1. Quy mô và phạm vi nghiên cứu
– Quy mô nghiên cứu quy hoạch gồm toàn bộ lãnh thổ quản lý hành chính của tỉnh Hải Dương với diện tích đất tự nhiên 165.480 ha, dân số trên 1,7 triệu người, gồm 10 huyện, 1 TP và 1 thị xã.
– Phạm vi nghiên cứu: 15 tỉnh, TP nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng Sông Hồng, xác định các tiền đề phát triển của tỉnh Hải Dương, các mối tác động nội ngoại vùng không hạn chế phạm vi nghiên cứu, mở rộng đến phạm vi quốc tế và khu vực.
2. Đánh giá lợi thế và cơ hội phát triển
Là tỉnh nằm trong vùng thủ đô Hà Nội, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, tâm của tam giác tăng trưởng 3 cực phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long, nằm trong hành lang kinh tế kỹ thuật quốc gia và trên các hành lang giao thương quốc tế, có lợi thế đa dạng về tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên du lịch dịch vụ, có hệ thống đô thị phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại… Hải Dương đã tạo dựng được tiền đề để phát triển trong tương lai.
3. Các dự báo phát triển
– Dự báo phát triển dân số: Dân số Hải Dương tính đến 1/4/2009 là: 1.705.059người, dự báo dân số đến năm 2015 là 1.760.000 người, đến năm 2020 là 1.810.000 người và đến năm 2030 khoảng 1,92 – 2,0 triệu người với các biện pháp khống chế tích cực.
– Dự báo lao động: Dự báo dân số trong độ tuổi lao động tăng 64% giai đoạn tới 2020, số lượng lao động khoảng 106 vạn vào năm 2015, trên 110 vạn (năm 2020) và gần 116 vạn (năm 2030). Tỷ lệ lao động trong các ngành KTQD chiếm 95,9% vào năm 2020 và 96% vào năm 2030. Lao động phi nông nghiệp toàn Tỉnh đạt 43,8% năm 2010, 57% năm 2015 và 70% năm 2020, 75-79% năm 2025. Dự báo tới 2030 lao động phi nông nghiệp sẽ vào khoảng 80-85% khi đó đô thị hoá toàn Tỉnh đạt tỷ lệ cao – Tỉnh đô thị.
– Dự báo đô thị hoá: Năm 2010 mức đô thị hóa tỉnh Hải Dương đạt 18% – 20%; dự báo đến năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%- 42%, tới năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa có thể đạt trên 62%; tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp phát triển.
–Dự báo sử dụng đất
+ Đất xây dựng đô thị: Dự báo đất cho phát triển đô thị của Hải Dương đến năm 2020 đạt 8.755 ha và đến năm 2030 đạt 13.800 ha đất xây dựng đô thị.
+ Đất KCN tập trung: đến năm 2020 là 4.000 ha; ngoài năm 2020 khoảng 6.000 – 7.000 ha. Đất Cụm công nghiệp: 2.000 – 2.500 ha, hướng phát triển thành KCN tập trung. Riêng đất dịch vụ khoảng 5.000 – 6.000 ha (chưa kể các công viên sinh thái).
+ Dự báo sử dụng đất nông nghiệp: Đất lúa năm 2015 khoảng 60.000ha, năm 2020 khoảng 58.000ha và ổn định khoảng 55.000ha vào năm 2030; Đất cây ăn quả duy trì 22.000ha tới trên 25.000 ha; Đất sản xuất rau quả phục vụ đô thị 25.000-30.000ha; Đất lâm nghiệp trên 10.000ha, giai đoạn 2030 ổn định và duy trì ở mức 8.800 ha.
4. Tầm nhìn và những lựa chọn phát triển
4.1. Tầm nhìn tới 2030 và xa hơn (tới 2050): Xây dựng Hải Dương trở thành vùng phát triển năng động và hiệu quả Tỉnh công nghiệp hiện đại, mang tầm quốc gia và khu vực; Hình thành 3 khu vực và cụm động lực mạnh là TP Hải Dương -hành lang đường 5, Chí Linh – Kinh Môn, cụm Thanh Miện và khu vực phía nam tỉnh; Đô thị hóa cao, hình thành hệ thống đô thị hiện đại và có bản sắc.
– Lộ trình phát triển: Thời kỳ 2010 – 2020: phát triển Hải Dương thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; Thời kỳ 2021 – 2030: tăng tốc, tăng trưởng kinh tế cao, đô thị hóa mạnh; Thời kỳ 2031 – giữa thế kỷ: phát triển bền vững.
