăn cho việc quản lý, thống kê mã số sơn và nhất là việc bảo hành, sửa chữa, giặm vá sau này.

Về chất liệu: Môđun hoá về vật liệu hoàn thiện như sàn ngoài sân lát đá, sàn trong nhà lát gạch men theo các chủng loại đồng nhất và có quy luật sẽ giảm thiểu cưa cắt hao tốn, đồng thời đem lại thẩm mỹ nhất quán. Với các bức tường cũng vậy, mảng dán giấy, mảng kẻ sọc, mảng vuông tròn gì thì cũng nên có sự tiết chế, có thông số chung, tránh tình trạng ngẫu hứng tuỳ ý. Các vật liệu khi thống kê vào nhóm đồng bộ sẽ giảm thiểu lầm lẫn, hao hụt và dễ dàng cho việc quản lý cũng như giúp cho đơn vị thi công giảm giá thành sản phẩm, đẩy nhanh tiến độ… Tất cả đều nhằm phục vụ lợi ích tối ưu cho gia chủ.

Về kích cỡ: Cũng giống như về chất liệu, việc môđun hoá về kích cỡ sẽ giúp cho nhà thầu thi công dễ quản lý, có thể sản xuất hàng loạt (như cửa, tủ bếp, tấm trần…) nên giảm chi phí nhân công, rút ngắn tiến độ thi công. Việc tồn tại nhiều kích thước khác nhau một cách không đáng có chỉ làm mất thêm thời gian chọn lựa và gia công sản phẩm, mà thực tế hoàn thiện không chuẩn mực và đồng bộ. Ví dụ mỗi phòng một loại gạch khác cỡ nhau, hoặc khác kiểu lát, trong khi ngôi nhà được môđun hoá tốt sẽ chỉ có khoảng ba loại kích cỡ gạch, đó là loại lớn (cho không gian chung, phòng khách, bếp ăn) loại trung (cho phòng ngủ và không gian riêng) và loại nhỏ (cho phòng vệ sinh, kho, bancông), thậm chí có nhà “siết” kỹ hơn nữa chỉ còn hai loại (lớn với trung, hoặc trung với nhỏ).

Nói tóm lại, chọn áo cho người đôi khi còn khó, huống chi là “mặc áo” cho nhà, nhất là tấm áo ấy lại chịu nhiều sức ép từ công năng, chi phí, ý thích khác nhau. Tất cả đều đòi hỏi kiến thức của gia chủ và sự tư vấn cặn kẽ của nhà thiết kế, nhà cung cấp vật liệu. Ai cũng biết rằng tốn nhiều tiền chưa chắc được mặc đẹp, vấn đề nằm ở mặc gì, mặc như thế nào và cho mục đích gì.

(Theo SGTT)

Trả lời