Cảnh quan là gì, có ảnh hưởng gì trong phong thủy

Trong bài viết này sẽ đề cập đến cảnh quang là gì, mối quan hệ giữa cảnh quan kiến trúc và phong thủy. Qua đó cho thấy được sự quan trọng của cảnh quan trong thiết kế kiến trúc và môi trường sống cho gia chủ.

Môi trường cảnh quan ảnh hưởng quan trọng đến con người nhiều nhất là núi và nước. Chính 2 yếu tố này quan trọng nên theo trong truyền thuyết về tổ tiên của Việt Nam ta có câu chuyện thú vị “Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra 100 trứng, nở ra 100 người con, Lạc Long Quân và Âu Cơ một người dẫn 50 người con lên núi, một người dẫn 50 người con xuống biển.” Hai nhóm chữ “lên núi” và “xuống biển” ở đây nên hiểu là tổ tiên người Việt đầu tiên phân bố một nữa ở vùng sơn cước (lên núi) và một nữa xuống vùng đồng bằng vùng có mặt nước (xuống biển). Lên núi và xuống biển là hai nơi có nhiều sản vật giúp con người khai thác lương thực nuôi sống dễ dàng nhờ vào 2 yếu tố núi (đất đai, thảo mộc, muông thú….) và nước (sông ngòi, biển cung cấp sản vật như muối, hải sản, rong biển…) Mặc nhiên tổ tiên chúng ta cũng “cảm nhận” cái “Khí thiêng” ở núi và sông ngòi, biển cả là những nơi mà thiên nhiên có thể nuôi sống và che chở cho họ trong buổi đầu khó khăn.

Về sau Phong thủy ra đời luôn lấy núi, nước là yếu tố chính để nghiên cứu tìm ra các qui luật giúp con người khai thác những hỗ trợ từ cảnh quan môi trường núi sông để sinh tồn và phát triển.

Cảnh quan bốn bên của vùng đất cho đến một kiến trúc được lý thuyết phong thủy xưa biểu tượng hóa bằng bốn con vật “linh thiêng” mà trong dân gian luôn tôn sùng vì những phẩm cách đặc biệt của chúng:

PhongThuy1

Rùa đen (Ô Quy hay Huyền vũ) là con vật sống lâu, và luôn ở trạng thái ổn định, chắc chắn, biểu tượng cho mặt sau lưng của một vùng, một khu đất hay một kiến trúc dương trạch hay âm trạch.

Rồng xanh (Thanh long) con vật huyền thoại nhiều phép thuật “thiên biến vạn hóa,” luôn duy trì sự tăng trưởng, biểu tượng cho Mặt trái của đất đai nhà cửa hay mộ phần.

Hổ trắng (Bạch hổ) là chúa sơn lâm tính khí dũng mãnh, nhanh nhẹn, hợp lý và dứt khoát biểu tượng cho Mặt phải của kiến trúc.

Phụng hoàng đỏ (Chu tước) là vua các loài chim tượng trưng cho sức mạnh và nghị lực vượt qua mọi nghịch cảnh, mang lại cơ hội lớn, biểu tượng cho Mặt trước của kiến trúc.

Bạch hổ tuy không thuộc “Tứ linh: Long, Lân, Qui, Phượng,” nhưng hổ là chúa sơn lâm là giống vật rất tinh khôn và “linh tính” rất cao được dân gian thêu dệt nhiều huyền thoại.

Trong 4 con Long, Lân, Phụng và Qui thì 3 con Long và Lân và Phụng là loài vật truyền thuyết; còn Qui là rùa là con vật có trí khôn khá phát triển, mà động vật nào có “trí khôn” phát triển thì cũng có tính “linh.” Một con rùa 2 đầu của một cửa hàng bán động vật hoang dã ở tiểu bang New South Wales ở miền Nam Úc bị bọn bắt cóc đem về miền Bắc Úc để đòi tiền chuộc của chủ nhân. Chúng nhốt rùa trong lồng bị nó cắn phá thoát ra và vượt hàng ngàn cây số về với chủ nhân của nó, không may còn cách nhà chủ 400m, nó băng qua đường và bị xe vận tải cán chết.

