Đẩy nhanh tiến độ dự án Bắc Giang-Lạng Sơn

(Chinhphu.vn) – Để sớm đưa dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn, đoạn Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng vào hoạt động, Công ty CP BOT Bắc Giang-Lạng Sơn phối hợp với chính quyền tỉnh Lạng Sơn triển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thành dự án đúng kế hoạch.

Công tác GPMT dự án đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: VGP/Bá Cường

Nhanh chóng hoàn thành GPMB

Giải phóng mặt bằng (GPMB) từ đó sớm bàn giao mặt bằng để tiến hành thi công được xem là một khâu trọng yếu nhất của các dự án xây dựng nói chung và dự án đường cao tốc, hầm đường bộ, cầu phà nói riêng. Chính vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ, nhằm sớm hoàn thành dự án tuyến đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn, đoạn Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi  Lăng, UBND tỉnh Lạng Sơn và Công ty CP BOT Bắc Giang-Lạng Sơn đã đưa công tác GPMB lên làm nhiệm vụ hàng đầu.

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết tỉnh đã chỉ đạo tất cả các cơ quan ban ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ di dời và GPMB để tháng 9/2018 sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công và sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020.

Theo đó, đã tổ chức lập trích đo địa chính với những diện tích đất cần thu hồi, tổ chức bàn giao các quyết định thu hồi đất cho người sử dụng đất bị thu hồi, công bố, công khai phương án bồi thường và tiến hành chi trả tiền bồi thường kịp thời, minh bạch. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan ban ngành từ tỉnh, tới xã, phường để tuyên truyền, vận động cho người dân về lợi ích cũng như ý nghĩa của việc nhanh chóng hoàn thành dự án.

Đặc biệt, khẩn trương, linh hoạt thực hiện theo từng đoạn tuyến trên nguyên tắc, đoạn tuyến nào dễ thực hiện thì phê duyệt trước (không chờ thực hiện thống kê, kiểm đếm xong toàn tuyến mới ra quyết định). Đồng thời, chi trả đến đâu sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án đến đó theo hình thức “cuốn chiếu”.

Cụ thể, tại thành phố  Lạng Sơn, tổng diện tích thu hồi mặt bằng là 78,5 ha trong đó có 328 hộ gia đình, 2 tổ chức bị ảnh hưởng thuộc xã Mai Pha và xã Hoàng Đồng. Thành phố đã nhanh chóng ban hành quyết định thành lập hội đồng bồi thường và tổ công tác thực hiện để lập phương án bồi thường, hỗ trợ định cư theo quy định một cách chính xác, nhanh chóng.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, một trong những huyện có chiều dài tuyến lên đến 19 km và 913 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng với 180 ha cho biết, ngay từ tháng 3/2018, Huyện uỷ Cao Lộc đã thành lập Ban chỉ đạo GPMB, UBND huyện thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chuyên môn giúp việc Hội đồng.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, để có thể đẩy nhanh thời gian GPMB, UBND tỉnh cần sớm ban hành quyết định phê duyệt giá đất cụ thể của dự án để có căn cứ lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định một cách sớm nhất.

Về phía nhà đầu tư, ông Lưu Xuân Thuỷ, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn khẳng định, đang sớm tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định đường gom, đường dân sinh, vị trí xả thải. Xác định, khôi phục các mốc thu hồi bị mất để tiến hành đo đạc, kiểm đếm. Đồng thời, chuyển trả tiền (thậm chí có thể ứng trước) để thực hiện chi trả đền bù, hỗ trợ, tái định cư nhằm nhanh chóng có mặt bằng để thi công.

Phối hợp chặt chẽ giữa các bên

Theo ông Phạm Ngọc Thưởng, việc chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án được xem là mô hình mới nhằm tháo gỡ nhiều “nút thắt”, vướng mắc  trong quá trình quản lý, giám sát dự án. Do đó, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và đồng bộ giữa các bên là nhà đầu tư, địa phương và Bộ GTVT sẽ là động lực để dự án hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng cao, mỹ quan đẹp.

UBND tỉnh Lạng Sơn và Bộ GTVT xúc tiến nhanh việc bàn giao những vấn đề liên quan đến quản lý của địa phương vào cuối tháng 5/2018.

