Xây dựng huyện Cẩm Giàng phát triển bền vững

Trong những năm qua, huyện Cẩm Giàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận  trong phát triển kinh tế – xã hội. Là nơi tập trung 3 cụm công nghiệp, 5 khu công nghiệp với tổng số 316 doanh nghiệp hoạt động, nhiệm kỳ 2010-2015, Cẩm Giàng đặt mục tiêu tạo ra bước chuyển biến rõ nét về kinh tế, hướng tới mục tiêu trở thành huyện công nghiệp. Thực hiện đề án “Đầu tư phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp – làng nghề và dịch vụ gắn với chuyển đổi nghề cho nông dân các xã, thị trấn giai đoạn 2011-2015”, và các giải pháp thu hút đầu tư, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thủy sản – công nghiệp, xây dựng – dịch vụ của huyện chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp,  tăng tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ từ 15,4% – 67% – 17,6% năm 2010 sang 11% – 69,8% – 19,2% năm 2015. Cơ cấu lao động nông nghiệp từ 51,4% năm 2010 giảm còn 32,6% năm 2015, vượt chỉ tiêu đại hội. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng trưởng bình quân 11,3%/năm, làm chuyển biến rõ nét cơ cấu kinh tế của huyện.

Hoạt động thương mại, dịch vụ của huyện tiếp tục phát triển gắn với các khu, cụm công nghiệp và khu dân cư tập trung; hàng hóa phong phú đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân 12,9%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 5 năm là 515 tỷ đồng, tăng bình quân 20%/năm, vượt chỉ tiêu đại hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ  9,2% năm 2011 đến nay còn 3,14%.

Điểm nhấn trong bức tranh kinh tế – xã hội huyện Cẩm Giàng trong 5 năm qua là diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Trong công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch nông thôn mới (NTM) huyện Cẩm Giàng đã xây dựng và triển khai thực hiện 2 đề án: “Quy hoạch, phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung giá trị kinh tế cao” và “Tập trung nguồn lực quy hoạch và đầu tư xây dựng NTM”. Kết quả nổi bật là huyện đã thực hiện quy hoạch vùng sản xuất cây lúa và rau màu tập trung.

Đến nay, 84 vùng sản xuất tập trung đang phát huy hiệu quả, nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, năng suất lúa ở Cẩm Giàng nhiều năm liền đứng trong nhóm đầu tỉnh. Giá trị sản xuất trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 108 triệu đồng, tăng 8 triệu đồng/ha so với chỉ tiêu đại hội.

Đặc biệt, huyện Cẩm Giàng đã tập trung huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Đến nay đã có 100% đường xã, liên thôn, trục thôn được làm bằng bê tông xi măng, trải nhựa hoặc vật liệu cứng, đạt chỉ tiêu Đại hội 24 đề ra. Đến hết năm 2014, toàn huyện bình quân đạt 13,05 tiêu chí NTM/xã; 2 xã Cẩm Sơn và xã Đức Chính đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, Cẩm Giàng đã thực hiện có hiệu quả đề án “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2011-2015”. Toàn huyện hiện có 37 trường học đạt chuẩn, bằng 60,6%, thấp hơn so với mục tiêu đại hội 4,4%. Thực hiện đề án “Củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng gia đình văn hoá, làng, khu dân cư, cơ quan văn hoá” giai đoạn 2011-2015.

Trong lĩnh vực lao động, việc làm, từ năm 2011 đến nay, huyện Cẩm Giàng tạo việc làm mới cho 14.425 lao động. Bình quân mỗi năm huyện tạo việc làm cho trên 3.600 lao động, vượt chỉ tiêu đề ra (mỗi năm tạo việc làm mới cho từ 2.200 – 2.500 lao động). Huyện đã phối hợp mở 149 lớp đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 45,2% năm 2011 lên gần 84,4% năm 2014. Theo đó, huyện đã tập trung tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn thông qua việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; phối hợp mở các lớp học nghề, nhất là tại những nơi bàn giao đất phát triển công nghiệp; tổ chức các sàn giao dịch việc làm; cho vay vốn lãi suất ưu đãi, hỗ trợ thủ tục pháp lý và tạo điều kiện để người lao động đi xuất khẩu lao động.