Biểu tượng cảnh quan bốn mặt như vậy nên qui mô của cảnh quan cũng tương ứng với tính chất của 4 loại con vật này đại khái: Cảnh quan dù là đồi núi hay gò đống lùm cây hay các dãy nhà, cao ốc, sông ngòi, đường sá, các công trình nhân tạo khác..v..v.. phối hợp với kiến trúc chính phải có một bố cục tương xứng.

Môn Khí hậu học cho chúng ta biết rằng: Địa hình một vùng đất cũng như sông ngòi, đại dương rất khác biệt nhau (cao thấp, to nhỏ khác nhau và cấu tạo địa chất đất đá hay cây cối, vật thể khác nhau trên đất hoặc dòng nước nhiều ít sâu cạn khác nhau), ảnh hưởng đến nhiệt độ (do tác động của ánh nắng mặt trời làm mặt đất nóng lên) của vùng này khác với nhiệt độ vùng kia dẫn đến hiện tượng không khí ở một vùng nóng lên, không khí nóng trở nên nhẹ đi và bắt đầu bay lên cao kéo theo hiện tượng áp suất khu vực đó trở nên thấp, không khí ở các khu vực xung quanh có áp suất cao hơn bị đẩy tới khu vực áp suất thấp. Sự di chuyển của không khí đó gọi là gió. Như vậy sự chệnh lệch áp suất tạo thành gió và sự chênh lệch áp suất là do sự chênh lệch về địa hình làm cho năng lượng từ mặt trời, từ vũ trụ phân bố khác nhau, do đó có sự khác biệt về địa hình cảnh quan xung quanh một vùng đất, một kiến trúc, một vị trí thì mới có hiệu ứng Phong Thủy. Còn sự di chuyển của nước thì rất rõ ràng là từ vùng cao sang vùng thấp, từ chỗ nhiều chướng ngại sang chỗ ít cản trở hơn, từ nóng sanh lạnh hay ngược lại…

PhongThuy2

Sự di chuyển của gió và nước giúp vạn vật luôn biến hóa và người xưa qua chiêm nghiệm về ảnh hưởng của hai yếu tố quan trọng này đến cuộc sống con người đã hình thành một bộ môn nghiên cứu gọi là Phong Thủy qua đó cổ nhân đã phát kiến ra một vị trí cân bằng hài hòa khi cảnh quan xung quanh kiến trúc có qui mô hình thể đối ứng qua trung tâm tương ứng như mô hình Lạc Thư.

Mô hình Lạc Thư nguyên thủy có tổng số 3 con số ở hàng ngang, dọc, chéo đều là số 15 thể hiện sự cân bằng năng lượng ở mọi phương hướng xung quanh.

Do đó ta thấy Huyền Vũ đối ứng với Chu Tước, Thanh Long đối ứng với Bạch Hổ nếu cân bằng thì bốn cảnh quan này không được bằng nhau mà luôn có qui mô chênh lệch.

Kết hợp với hướng địa lý ở vùng gần cực Bắc bán cầu các nước trong đại lục châu Á thường chịu tác động của gió bấc từ hướng Bắc thổi vào mùa đông mang hơi lạnh còn hướng Nam thì ánh nắng mặt trời chiếu rọi điều hòa nhất và nhiều vùng có các rặng núi cao ở hướng Bắc nên nhà cửa có cảnh quan phía Bắc cao lớn che chở thì môi trường sống thuận lợi hơn đối với người cư ngụ, nên dinh thự nhà cửa truyền thống luôn chọn hướng “tọa Bắc triều Nam” (dựa lưng vào hướng Bắc và quay mặt về hướng Nam) và như thế cảnh quan phía Bắc là Huyền Vũ phải luôn cao lớn hơn kiến trúc

 

PhongThuy3

Bố cục của non bộ dựa trên sự quân bình bất đối xứng là một mô hình phong thủy lưu chuyển sinh khí và tạo cảm quan “sơn thủy hữu tình” trong không gian nhỏ và cảnh quan Chu Tước phải nhỏ hơn kiến trúc để nhà cửa được bảo vệ thời tiết khắc nghiệt và đón nhận được ánh sáng hài hòa. Vị trí thuận lý của Thanh Long là hướng Đông, hoặc ở bên trái ngôi nhà, đứng từ bên trong nhà nhìn ra ngoài cửa trước, còn phía tay phải biểu tượng là cảnh quan của Bạch Hổ (Hổ trắng).