4.2. Những lựa chọn trục và hành lang phát triển chính yếu của vùng tỉnh Hải Dương phát triển theo hành lang: 3 hành lang Đông – Tây; 3 hành lang Bắc -Nam(dọc theo các trục đường quốc lộ qua địa bàn tỉnh) gồm:
– Hành lang phát triển theo trục Đông Tây trung tâm: Dọc theo hành lang trục Quốc lộ 5, bao gồm các nhân tố: KCN tập trung, các đô thị và điểm dân cư, cáctrung tâm dịch vụ có mật độ phân bố dày đặc, trong đó TP Hải Dương là một không gian tập trung nhất, trọng tâm nhất.
– Hành lang phát triển theo trục Đông Tây phía Bắc: Dọc theo hành lang trục quốc lộ 18, trong đó Sao Đỏ và Nhị Chiểu là hai không gian tập trung nhất.
– Hành lang phát triển theo trục Đông Tây phíaNam: Dọc theo các trục Tỉnh lộ 392 và tuyến ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
– Hành lang phát triển theo trục chính BắcNamở trung tâm nối liền TP Hải Dương với Chí Linh – Sao Đỏ ở phía Bắc và Thanh Miện ở phíaNam: Đây là không gian phát triển trục BắcNamchính, dọc theo trục lộ 39B -17-37 và trục mới phát triển ở phía tây Thanh Miện – Phả Lại.
– Hành lang phát triển theo trục Bắc Nam phụ ở phía Đông: Dọc theo Tỉnh lộ 188 nối liền Mạo Khê – Nhị Chiểu – Phú Thái tới Thanh Hà với các khu cụm công nghiệp Hoàng Thạch, Phúc Sơn, Kinh Môn, Phú Thái và các đô thị Minh Tân, Phú Thứ, Kinh Môn, Phú Thái, Thanh Hà.
– Hành lang phát triển theo trục Bắc Nam phụ ở phía Tây: Dọc theo quốc lộ và Tỉnh lộ 38, 392 nối liền Cẩm Giàng, Kẻ Sặt với các khu cụm công nghiệp… và các điểm đô thị Cẩm Giàng, Kẻ Sặt, Phủ – Thái Học;
Hai hành lang phụ Đông và Tây, nối tiếp đường 392 tạo thành vòng cung, gắn kết các hành lang khác càng làm khung phát triển chặt chẽ, đồng đều lãnh thổ.
* Phát triển theo vùng chức năng: Gồm 3 không gian phát triển lớn:
– Vùng núi, trung du phía Bắc: Vùng du lịch – công nghiệp – đô thị.
– Vùng đồng bằng trung tâm: Vùng dịch vụ – công nghiệp – đô thị.
– Vùng đồng bằng phíaNam: Vùng công nghiệp – đô thị.
5. Định hướng phát triển không gian vùng tỉnh Hải Dương:
– Định hướng mô hình phát triển không gian lãnh thổ, hệ thống phân bổ các khu, cụm CN, không gian nông lâm nghiệp sinh thái, các trục hành lang đô thị hóa, các cực đô thị trung tâm, hình thái phát triển đô thị – điểm dân cư nông thôn và bố trí hệ thống các trung tâm chuyên ngành của tỉnh về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, thể dục thể thao, văn hóa, thương mại dịch vụ du lịch… cụ thể như sau:
5.1. Định hướng phát triển Công nghiệp:
– Theo quy hoạch được duyệt, đến năm 2015, Hải Dương có 18 KCN với quy mô diện tích 3.733 ha, đến năm 2020 dự kiến thêm 7 KCN thành lập mới, nâng tổng số KCN tỉnh Hải Dương lên con số 25 với tổng diện tích 5.400 ha, đây là yếu tố tạo vùng mạnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 38 cụm CN đã lập quy hoạch tới 2025 với tổng diện tích 1.765,71 ha, khả năng phát triển tới 50 cụm, tổng số đất xây dựng cụm CN trên 2.260 ha.
Ngoài ra, Hải Dương còn phát triển các điểm công nghiệp địa phương, tới 2025 toàn tỉnh có 300 – 350 điểm sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tập trung với khoảng 500 – 1000 ha đất xây dựng, chưa kể toàn tỉnh có tới 4.500 – 5.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề phân tán.
