Cơ sở vật chất văn hóa, một trong những tiêu chí quốc gia quan trọng để được xét công nhận một xã nông thôn mới. Cụ thể là “nhà văn hóa và khu thể thao xã phải đạt chuẩn của Bộ VH-TT-DL, tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ VH-TT-DL” phải đạt 100%.. Như vậy các công trình di tích lịch sử – văn hóa không nằm trong tiêu chí bắt buộc. Tuy nhiên, hiện nay các di tích lịch sử – văn hóa vẫn đang hiện diện ở hầu khắp các địa phương khu vực đồng bằng Bắc bộ. Tính đến nay tỉnh Hải Dương đã có 148 di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và 207 di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích lịch sử – văn hóa góp phần quan trọng vào bộ mặt cảnh quan kiến trúc, vào đời sống văn hóa, tinh thần ở nông thôn.
Đình làng, một công trình di tích kiến trúc lịch sử văn hóa vốn rất tiêu biểu, có sức hấp dẫn kỳ lạ ở làng quê Việt Nam vẫn đang được chính quyền, nhân dân các địa phương tiếp tục bảo tồn, gìn giữ. Đã có nhiều tác giả nghiên cứu và viết về ngôi đình Việt Nam. Chúng ta đều biết, Đình làng Việt Nam hàm chứa rất nhiều giá trị vật thể và phi vật thể. Trong phạm vi bài viết này tôi xin đi sâu phân tích một số giá trị của Đình làng, tìm hiểu vai trò của Đình làng trong đời sống đương đại, trong xây dựng nông thôn mới cũng như quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta
Đình làng Việt Nam chứa đựng giá trị đặc sắc về cảnh quan, môi trường. Nói đến Đình làng không chỉ hiểu là đơn lẻ một công trình mà thường bao gồm một quần thể “cây đa, giếng nước, sân đình”. Đình làng nhất thiết phải được tọa lạc ở trung tâm, đầu mối giao thông và là nơi cao ráo, thoáng mát của làng. Mặt chính được quay về hướng Nam vì thế nên mát mẻ về mùa Hè, ấm áp về mùa Đông. Nếu nhìn từ xa, sẽ thấy vượt lên trên những mái nhà, vườn cây ăn trái là ngọn đa xanh, dấu hiệu cho ta dễ nhận biết vị trí của Đình làng. Đến gần hơn hiện ra một khuôn viên rộng có ngôi đình, có cây xanh và giếng nước, những yếu tố cơ bản đủ để tạo ra một tiểu không gian xanh, sinh thái. Thân đa vươn cao, giếng nước in sâu, sân đình trải rộng cùng mái đình căng ngang bố cục thành bức tranh cân xứng, hài hòa. Màu lục đậm của cây, đỏ hồng của ngói, trầm nâu của đình trên nền lam trong, trắng xốp của trời, mây để có một bức tranh ngũ sắc sinh động và lãng mạn. Đường viền mái cùng với đao đình lượn cong trên nền hào quang vào lúc bình minh hoặc buổi chiều tà cho ta nhiều cảm xúc. Dưới bóng đa xòa rộng, bên giếng nước trong xanh sẽ cho làn gió mát vào những buổi trưa hè. Khói hương thoang thoảng quyện quanh mái đình thâm nâu để được ấm áp vào những buổi chiều Đông. Các yếu tố cảnh quan, kiến trúc của Đình làng gợi cho con người liên tưởng, ước vọng về một mối quan hệ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Không gian đình làng là một không gian công cộng mở. Tường rào thấp hơn tầm mắt, cổng là tứ trụ – giới hạn ước lệ giữa sân, đình với cây đa, giếng nước, giữa cuộc sống tâm linh và cuộc sống đời thường. Mọi người dân từ già đến trẻ, ở mọi thời điểm từ sáng sớm đến tối khuya đều có thể tiếp cận dễ dàng.