Mối quan hệ tổng thể hai mặt trái và phải là Thanh Long (Rồng xanh) luôn vươn cao hơn Bạch Hổ (hổ trắng) thì biểu tượng mới phát huy được tác dụng hỗ trợ cho kiến trúc và mang lại may mắn. Vì thế một khu vườn có thế đất tự nhiên bên trái thấp hơn bên phải người ta thường đắp thêm đồi cao hoặc trồng nhiều cây cao bên trái để bù đắp khiếm khuyết của Thanh Long.

Tóm lại qui mô cảnh quan theo mọi chiều đều có sự tương đương để có năng lượng hài hòa không có sự vượt trội quá mức của một mặt cảnh quan nào xung quanh kiến trúc dẫn đến sự mất cân bằng.

Sự quân bình giữa kiến trúc và các cảnh quan bốn mặt là sự “quân bình bất đối xứng” thường hiện diện trong thiên nhiên gây nên sự chuyển động của gió và nước không những tạo hiệu ứng Phong Thủy mà còn gây nên một cảm nhận thẩm mỹ nên người xưa đã dựa trên qui luật này trong thiết kế hòn non bộ trông như phong cảnh thu nhỏ một vùng núi non sông nước trong một không gian của sân vườn.

Con người là một “Tiểu Vũ Trụ” nên cũng nằm trong sự chi phối của qui luật “quân bình bất đối xứng này.” Đó là bán cầu não trái điều khiển nữa cơ thể bên phải và bán cầu não phải phụ trách nữa cơ thể bên trái. Hai tay, hai chân tuy hình thể giống nhau nhưng công năng khác nhau nên có người thuận tay phải, chân phải, có người thuận tay trái chân trái, thậm chí hai lỗ tai có khi thính lực cũng khác nhau.

Núi đồi

Núi đồi ảnh hưởng lớn đến khí hậu, đất đai, môi trường và theo quan niệm phong thủy thì hình và thế của núi đồi tạo nên khí (năng lượng môi trường) tốt hoặc xấu tùy theo cấu trúc của chúng. Ngoài ra hình dáng và cách bố trí của núi đồi có tác dụng lên đời sống con người về mặt tâm linh vì chúng là những biểu tượng lớn.

Phong thủy chú trọng nhiều về núi đồi vì hình dạng của chúng nổi rõ trên mặt đất lại biến hoá “thiên hình vạn trạng” dễ liên tưởng nhất đến hình ảnh con rồng, và người ta cho núi là nơi phát sinh Long mạch, phát sinh Dương khí, nơi ngự trị của hồn thiêng sông núi như lời một thi sĩ Pháp nổi tiếng trong Viện Hàn Lâm Pháp là André Theuriet (1833-1907) đã viết:

“Au plus profond des bois, la patrie a son coeur
Un peuple sans forêt est un peuple qui meurt,
C’est pourquoi tous, ici, lorsqu’un arbre succombe,
Jurons d’en replanter un autre sur sa tombe…”

Và cố kỹ sư Thủy Lâm Bùi Bá (từng tham gia kháng chiến chống Pháp, sau đó giữ chức Vụ trưởng Vụ Lâm nghiệp) đã lấy ý và dịch trong hai câu cuối bài thơ “Lời cầu nguyện của rừng” (“La prière de la forêt“) như sau:

“Người hởi!
Hồn Tổ Quốc ngự giữa rừng sâu thẩm
Rừng điêu tàn là Tổ Quốc suy vong”.

