Với chất lượng sống ngày một nâng cao như hiện nay, nhiều gia đình chưa dừng ở nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch hay uống sạch mà còn dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề “thở sạch”. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết tới việc trồng một số loại cây trong nhà sẽ giúp hút khí độc và trả lại bầu không khí dễ chịu, trong lành cho các thành viên trong gia đình.
Lọc khí độc trong nhà bằng cây xanh
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hồng Anh ở Vũ Trọng Phung, quận Thanh Xuân, Hà Nội: “Thở là bản năng tự nhiên và thở sạch là nhu cầu tối thiểu của con người song không phải ai cũng biết cách để đáp ứng nhu cầu này cho cơ thể. Từ khi đi học yoga tôi ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc thở đúng cách, thở sạch tốt cho sức khỏe như thế nào.”
Chị Hồng Anh cho biết thêm, sức khoẻ của chị cũng tốt lên rất nhiều nhờ bầu không khí thoáng đãng từ máy lọc khí của lớp tập yoga, bởi vậy, hiện nay chị cũng đang tìm kiếm một vài loại cây có khả năng quang hợp tốt để bầu không khí trong ngôi nhà của mình được làm sạch hơn.
Một người dân sống ở phố Mã Mây, Hoàn Kiếm, ông Lê Xuân Hòa, cũng khá sành sỏi trong việc thanh lọc không gian sống. Ông Hoà nói: “Thực tế, rất nhiều người rinh cây cảnh về nhà chỉ vì nó có hình thức đẹp nhưng tôi lại chú trọng đến cả tác dụng của nó khi đặt trong nhà. Nhiều người đặt cây cảnh trong nhà chỉ đơn giản cho rằng, không khí chật hẹp nên cần có cây xanh để bổ trợ, trao đổi không khí (người hít khí Oxi, thải khí CO2, còn cây thì ngược lại) mà không chú ý đến tác dụng của từng loại cây. Trên thực tế, rất nhiều cây có giá trị thanh lọc không khí chứ không chỉ đơn thuần là chuyện trao đổi không khí giữa người và cây”.
Bên cạnh tác dụng trang trí, tô điểm cho không gian, nhiều loại cây cảnh còn có thể làm sạch
bầu không khí rất hiệu quả. Ảnh: Chí Cường
Ông Hoà cho hay, ông từng đọc một nghiên cứu của Tiến sỹ người Mỹ về việc không khí có thể được thanh lọc nếu để một vài loại cây cảnh ngay trong nhà và phòng làm việc. Mỗi loài cây khác nhau sẽ có khả năng hấp thụ được loại hoá chất gây ô nhiễm khác nhau.
Ví dụ như, trong điều kiện luôn có ánh sáng, sau 24 giờ trôi qua, 1 cây lô hội đã có thể khử được tới 90% formaldehyd trong 1m3 không khí; cây bồng bồng hấp lại có thể thu 79% benzen; dây thường xuân hấp thu 90%.
Sức khoẻ sẽ tốt hơn với một bầu không khí trong lành được duy trì theo tỷ lệ 1 cây xanh/10m2. Bởi vậy, không có một cây cảnh nào được ông Hoà đặt trong nhà mà không có dụng ý để đáp ứng được yêu cầu thở sạch.
Những “máy” lọc khí thân thiện với con người
Các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu & phát triển hoa, cây cảnh Gia Lâm, Hà Nội đã cho biết, dù chưa có 1 công trình nghiên cứu khoa học nào về những loài cây có thể hút khí độc. Tuy nhiên, dựa trên thực tế cũng như những tài liệu nghiên cứu ở nước ngoài, có không ít loại cây rất hiệu quả đối với việc thanh lọc bầu không khí xung quanh chúng ta.
Có thể kể đến một vài cái tên như: cây xương rồng, cây lô hội, cây đuôi hổ, dây thường xuân, cây ráy thơm, cây bồng bồng, cây sung, trúc Nhật, thiết mộc lan, cây đa,…
Thông qua việc hấp thụ không khí ô nhiễm vào lá và chuyển xuống rễ, rễ lại tổng hợp thành thức ăn nuôi dưỡng cây, cây xanh đã trả lại sự trong lành cho bầu không khí.
Hoặc cây cũng có thể nhả hơi nước thông qua lá để hút không khí bẩn xuống phần rễ. Những loại cây này thường không hề “khó tính”, rất dễ chăm sóc và còn có nhiều lá để hấp thụ tốt lượng chất độc tồn tại trong không khí.
Không những vậy, bên cạnh khả năng thanh lọc không khí tốt, cũng có nhiều cây có tác dụng làm đẹp hay chữa bệnh: Cây lô hội có thể làm mỹ phẩm chăm sóc da, làm thuốc, làm thực phẩm như pha chế trong sữa chua để giúp đẹp da, giải độc, thanh nhiệt;
Cây xương rồng chế ngự được tác hại của sóng điện từ ở máy tính hoặc màn hình ti vi; Cây mẫu tử có thể giúp loại bỏ các khí độc của bình gas, lò sưởi;
Cây cau loại được formaldehyd, bụi hút được Xylene, đặc biệt là nếu trong nhà đánh vec ni hay có mùi sơn, có cây này sẽ hết mùi nhanh chóng; Cây đa búp đỏ lại hút độc tố formaldehyde (là chất có mùi ga rất nồng, không màu, dùng trong keo, nhà xác, thuốc trừ sâu);
Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nên bài trí những chậu cây có thể thanh lọc hoặc trao đổi không khí trong nhà để giúp bầu không khí luôn được tươi mới, có lợi cho sức khoẻ của các thành viên.
Bởi không khí có tốt thì sức khoẻ của con người mới được cải thiện vì hít thở là nhu cầu thiết yếu của mỗi con người trong từng khắc, từng giây. Không những vậy, trong một ngôi nhà hiện đại luôn có những sản phẩm công nghiệp như điện thoại di động, máy tính, ti vi, lò vi sóng, lò nướng…làm bay hơi rất nhiều chất hữu cơ trong quá trình hoạt động và khiến khí thở có thể bị đầu độc.
Những chất độc hại đó thoát ra từ những vật liệu như xăng dầu, khói thuốc lá, các loại giấy mực, hơi bếp ga, vec ni, chất dẻo, cao su…Những chất tiêu biểu gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ có thể kể tới như là toluene, benzen, trichloethylen, formaldehyd. Bởi vậy, việc trồng cây xanh trong nhà để làm sạch không khí là một điều vô cùng cần thiết.
Không khí trong nhà sẽ luôn được trong lành với những loài cây sau: cây Lục trảo trổ, Thường xuân Anh quốc, Ráy leo lá xẻ, Cau tre, Bạch diệp, Lưỡi cọp mép lá vàng hoặc Lưỡi cọp sọc, Ái mộc Selloum, Ái mộc lá hình tim, Huyết giác Madagascar, Ái mộc tai voi, Phất dụ Janet Craig, Thiết mộc lan, Phất dụ to, Sanh, Cúc hoa trắng, Cúc đồng tiền, Đa cao su, Cốt cắn nữ hoàng Kimberly, Cốt cắn Boston, Chà là cảnh, Hoàng thảo, Cau vàng, Hồ điệp, cây lô hội cây trúc nhật,… |