Đình làng Việt Nam chứa đựng giá trị đặc sắc về văn hóa, tâm linh truyền thống. Qua nhiều thế kỷ, làng gắn với hệ thống chính trị là một đơn vị hành chính cuối cùng. Mọi mối quan hệ giữa người dân với nhau và người dân với chính quyền chủ yếu diễn ra trong phạm vi làng, ở Đình làng. Mỗi một làng được thờ một vị Thành hoàng ở Đình do nhà vua phong sắc. Mặt bằng ngôi đình hầu hết có bố cục hình chữ “Đinh”. Phần hậu cung đặt khán thờ Thành hoàng, phần đại bái dùng để tế lễ, cầu cúng; ngoài ra còn phục vụ cho việc họp hành, làm việc hàng ngày của các bậc chức sắc trong làng. Hậu cung được đóng cửa kín, chỉ mở vào một số ngày lễ trọng trong năm. Khu vực sân đình phục vụ cho hoạt động lễ hội, diễn chèo, tuồng hoặc những sự kiện lớn của làng. Không gian trước đình là nơi để người dân gặp gỡ, thăm hỏi và trao đổi thông tin đồng thời cũng là nơi diễn ra các trò chơi dân gian hấp dẫn. Giếng đình, nguồn nước thiêng, mát lành là nơi mọi người tụ tập gánh nước về phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình. Chính vì vậy khi tới Đình làng, mọi người đều cảm nhận được tình cảm ấm áp, thấm đượm tình làng, nghĩa xóm. Đình làng là nơi quan trọng để định hình nên các phong tục, tập quán cũng như ra đời bản hương ước của mỗi làng. Không phải ngẫu nhiên mà ngạn ngữ có câu: “phép vua thua lệ làng”. Đình làng chính là trung tâm chính trị, văn hóa, tâm linh của mỗi làng quê. Phong thủy của Đình làng còn được cho là có ảnh hưởng trực tiếp đến vận hệ của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và thậm chí cả cộng đồng làng. Từ bao đời Đình làng đã trở thành biểu tượng, đi vào bao câu ca dao, tục ngữ và những làn điệu dân ca. Đình làng Việt Nam đã thấm sâu vào tâm tư, tình cảm của mỗi người dân quê; góp phần rất lớn vào giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng.
Đình làng Việt Nam chứa đựng các giá trị đặc sắc về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc. Kiến trúc một ngôi đình gồm có ba phần chính gồm mái đình, thân đình và nền đình. Mái đình xòa rộng, lợp ngói mũi hài dốc soải về bốn phía. Bờ nóc được xây gạch hoa chanh tinh tế và mềm mại. Bờ nóc chính võng ở giữa, có lưỡng long chầu nguyệt và cao dần ở hai đầu, có hai “con kìm” kết thúc. Bốn đường bờ nóc ở hai hồi ban đầu dốc xuống, sau lượn dần lên, cuối cùng là bốn tàu đao cong vút. Đao đình được đắp các chi tiết điêu khắc như “long hồi” hoặc “rồng chầu, phượng mớm”. Chính vì vậy nên mặc dù mái đình rất lớn nhưng vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát. Nếu so sánh kiến trúc mái đình, chùa Việt Nam với mái chùa của các nước trong khu vực chúng ta mới thấy nghệ thuật kiến trúc mái của Việt Nam vô cùng sáng tạo và độc đáo. Đình được lợp hai lớp ngói là ngói chiếu và ngõi mũi hài, ở dưới có lớp dui mè ken dày, do đó khí hậu trong đình luôn mát mẻ về mùa hè và ấm ấp về mùa Đông. Đình làng thường được làm bằng gố lim và có kết cấu hệ khung cột rất vững chãi. Cột cái, cột quân to, khỏe được cấu tạo thượng thu hạ thách, được liên kết với hệ thống xà ngang, xà dọc, xà thượng, xà hạ phân chia chính, phụ theo chức năng chịu lực rất hợp lý. Trong một ngôi đình có kết hợp những khung, vì khác nhau như “chống rường”, “kẻ đuổi” để tăng phần tôn nghiêm cho 3 gian giữa. Hệ khung cột và các chi tiết kiến trúc, kết cấu phối hợp, liên kết với nhau thành một thể thống nhất, chịu được những trận bão lớn cũng như bền vững với thời gian. Mặt chính của đình được phân vị bởi hàng cột hiên với những gian cửa bức bàn “thượng song, hạ bản” để đón gió và ánh sáng. Nền đình được lát gạch vuông, hai gian đầu hồi có hai sàn gỗ cao hơn. Có bậc tam cấp chạy dài hết các gian cửa chính. Nếu chiêm ngưỡng ngôi đình từ bên trong, chúng ta sẽ thấy chi tiết kết cấu cũng đồng thời là chi tiết kiến trúc, điêu khắc cho thấy người thợ xưa quả là đã xử lý rất khéo léo, tài tình. Tất cả các chi tiết của đình đều đã được nâng lên tầm nghệ thuật, chứa nhiều cảm xúc. Những chi tiết phía trên cao đều được trang trí bởi những họa tiết điêu khắc với nhiều triết lý, ẩn ý sâu sa; từ diễn tả cảnh lao động, sinh hoạt đời thường cho đến các hình tượng cao sang như tứ linh, tứ quý. Chất liệu ngôi đình phần lớn đều thô mộc, màu trầm, đơn giản để rồi tại khu vực giữa và hậu cung được bài trí công phu, trạm khắc tinh xảo với hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy. Nghệ thuật bố cục có chủ – thứ, chính – phụ rõ ràng, nhấn mạnh những nơi cần thiết tạo sự tương phản mạnh. Ngoài ra ánh sáng được tiết chế hợp lý làm cho không gian bên trong đình thêm huyền bí, linh thiêng hơn. Hình khối của ngôi đình nhìn từ xa có bố cục đơn giản, khúc triết tạo ấn tượng mạnh, tính biểu tượng cao. Đến gần, từng chí tiết, đường nét dần được hiện lên ngày càng chau chuốt. Hiệu quả là nhìn xa không thấy rối, nhìn gần không thấy thô. Một nhà nghiên cứu đã từng liên tưởng ngôi đình Việt Nam có hình dáng của con chim đại bàng hạ cánh vừa chạm đất. Có thể nói Đình làng là một công trình văn hóa, tín ngưỡng đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc; qua đó cho thấy trình độ và tài nghệ tuyệt vời của những người thợ Việt Nam xưa.