Bài thơ “La prière de la forêt” dịch từ bài thơ tựa đề “Das Gebet des Waldes” (Lời cầu nguyện của rừng) tác giả là Hannes Tuch. một cán sự lâm nghiệp, sinh ngày 2.11.1906, sống ở Kreis Warburg, Westphalie, Tây Đức. Ông còn là thi sĩ và nhà sưu tầm đồ cổ và sản xuất các loại mặt nạ, ..v..v.. (theo GS Lê Văn Ký & KS Huỳnh Minh Bảo (1998). Về bài thơ Lời cầu nguyện của rừng.
(http://onthay.tumblr.com/post/190695955/ve-bai-tho-loi-cau-nguyen-cua-rung).

Thật vậy núi đồi thường có hình dạng trồi lên sụp xuống, chạy ngoằn ngoèo qua nhiều vùng bao la giống như con rồng uốn khúc, chóp núi thường có nhiều hình dáng, không ít nơi có dạng đầu rồng, miệng rồng, đuôi rồng ,..v..v.. như ở Sapa, Bắc Việt Nam có núi

Hàm Rồng…

PhongThuy4

Núi Hàm Rồng – đỉnh núi có hình dạng rồng há miệng.

Núi có hình dạng tốt:

Núi hay ngọn đồi có hình dạng tròn trịa không góc cạnh có đỉnh cân đối như núi Bà Đen là tốt, núi có hình ngòi bút nếu có nước chảy vòng quanh thì trong vùng phát về học vấn. Núi có hình yên ngựa tức là lõm xuống giữa thì thường gặp may mắn. Hai núi nối liền nhau tạo thành chữ V hay đôi cánh chim bay ở ngay trước mặt nhà thì người cư ngụ được phát đạt tiền bạc, công danh. Biểu tượng bay bổng hay chiến thắng có tính tích cực, rất tốt. Núi đồi có dạng “lưỡng long tranh châu” (hai rồng giỡn với hạt ngọc) là một hình ảnh rất may mắn đối với các dân tộc ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa.

Núi đỉnh lõm hình yên ngựa – Hoành Sơn Việt Nam, nơi địa linh nhân kiệt.

Núi có các đỉnh chạy về cùng một hướng là tốt. Biểu tượng long mạch di chuyển về hướng dân cư – tốt.

Hướng núi chuyển đi như có khí thế là tốt. Núi chuyển thành đường dài xa là bền vững. Biểu tượng rồng cuốn – khá tốt.

Núi cao như núi Côn Lôn, Núi Thái Sơn ở Trung Quốc, Hoàng Liên Sơn ở Việt Nam là những Tổ sơn phát xuất long mạch rất tốt. Theo nhà Địa lý Cao Trung thì thường quả núi nào nhiều mây nhiều sương khói hơn các quả núi khác về sáng sớm và buổi chiều, thường đoán là tổ sơn của đất kết. Thí dụ như núi Gia Rai ở Long Khánh – Việt Nam.

PhongThuy6

Hoàng Liên Sơn – núi to của nước ta, một đoạn có dạng “lưỡng long tranh châu” là một dạng phong thuỷ tốt.

Núi có màu xanh tốt, cây cối cao lớn, dày đặt là đất đai phì nhiêu, nguồn nước dồi dào là rất tốt.

Sau cùng quan sát núi ngưng tụ lại nơi nào đề xác định đâu là đầu rồng, thân rồng, đuôi rồng, nơi long đình khí chỉ (rồng ngừng nghỉ, khí ngưng tụ)…

Núi có hình dạng không tốt

Núi có hình dạng bất thường, hình dáng kỳ quái như, đầu lâu, mặt quỷ, hình xiêu vẹo, nghiêng ngã, cô độc.

Núi nhô lên như hình cánh buồm thì nhà ở gần núi này bất kể trước sau hoặc hai bên đều dễ ly tán tha phương.

PhongThuy7

Núi hay đồi như cái chén lật ngược hay chiếc thuyền lật úp thì bất lợi cho nhà cửa dưới chân núi, con gái ốm yếu, con trai hay bị tù tội.

