Cách chống nóng hiệu quả cho ngôi nhà Việt

Con người luôn phản ứng và biết thích ứng các tác động thay đổi chung quanh mình. Ngôi nhà hiện nay tuy có nhiều điều kiện kỹ thuật hiện đại nhưng lại đứng trước nguy cơ nóng bức hơn, vì nếu không biết bố trí cách nhiệt hợp lý thì các điều kiện vi khí hậu trong không gian sống sẽ biến chuyển rất xấu.

Nhiều người đã nghe nói câu “ăn cơm Tàu ở nhà Tây” và kiểm chứng qua những kiểu nhà biệt thự Pháp xây trước đây ở Việt Nam luôn thấy mát mẻ, đó là vì họ làm thông thuỷ cao và mái ngói vươn rộng. Điều này đúng nhưng chưa đủ, vì nếu để ý thêm, ta sẽ thấy hệ thống tường xây gạch thẻ khá dày (thường từ 30 – 50cm) cộng với hành lang bao quanh và dùng cửa lam chớp giúp nhà “Tây” cách nhiệt tốt hơn và thông gió cũng tốt hơn. Nhà hiện đại vì vấn đề “tấc đất, tấc vàng” đã bỏ qua các giải pháp cách nhiệt theo kiểu này, do vậy phải tiêu tốn năng lượng làm mát (máy điều hoà, quạt máy) nhiều hơn.

giai-phap-chong-nong-1

Bên cạnh đó, nên cần lưu ý đến bao cảnh bên ngoài nhà để tính toán hình dáng, bố trí tường ngoài và trổ cửa sao cho phù hợp. Những nơi trống trải thì gió mạnh hơn như đồng trống, ven sông, ven biển… cho nên khối nhà ở những vùng đó cần thiết kế mang tính khí động học mềm mại để gió không tác động trực tiếp vào mặt nhà mà men theo các mảng cong, giảm bớt áp lực gió ngang. Để giảm việc “gió vào nhà trống” thì những bình phong (thiên nhiên hay nhân tạo) rất cần thiết nhằm giúp giảm bớt tốc độ gió, đồng thời tăng thêm khả năng chống bức xạ cho bề mặt nhà. Còn khi ở khu dân cư nhà cửa san sát nhau, bề mặt hấp thu nhiệt và phản xạ nhiệt tăng lên, do đó cần quan tâm giảm lượng bề mặt cứng chung quanh nhà, ví dụ như làm sân tránh lát gạch hay láng ximăng toàn bộ, mà nên chừa đất trồng cỏ, hoặc trồng các loại cây giàn, dây leo tường để góp phần “tăng xanh, giảm xám”.

biet-thu-kieu-phap-2

Cách nhiệt từ trên xuống thông qua kết cấu mái cũng vậy. Đối với mái dốc, dù lợp bằng vật liệu dày (tôn cách nhiệt, ngói, thậm chí đúc bêtông rồi dán ngói lên) thì vẫn phải lưu ý làm khoảng trống thông gió dưới mái. Khoảng trống này có thể là một sàn áp mái để sử dụng làm kho, cũng có thể chỉ là khoảng trần đóng ngang hoặc đóng nghiêng theo mái, nhưng luôn đảm bảo có khoảng hở cho thông gió đi ra đi vào để tránh tích nhiệt. Đối với mái bằng, thay vì để một sân thượng trống trải khiến cho mái luôn co ngót nứt nẻ thì nên bố trí chức năng sử dụng đi kèm với biện pháp cách nhiệt. Ví dụ, làm sân phơi thì nên có mái nhẹ bên trên (phòng khi mưa và tránh để quần áo tiếp xúc trực tiếp với bức xạ), làm sân thể dục hay trồng cây cảnh thì có khung, giàn cây leo kết hợp chắn nắng.

Trả lời