Ngày nay hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa ở nông thôn diễn ra ở quy mô và phạm vi rộng lớn hơn. Xã là đơn vị hành chính cuối cùng ở nước ta. Trong những năm gần đây, nhiều công trình công cộng quy mô cấp xã đã được đầu tư xây dựng như trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, sân vận động…Đình làng không còn là công trình công cộng duy nhất ở mỗi làng quê. Để nhìn nhận vai trò của Đình làng khi có các công trình công cộng mới chúng ta cần phải so sánh các giá trị tương ứng với nhau của chúng. Trước hết về giá trị cảnh quan, môi trường, ta thấy các công trình công cộng mới thường ít được chú ý về nghệ thuật tổ chức kiến trúc, cảnh quan. Mặc dù khuôn viên từng công trình khá lớn nhưng ít có sự phối hợp hài hòa giữa kiến trúc với sân vườn, cây xanh, mặt nước. Do nhiều yếu tố chi phối, vị trí các công trình thường không ở trung tâm của quần thể nhà ở; hơn nữa lại bố trí rời rạc nên không tạo thành một quần kiến trúc cảnh quan hài hòa, gắn bó. Một điều nữa là tổ chức không gian của các công trình công cộng mới thường khép kín. Chính vì vậy các công trình mới thiếu đi sự gần gũi, gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng. Về giá trị văn hóa, tâm linh, ta thấy các công trình công cộng mới thường là đơn chức năng, không có yếu tố tâm linh do yêu cầu sử dụng. Đã đành là vậy, nhưng việc thiếu các yếu tố văn hóa, triết lý Á đông làm cho các công trình mới khó tạo được sự hấp dẫn. Giá trị nghệ thuật kiến trúc, điều khắc của các công trình công cộng mới không cao; chưa được quan tâm, xử lý nhuần nhuyễn để phù hợp với điều kiện phong tục tập quán và khí hậu địa phương. Phân tích như thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận giá trị của những công trình công cộng mới. Các công trình công cộng mới phải đảm nhận tốt các chức năng mới mà trước đây Đình làng không có. Nhưng phải thừa nhận rằng các công trình mới chủ yếu chỉ đạt được giá trị vật chất, giá trị sử dụng là chính. Đình làng đã đồng thời đạt được nhiều giá trị mà ngày nay các công trình mới không thể thay thế được.
Qua những phân tích trên đây, chúng ta thấy Đình làng Việt nam, một di sản của ông cha ta để lại chứa đựng nhiều giá trị hết sức quy báu. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử Đình làng Việt Nam vẫn tồn tại cùng với quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Đình làng là một trong những nơi gieo mầm, hình thành lên một nền “văn hóa làng, xã” cái nôi của nền văn hóa truyền thống Việt Nam vô cùng đặc sắc. Những yếu tố về nghệ thuật cảnh quan, môi trường; văn hóa, tâm linh; kiến trúc, điêu khắc của Đình làng vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta tiếp tục bảo tồn, khai thác và phát huy. Đình làng vẫn có vai trò rất quan trọng đối với đời sống hôm nay của cộng đồng ở nông thôn. Mỗi khi ngang qua, hoặc vào thăm khi rảnh rỗi, hình ảnh sân đình với cây đa, giếng nước vẫn là ốc đảo bình yên, tươi mát sau hành trình với những vất vả, lo toan của cuộc sống hàng ngày. Người dân trong làng vẫn tìm đến Đình làng vào dịp lễ, tết để cầu cúng mong cho đón một năm sau “mưa thuận, gió hòa”, làm ăn gặp nhiều may mắn. Đình làng sẽ tiếp tục hiện diện, đồng hành cùng với quê hương trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên đất nước Việt Nam.