Núi hình chuông, hình chiếc nón sắt, như ngọn đồi trọc tức là thuộc hành Kim, Kim tinh là sao Phá quân thì những tia Bắc đẩu tinh sẽ chiếu xuống khiến gia đình sống gần đó dễ bị tuyệt tự.

Núi có chóp bằng phẳng trãi dài như một cái ghế trường kỷ thì những người gần đó dễ tai nạn và khó thọ.

PhongThuy8

Núi có chóp bằng phẳng trải dài – không tốt.

Núi có dạng nghiêng như bị dồn ép đùn lên thì xấu: theo Địa chất học thì ó là nơi núi bị gấp nếp do sự tạo sơn (nổi núi) gây ra. Tại các điểm gấp nếp này dễ bị rạn vỡ, nứt toạt gây lỡ núi vùi lấp nhà cửa, về phong thủy nơi đây “khí” rối loạn không tốt.

Núi có vách lở là biểu tượng thương tích, khuyết hãm, điều tàn, nếu nhà cửa, cơ sở kinh doanh có mặt tiền đối diện sẽ gặp khó khăn rất xấu.

PhongThuy9

Núi có vách lộ biểu tượng tán tài, không nên xây dựng nhà hay cơ sở nơi vách núi này.

Núi chạy ngược hướng với các núi khác đang hướng về một chiều nào đó, cái ngã về trước cái hướng ngược về sau, núi đồi lộn xộn là ngăn trở, ngập ngừng, bất đồng dị biệt là không tốt.

Núi chạy dồn thẳng tới đột ngột là tượng xấu.

Núi làm thành một hàng nhắm về phương Nam mà tới thì con trai trong vùng thường sống ly hương.

Núi có màu xám xịt, đen đủi hay toàn núi đá trơ trụi là xấu.
Núi đá trơ trọi, cây cối lưa thưa, biểu tượng cằn cỗi, thiếu sinh khí cũng không tốt.

PhongThuy11

Núi trọc toàn cây gai, cỏ dại lưa thưa là biểu tượng thiếu sinh khí.

Núi có hình dáng tốt mà bị khai thác đất đá, cây cối làm xói lở, nứt nẻ, bong ra từng mảng là xấu. Đây là biểu tượng tàn tạ -xấu.

Nhà đối diện khe hẽm núi bị gió lùa, tà khí từ khe đâm ra rất xấu.

Nói chung cấu trúc núi, đồi trong khu đất xung quanh nhà gợi lên trong tâm trí chúng ta một số biểu tượng may mắn như rồng, rắn, rùa, phượng hoàng, voi, ngựa, nhất là rồng ngậm ngọc hoặc 2 rồng giành ngọc thì người sống tronh kiến trúc đó được giàu có, sung túc.

Ngược lại đồi núi mang những hình dáng của những con thú hung ác như hổ, báo, chuột cống, diều hâu..v..v.. dễ đưa đến vận rủi như tai nạn, bệnh tật hay nghèo khổ.

 

NHỮNG KHỐI ĐÁ

Cũng như núi, đồi những tảng đá trong khu đất cũng là những biểu tượng có thể đem lại may mắn hay vận rủi tùy theo trí tưởng tượng của con người.

Trong các giai thoại phong thủy các bậc thầy hay nhắc rằng có nhiều ngôi làng được hưởng may mắn từ khối đá có hình con phượng hoàng, con rùa hoặc con voi, và cũng có ngôi làng liên tục mất mùa, đói kém vì nhìn đối diện qua một ngọn đồi có hình con chuột tham ăn, sau khi người ta san phẳng ngọn đồi tình trạng mất mùa không còn diễn ra nữa.

Làng tôi có một ông Tú tài làm ruộng rất nghèo có 2 con trai và một người cháu đều tự học mà đậu cử nhân trở thành 3 vị quan rất thanh bần dưới các triều vua Thành Thái và Bảo Đại, nhờ mộ của cụ trên một triền đồi nhìn xuống một cánh đồng có một khối đá hình con cóc ngồi nhìn qua ngôi mộ. Một họ khác cũng rất nghèo nhưng cũng có người là quan chức và con cháu được học bổng du học tiến sĩ thì ở cánh đồng phía trước nhà có một tảng đá hình con voi nằm.