5.2. Định hướng phát triển nông – lâm nghiệp:
– Công nghiệp hoá nông nghiệp – nông thôn, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo hướng hiện đại, toàn diện, đa dạng, năng suất cao và ứng dụng công nghệ mới. Đảm bảo an toàn lương thực cho tỉnh, một phần quốc gia, quỹ đất diện tích lúa đến năm 2015 là 58.000ha -60.000ha, diện tích cây ăn quả 22.000ha và năm 2020 và 2030 có thể duy trì ở mức 58.000ha – 55.000ha.
Lâm nghiệp: Chủ yếu trồng và bảo vệ rừng: Tổng diện tích rừngổn định đến năm 2020 khoảng trên 8.800ha. Quy hoạch 3 loại rừng tập trung ở Chí Linh và Kinh Môn, trong đó: Rừng đặc dụng: diện tích khoảng gần 1.402ha; Rừng phòng hộ: diện tích khoảng gần 7.210ha; Rừng sản xuất: diện tích khoảng trên 202ha
5.3 Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị:
– Phương án phát triển: Lựa chọn phương án điều hòa (phương án 3): Vừa phát triển tập trung đầu mối về đô thị trung tâm là TP Hải Dương tạo hạt nhân động lực mạnh, vừa có sự phân bố độc lập tương đối giữa các đô thị, có sự liên kết hỗ trợ phát triển thuận lợi bằng các trục, tuyến hành lang và vành đai của vùng. Đô thị phân bố theo hình thái dọc trục hành lang (chuỗi đô thị), theo chùm đô thị (TP Hải Dương là hạt nhân trung tâm); phân bố theo cụm đô thị và phân bố dạng độc lập.
Phát triển hệ thống đô thị hiện có với các đô thị hạt nhân:
– TP Hải Dương là đô thị trung tâm sau thủ đô Hà Nội trong vùng Hà Nội, có vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng Sông Hồng, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật tỉnh Hải Dương. Định hướng TP Hải Dương đạt đô thị loại I trước năm 2020 trở thành đô thị hạt nhân lớn, quy mô dân số khoảng 50 vạn người; không gian phát triển mở rộng về các đô thị vệ tinh (thị trấn Nam Sách, Lai Cách, Gia Lộc và các đô thị khác).
– Thị xã Chí Linh: Là đô thị trung tâm khu vực phía Bắc của tỉnh, là trung tâm văn hóa – du lịch – thương mại dịch vụ, trung tâm công nghiệp có tiềm năng lớn phát triển dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Định hướng đến năm 2020 sẽ phát triển lên đô thị loại III và trở thành TP thuộc Tỉnh, tới năm 2030 có quy mô dân số khoảng 14 – 15 vạn dân đô thị với khoảng 3.000ha đất xây dựng.
Một số thị trấn hiện có định hướng phát triển thành thị xã:
– Chuỗi thị trấn Kinh Môn – Minh Tân – Phú Thứ (huyện Kinh Môn) kết với các khu vực đô thị hóa cao trong khu vực sẽ được định hướng phát triển thành thị xã Kinh Môn vào năm 2015 với quy mô dân số trên 10 vạn người.
– Thị trấn Sặt mở rộng, kết hợp với các khu vực phát triển công nghiệp, dịch vụ trong khu vực phía Tây của tỉnh sẽ phát triển thành đô thị loại IV và thành thị xã vào năm 2020, quy mô dân số khoảng 5 -7 vạn người.
– Thị trấn Phú Thái – Kim Thành phát triển thành đô thị loại IV trước hoặc sau năm 2025, có dân số khoảng 5 – 7 vạn người.
– Thị trấn Ninh Giang phát triển dọc lên phía Bắc theo hướng QL37 đến Nghĩa An, phát triển lên đô thị loại IV, thành thị xã vào năm 2025.
– Thị trấn Thanh Miện trước hoặc sau năm 2025 có thể phát triển lên đô thị loại IV.
– Định hướng phát triển cụm đô thị động lực mạnh khu vực phíaNamtỉnh gồm Thanh Miện – Tứ Kỳ – Ninh Giang, tạo sự phát triển mạnh.
– Các thị trấn hiện có khác phát triển với vai trò trung tâm các tiểu vùng, trung tâm huyện lỵ, phát triển tương hỗ giữa các đô thị.
Định hướng phát triển thêm một số đô thị loại V (cấp thị trấn) tại các khu vực có điều kiện phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ, có vị trí, địa hình thuận lợi.
