Cool Stuff: Sugru – “Đất sét cao su” kỳ diệu của tương lai

Một loại vật liệu có thể biến thành bất kỳ hình dáng gì, chịu được nhiệt độ cực cao lẫn cực thấp, có khả năng kết dính rất tốt, giúp bạn sửa chữa những vật đã hỏng, chỉ có thể là Sugru.

Ra mắt từ năm 2010 nhưng phải đến năm 2013 này, Sugru mới thực sự trở thành cơn sốt toàn cầu với 210 nghìn người sử dụng trên toàn thế giới. Trước hết, bài viết sẽ không giới thiệu Sugru là gì, hình thành như thế nào vì những khái niệm đơn thuần sẽ khó có thể mô tả đích xác đây là thứ gì. Chúng ta sẽ tìm hiểu xem Sugru có thể làm được những gì trước đã.

Sugru – chất cao su siêu kết dính, có thể kết dính bất cứ vật dụng gì trong thời gian 30 phút kể từ khi bóc vỏ. Sau đó khoảng 1 ngày, Sugru sẽ đông cứng lại và trở thành vật kết dính cố định tuyệt vời cho các thiết bị của bạn.


Nhờ vào đặc tính kết dính tuyệt vời đó, Sugru có thể dùng làm vật liệu hàn gắn dây dẫn điện bị hở, đứt, do nó mang 
khả năng cách điện của cao su.


Khả năng chịu nhiệt độ tuyệt vời của Sugru (nhiệt độ từ -50 độ C đến 180 độ C vẫn không hề suy chuyển) khiến nó 
trở thành công cụ hỗ trợ hữu ích dành cho các bà đầu bếp, nội trợ trên toàn thế giới.


Khả năng chống thấm nước tuyệt đỉnh giúp Sugru có thể hàn gắn những chiếc nồi, xoong đã bị sứt, thủng hay chiếc bồn lọc nước, 
vòi nước cũ kỹ của bạn.


Khi đông cứng lại, Sugru có khả năng chịu va đập cực tốt, đến mức các nhiếp ảnh gia rất thích dùng Sugru để bọc cho máy ảnh.


Gần đây, Sugru được sử dụng như một lớp vỏ ngoài bọc cho smartphone với đặc tính độc nhất vô nhị: bạn có thể… nặn 
Sugru như nặn đất sét để tạo nên hình dáng mình mong muốn.


Một số người sử dụng Sugru để “hàn” luôn những chiếc giá, bàn, ghế bị gãy. Sự kết dính và độ bền tuyệt vời của Sugru 
giúp những vật đó tưởng chừng như vứt đi lại có thể hữu dụng.

Ý tưởng về Sugru bắt nguồn từ năm 2003 khi cô Jane ni Dhulchaointigh cảm thấy chán ghét việc phải mua những vật dụng mới sau khi làm hỏng đồ cũ. Cô quyết định mình phải “biến những thứ sẵn có trở nên tốt đẹp hơn”. Và thế là Sugru đầu tiên ra đời với mục đích giúp con dao gọt hoa quả trở nên… dễ cầm nắm hơn. Kết quả là cán dao trở nên to hơn, dễ cầm nắm hơn nhờ vào một đám silicone cùng mùn cưa trong xưởng đầy mùi khó chịu. Tuy nhiên, điều đó cũng đủ khích lệ Jane tiến đến một bước đi xa hơn.

Được Nesta, nhà đầu tư ý tưởng tại Anh đầu tư 35 nghìn euro để phát triển sản phẩm, Jane tiếp tục cùng nhóm phát triển, bao gồm 6 người, trong đó có 2 nhà khoa học gia hàng đầu trong lĩnh vực Silicone, đã nghỉ hưu và một luật gia.

Đến năm 2008, nhóm tình nguyện tham gia thử nghiệm sản phẩm đã lên tới hơn 100 người. Những đánh giá thu được của nhóm thực sự rất đáng khích lệ, khiến họ tin rằng mình đã đi đúng hướng.

Và năm 2010, Sugru chính thức ra đời, tạo nên ấn tượng thực sự trong giới khoa học toàn hành tinh. Báo Time đã bầu chọn Sugru là 1 trong 50 phát minh tuyệt vời nhất năm 2010, nên nhớ rằng iPad cũng được báo Time bầu chọn trong thời gian này, tuy nhiên chỉ đứng ở thứ 34 còn Sugru đứng thứ 22.

Cuối năm 2010, Jane cùng công ty của mình tự tin phát hành Sugru ra khắp toàn cầu với giá 12 euro cho 12 viên 5g. Sản phẩm của họ đã đi tới hơn 40 nước trong năm 2011 và trở thành một trong những sản phẩm độc đáo nhất được bán vào thời điểm đó. Cho đến nay, con số người sử dụng đã lên tới 210 nghìn người trên 119 quốc gia. Sự bùng nổ của Sugru trong năm 2013 đánh dấu một bước tiến mới của loài người trong lĩnh vực sử dụng/tái sử dụng vật liệu.

Và tất nhiên, sản phẩm này không độc, không mùi, không gây hại cho môi trường vì ngay từ đầu đây đã là tôn chỉ của nhóm phát minh ra Sugru. Nếu bạn muốn gỡ chúng ra thì chỉ việc dùng một con dao nhỏ cùng hướng dẫn có trong đơn hàng của Sugru. Hiện tại Sugru cho phép chuyển sản phẩm này đến Việt Nam với mức giá khoảng 72 nghìn VNĐ cho mỗi lần vận chuyển.

Đứng thứ 22 trong bảng bầu chọn 50 phát minh vĩ đại nhất năm