Ngoài ra cũng nên tránh xây dựng công trình dưới một ngọn đồi, sườn núi có một tảng đá hay một mõm đất nhô ra, vì khối đá hay mõm đất này sẽ đè bẹp vận may của người sống gần đó. Hơn nữa đây là những vị trí nguy hiễm hứng chịu thiên tai và những hình dạng đá có biểu tượng không may mắn có thể vô hiệu hóa điều kiện phong thủy tốt, kể cả khi có đủ cảnh quan bảo vệ “Tứ linh” (Rùa, Rồng, Hổ và Phượng hoàng).

DÒNG NƯỚC

Nước hiện diện khắp nơi từ tế bào, mô trong cơ thể cho đến trong lòng đất trên mặt đất và trong bầu khí quyển để duy trì sự sống cho mọi sinh vật. Quan niệm phong thủy thì nước là tác nhân dẫn khí, ở đâu có nước là có sinh khí, tức là có sự sống cho nên nhà cửa gần với cảnh quan sông nước để nhận khí như một nguồn năng lượng, một động lực cho sự sống và sự phát triển.

Phong thủy coi nước là một hình ảnh khác của rồng sau núi vì nước cũng biến hóa thiên hình vạn trạng như núi và gọi chúng là những Thủy long. Nước chủ về tiền tài, của cải. Vì thế vị trí của con sông đối với nhà cửa rất quan trọng phép xem sông suối đối với ngày xưa gọi là “Thủy cảnh pháp.”

 

PhongThuy10

Dòng nước trong sạch và chảy chậm tích lũy sinh khí sẽ mang đến vận may, dòng nước chảy xiết sẽ phân tán cuốn trôi mất khí không đem lại may mắn.

Những nguyên lý tác động của dòng nước đối với nhà cửa cần để ý là:

-Nước chảy ôm vòng khu đất, hay kiến trúc sẽ đem lại tài lộc và nhiều vận may.

-Nước chảy nhanh ra khỏi khu đất hay nhà cửa thì khó có thể tích lũy tài lộc.

-Nước thẳng vào bên trái và chảy ra ngay con trai trưởng gặp vận rủi.
-Nước thẳng vào bên phải và chảy ra ngay con trai út gặp tai họa.

Dòng nước bản thân là hành Thủy nhưng hình dạng của dòng sông suối nước có thể thuộc các hành khác và khi các dòng nước gặp nhau sẽ có sự tương tác ngũ hành giữa các dạng hình thể này.

-Dòng nước thuộc hành Mộc (chảy thẳng) gặp dòng nước thuộc hành Kim (chảy chậm uốn khúc cung tròn rộng) hoặc gặp dòng nước thuộc hành Hỏa (chảy theo hình “Zizag” vì Kim khắc Mộc và Hỏa khắc Kim nên có thể tạo ra vận rủi.

-Dòng nước thuộc hành Thổ đổi hướng đột ngột hoặc bẻ quặt theo hình vuông góc. Còn dòng nước uốn khúc cong đều thuộc hành Thủy cùng hành với nước nên thường mang sinh khí vận may đến cho cuộc đất.

Người ta cũng có thể tạo các dòng nước nhân tạo để cải thiện tình trạng phong thủy nhưng kích thước của các công trình này phải tương xứng, càng gần với kiến trúc thì dòng nước càng phải nhỏ, còn càng xa thì lượng nước càng phải lớn, phản ảnh sự cân bằng hài hòa giữa mặt nước và nhà cửa, nguyên tắc này áp dụng cho cả đất đai, nhà cửa gần ao hồ hay biển cả.

Lương Trọng Nhàn
Khóa 10, Cao Đẳng Canh Nông, TTQGNN – Sài Gòn
(Trích trong sách: Phong Thủy Toàn Tập – Một Cái Nhìn Toàn Cảnh Về Sinh Thái Học Phương Đông – Nhà Xuất Bản Hải Phòng – 2012. Tái bản năm 2014).

Trả lời