5.4 Phát triển hệ thống điểm dân cư nông thôn:
– Cơ bản giữ nguyên hình thái phân bố các điểm dân cư nông thôn (thôn xóm) truyền thống theo cụm, tuyến, điểm. Quy mô có 229 xã với khoảng 1.000 điểm trên toàn tỉnh. Mạng lưới các điểm dân cư của từng xã sẽ được quy hoạch phát triển theo đề án Quy hoạch phát triển nông thôn mới của Tỉnh. Động lực phát triển chính của các điểm, cụm điểm dân cư nông thôn là các thị tứ, các khu vực phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Phấn đấu đến 2015 có 58 xã, đến ngoài năm 2020 có 95 – 100% xã nông thôn mới đạt 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
5.5. Phát triển hệ thống các công trình hạ tầng xã hội:
– Quy hoạch phát triển hệ thống các trung tâm công trình hạ tầng xã hội được lập trên cơ sở định hướng quy hoạch của khu vực: Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng đồng bằng Sông Hồng, các hàng lang kinh tế…. và có sự cập nhật quy hoạch các ngành, lĩnh vực của Tỉnh để đưa ra định hướng, lựa chọn phát triển và bố trí tại các khu vực thuận lợi và phù hợp.
Một số trung tâm lớn được định hướng quy hoạch như:Trung tâm y tế, giáo dục, thể dục thể thao, thương mại dịch vụ, đô thị… phía Nam sông Sặt; Khu vực di tích lịch sử, văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc, Chí Linh; Khu vực công viên sinh thái, vui chơi giải trí cấp quốc gia và quốc tế tại Bến Tắm, Chí Linh; Hệ thống các trung tâm tài chính, Bưu chính – viễn thông – tin học phần mềm tại TP Hải Dương, TX Chí Linh và các thị trấn huyện lỵ….
6. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
6.1. Hệ thống giao thông
* Đường bộ: Tận dụng lợi thế của các tuyến Quốc lộ hiện có và các dự án đường cao tốc mới đi qua địa bàn tỉnh (QL5,18,37,10,38, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Nội Bài – Hạ Long) quy hoạch phát triển các trục đường tỉnh, đường giao thông nhánh để phát triển kinh tế xã hội. Tuyến đường từ Quốc lộ 5 qua cầu Hàn phát triển về thị xã Chí Linh.
– Quy hoạch xây dựng tuyến đường bao phía ĐôngNamtỉnh Hải Dương, tuyến đường vành đai I, II của TP Hải Dương, trục BắcNamđấu nối từ QL37 sang khu vực huyện Kinh Môn (qua phà Mây, phà Triều cũ).
– Nâng cấp các quốc lộ phục vụ vùng kinh tế trọng điểm qua địa phận Hải Dương: QL5 Hà Nội – Hải Phòng, QL18 Bắc Ninh – Bãi Cháy, Quốc lộ 10, Quốc lộ 37, QL38.Nâng cấp Tỉnh lộ 392 thành QL39B; dự kiến nâng cấp Tỉnh lộ 391 thành QL, Tỉnh lộ 388 (Hoàng Thạch – QL 5) thành quốc lộ.
– Tạo đường trục, vòng cung đi từ Cẩm Giàng – Kẻ Sặt, Phủ Thái Học, Thanh Miện, Nghĩa An, Tứ Kỳ, Phú Thái tới Kinh Môn. Và từ Kinh Môn theo đường trục 360 kéo dài qua sông Kinh Thầy, sông Thái Bình sang Bắc Ninh và vùng về đường 38 hình thành đường vành đai toàn Tỉnh.
– Xây dựng tuyến đường trục Bắc Nam của tỉnh, nối từ cầu Hiệp lên QL5, nắn chỉnh đoạn tuyến đường 389 lên QL18; Xây dựng trục đường mới (quy mô trên 60m), kéo dài tuyến đường 390, 388; Cải tạo các tuyến tỉnh lộ.
– Đường huyện: Cải tạo nâng cấp 100% đạt cấp IV mặt nhựa hoặc bê tông xi măng, cải tạo nâng cấp 85% đường thôn xóm, xây dựng 24 bến xe khách.
– Đường cao tốc: Xây dựng mới tuyến Hà Nội – Hải Phòng, tuyến Nội Bài – Hạ Long đi qua Hải Dương.
