Áo khoác tàng hình và công nghệ của tương lai

Bí mật về công nghệ áo tàng hình, ngược thời gian đi tìm khủng long và hoài cổ với các món đồ chơi “sốt sình sịch” của thập niên 80.

Chắc hẳn bạn sẽ chẳng lạ lẫm gì với chiếc áo khoác tàng hình trong bộ phim về cậu bé phù thủy Harry Potter, một loại đồ vật giả tưởng được nhắc đến rất nhiều. Nếu bạn từng ước được bước chân vào thế giới phù thủy, cầm trên tay chiếc áo đặc biệt này thì hãy đọc ngay tin này bởi chiếc áo sẽ sớm xuất hiện trong tương lai gần, trong thế giới thực của chúng ta.

Hiện tại, trường Đại học Dallas (Texas, Mỹ) đang tiến hành nghiên cứu một loại vật liệu vô hình và gặt hái những thành công bước đầu. Hình ảnh mà bạn đang thấy ở trên là một tấm bảng được tạo ra từ những thanh carbon nano được ngâm trong nước. Những thanh này khi hợp lại với nhau cho khả năng dẫn nhiệt rất nhanh. Đây là một điều kiện rất quan trọng vì nhiệt độ chính là nguyên nhân giúp cho những thanh này có khả năng tàng hình. Tại sao lại như vậy?

Có lẽ, các bạn đã từng nghe qua hiện tưởng ảo ảnh sa mạc trên phim hoặc trong sách báo. Đó là một hiện tượng quang học khi thị giác con người bị đánh lừa bởi ánh sáng. Những gì chúng ta nhìn thấy được là do ánh sáng mặt trời tạo nên.

Trước đó, người Nhật Bản từng công bố nghiên cứu loại chất liệu mới có khả năng “tàng hình” dưới ánh nắng mặt trời.

Trong một số trường hợp, trước khi đến với mắt chúng ta, ánh sáng đã phải đi từ khối khí lạnh trên cao, rồi gặp khối khí nóng của những bề mặt như sa mạc hay mặt đường nhựa. Khi đó, mắt của chúng ta thấy như có một vệt nước lờ mờ từ xa, nhưng thực chất, đó là một phần hình ảnh phản chiếu của bầu trời.

Đội nghiên cứu trường Đại học Dallas cũng vận dụng hiện tượng này để khiến tấm bảng carbon nano tàng hình trong nước với nhiệt độ cao. Bạn có thể thấy rõ khả năng tàng hình đáng ngạc nhiên của tấm bảng trong video bên dưới. Tuy đây chỉ là những thành công bước đầu, nhưng nếu đầu tư và nghiên cứu kỹ, chắc chắn thí nghiệm này sẽ mang lại những ứng dụng hết sức bất ngờ.
Với sự giúp đỡ từ công nghệ tiên tiến, những nhà khảo cổ ở bang Arkansas (Mỹ) đã có thể phát hiện ra những thông tin hoàn toàn mới về các loài khủng long sinh sống tại khu vực này 120 triệu năm về trước.

Những “ổ gà” mà bạn đang thấy trong bức ảnh trên được cho là dấu chân hóa thạch của khủng long. Thay vì những phương pháp lấy mẫu bằng thạch cao và đo đạc thủ công trong quá khứ, hiện nay, các nhà khảo cổ học đã được trợ giúp bằng dàn máy quét công nghệ cao. Hình ảnh ba chiều ghi lại địa hình của cả khu vực, giúp họ dễ dàng xác định được cơ chế sinh học cũng như hành vi của loài động vật đã tuyệt chủng.

Diện tích bằng hai sân bóng đá, khu vực núi đá phía Tây Nam bang Arkansas có một số lượng phong phú hóa thạch những loài động vật của quá khứ. Một số loài thậm chí chưa từng được ghi nhận trong bất kỳ nghiên cứu nào trước đây. Những hóa thạch được tìm thấy không chỉ giúp các nhà khảo cổ tìm hiểu về các loài động vật mà còn cung cấp thông tin quý giá về khí hậu trong kỷ Phấn trắng cách đây 115 – 120 triệu năm.

Để có thể nghiên cứu một cách kỹ lưỡng trên diện tích rộng lớn như vậy, những công cụ thủ công như chổi quét và đục là gần như không đủ. Ngoài việc mất rất nhiều thời gian, cách làm này còn có thể gây ra sự hư hại cho một số hóa thạch. Vì vậy, với việc áp dụng công nghệ cao vào nghiên cứu, các nhà khảo cổ có thể xem xét bản đồ của toàn khu vực hoặc từng diện tích nhỏ với độ chính xác đến từng chi tiết trên bề mặt. Các hình ảnh được ghi lại có khả năng xoay ngang dọc, đảo chiều, thay đổi góc nhìn… điều mà trước đây không thể làm với những di tích hóa thạch quý giá.


Hình ảnh dấu chân được tái hiện bằng công nghệ 3D.

Trong số những thông tin thu về được sau đợt nghiên cứu, quý giá nhất có thể là thông tin về loài khủng long 3 ngón có bàn chân dài 0,6m. Các nhà khảo cổ tin rằng dấu chân này thuộc về loài Acrocanthosaurus atokensis, một trong những động vật ăn thịt lớn nhất từng tồn tại trên Trái đất. Ngoài ra, hóa thạch tại đây còn cho họ biết được lượng mưa cũng như độ ẩm không khí tại khu vực trong quá khứ.

Các nhà khảo cổ tin rằng thời kỳ đó có khí hậu rất khắc nghiệt, nhiệt độ không khí khá cao, nước cạn và rất mặn, giống như tình trạng ở vịnh Ba tư hiện nay. Tuy có một khí hậu khắc nghiệt như thế, nhưng rõ ràng Arkansas ở kỷ Phấn trắng là nhà của rất nhiều loài động vật khác nhau.