* Đường sắt
– Cải tạo, nâng cấp tuyến Hà Nội – Hải Phòng hiện có thành tuyến đường sắt khổ rộng 1435mm quốc gia. Tuyến Kép – Hạ Long: Nâng lên cấp chủ yếu, khổ 1435mm, tiêu chuẩn ngang tuyến Hà Nội – Hải Phòng. Tuyến Chí Linh -Phả Lại: Tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định và có thể nghiên cứu cải tạo nâng cấp theo quy hoạch chung đô thị cho hợp lý…
* Đường thuỷ
Quy hoạch GTVT đường thuỷ nội địa Việt Nam đến năm 2020 Chính phủ phê duyệt có 2 tuyến lớn liên quan địa bàn Hải Dương là: Quảng Ninh – Phả Lại – Hà Nội và Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội, tiêu chuẩn cấp II. Nạo vét mở rộng luồng 119 km 6 tuyến sông, nâng cấp thêm 3 tuyến sông, xây dựng âu thuyền, nạo vét bãi cạn, xây dựng bến tàu khách du lịch, nâng cấp bến Tiên Kiều thành cảng Tiên Kiều công suất 1-1,5 trT/năm, phát triển cảng sông Thái Bình, xây dựng cảng cạn, kho bãi trung chuyển (IDC) ….
6.2. Chuẩn bị kỹ thuật đất đai:
Định hướng chung: Chuẩn bị kỹ thuật đất đai cho phát triển công nghiệp, Tiểu thủ CN, phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn và các trung tâm dịch vụ xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển.
6.3. Định hướng cấp nước:
– Nước cho sản xuất nông – lâm – thủy sản: nâng cấp 51 trạm bơm tưới, 16 hồ chứa, 24 cống lấy nước, xây mới 9 trạm bơm, 15 cống lấy nước và kiên cố hóa 660 km kênh tưới chính cấp 1 và 2.
– Cấp nước sạch: Giữ nguyên công suất nhà máy nước Việt Hòa, cải tạo và nâng công suất nhà máy nước Cẩm Thượng, khai thác nước sông Thái Bình. Xây dựng thêm các trạm cấp nước như: Trạm cấp nước cầu Giẽ, Nam TP, Trạm cấp nước Tiền Trung, Sao Đỏ, Nhị Chiểu.
– Cấp nước sạch cho nông thôn: Sử dụng nước mặt và nước ngầm tại chỗ, xử lý cấp 100% hộ sử dụng nước sạch vào năm 2025.
6.4. Định hướng cấp điện:
Ngoài nguồn cấp điện từ các nhà máy điện hiện có trong vùng, Hải Dươngdự kiến nâng cấp và xây mới một số trạm điện như Hải Dương, Chí Linh, Nhị Chiểu, Đại An, Tiền Trung, Phúc Điền, Gia Lộc thông qua lưới truyền tải 500 KV và 220 KV quốc gia. Tương lai: giữ nguyên công suất các trạm đã có 2 máy biến áp, nâng công suất các trạm mới có 1 máy thành 2 máy, xây dựng mới 6 trạm: Phú Thái, Bình Giang, Gia Lộc, Thanh Miện, Thanh Hà, Tứ Kỳ. 1 trạm điện 500 KV, 3 trạm 220 KV và 18 trạm 110 KV.
6.5. Định hướng thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:
-Các TP,TX, thị trấn là đô thị loại II – IV xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung riêng cho sinh hoạt. Các đô thị còn lại xây dựng trạm xử lý nước thải chung cho nước thải sinh hoạt, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
– Tại các KCN tập trung, các bệnh viện lớn: xử lý triệt để nước thải và chất thải. Xây dựng khu xử lý rác tập trung theo từng khu vực.
– Xây dựng một số nghĩa trang tập trung quy mô 15 – 30 ha và lò hỏa táng cho TP Hải Dương, TX Chí Linh; các khu vực khác khoảng 15 – 20 ha. Ngoài 2020, hướng tới xây dựng một số nghĩa trang lớn liên xã khi có điều kiện; tương lai hướng tới tỷ lệ lớn hỏa táng.
6.6. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác:
– Định hướng quy hoạch các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với định hướng phát triển không gian vùng, đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế xã hội, phát triển đô thị và công nghiệp tỉnh Hải Dương theo hướng bền vững.
6.7. Đánh giá môi trường chiến lược:
– Quy hoạch dự báo các diễn biến của môi trường trong tương lai và kiến nghị chính sách, giải pháp bảo vệ môi trường gồm: Các chính sách sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nâng cao chất lượng môi trường đảm bảo sự phát triển bền vững;Khoanh vùng bảo vệ môi trường; Thực hiện chương trình vệ sinh nông thôn.
7. Các dự án ưu tiên và cơ chế quản lý phát triển:
– Phát triển hệ thống đô thị, các KCN, cụm CN, điểm CN, phát triển hệ thống các trung tâm dịch vụ xã hội và hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; Lựa chọn các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn trước mắt, đặc biệt là các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hải Dương đề ra.