Đồng thời, để kết nối chặt chẽ trong quá trình thực hiện dự án, hai bên, UBND tỉnh (cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ) và nhà đầu tư (Công ty CP BOT Bắc Giang-Lạng Sơn) sẽ thường xuyên và tăng cường các cuộc giao ban, đối thoại để cập nhật thường xuyên những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện nhằm tháo gỡ kịp thời.

Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Công văn số 219/UBND-KTN ngày 14/3/2018 gửi tất các các sở, ban, ngành trong tỉnh và Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn về việc phối hợp để nhanh chóng GPMB cũng như quy trình phối hợp thực hiện giữa các bên. Theo đó, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng sở, ban, ngành và các địa phương.

UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương trên địa bàn có đường cao tốc đi qua cần phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng, kịp thời với nhà đầu tư, nhà thầu và thực hiện báo cáo tuần, đột xuất và định kỳ tháng, quý, năm gửi UNBD tỉnh về những vấn đề vượt quá thẩm quyền để UBND tỉnh có hướng giải quyết.

Đối với nhà đầu tư, ông Lưu Xuân Thuỷ cho biết, sẽ cử cán bộ tham gia hội đồng, tổ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các huyện Chi Lăng, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn. Đồng thời sẽ bố trí kinh phí kịp thời để đảm bảo tiến độ GPMB dự án theo kế hoạch.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Thưởng, bên cạnh sự nỗ lực từ nhiều phía để đưa dự án vào hoạt động thì còn tồn tại một số vướng mắc trong đó, vấn đề lãi suất đang ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thi công.

Cụ thể, theo hợp đồng BOT số 15/HĐ.BOT-BGTVT ngày 25/11/2016, lãi suất vốn vay tính toán là 8,11%/năm (căn cứ theo hướng dẫn tại Thông tư số 55/2016/TT-BTC ngày 23/3/2016 của Bộ Tài chính). Theo đó, lãi suất trong thời gian xây dựng không được quá 1,3 lần bình quân lãi suất phát hành của trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm.

Trong khi đó thực tế hợp đồng tín dụng đã ký kết giữa nhà đầu tư và ngân hàng thì lãi suất tại thời điểm cho vay là 10,5%/năm. Do đó, đã có nhiều văn bản, kiến nghị từ nhà đầu tư đến các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được điều chỉnh lãi suất.

Áp dụng quy trình quản trị hiện đại trong thi công

Theo  PGS.TS Nguyễn Trí Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Long-Nghệ Tĩnh (một trong những nhà thầu lớn đang phụ trách 3 gói thầu của dự án), trong quá trình triển khai dự án, vai trò của chủ đầu tư lúc này như một “thuyền trưởng”. Vì vậy, những biện pháp, giải pháp của chủ đầu tư trong quá trình quản trị về kỹ thuật, quản lý của dự án phải hiện đại, tiên tiến để đáp ứng yêu cầu xây dựng mới trong giai đoạn hiện nay.

Đó là những quy trình về mặt kỹ thuật như giám sát, nghiệm thu, thử tải, bàn giao; thủ tục về trình duyệt bổ sung định mức, đơn giá cũng như quy trình giải ngân… cần được ấn định trước, rõ ràng để nhà thầu có kế hoạch thực hiện.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Trí Thành cho rằng, vai trò quản lý, hỗ trợ của chủ đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền có ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm thời hạn thi công. Đặc biệt, sự phối hợp nhịp nhàng và bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ đầu tư và nhà thầu trên cơ sở thực hiện nghiêm pháp luật, quy định của Nhà nước sẽ góp phần hoàn thành tiến độ của dự án.

Chia sẻ về quy trình quản trị của dự án, ông Lưu Xuân Thuỷ cho biết, do hợp phần cao tốc có khối lượng thi công lớn, nhiều công trình trên tuyến (hàng trăm km2) và đi qua nhiều núi, đồi hiểm trở, đồng thời với khối lượng máy móc của nhà thầu rất lớn (150 máy xúc, 80 máy ủi, 300 ô tô và 120 máy lu) trải dài trên 30/32 gói thầu xây lắp đang triển khai thi công nên việc áp dụng hệ thống giám sát, điều hành hiện đại để sắp xếp quy trình một cách khoa học, linh hoạt là khâu trọng yếu của quản trị dự án.

Cụ thể, hiện nay Công ty CP BOT Bắc Giang-Lạng Sơn đang thực hiện giám sát nhà thầu theo từng ngày, từng tuần trên toàn bộ tuyến đường đang thi công bằng cách họp trực tuyến để tháo gỡ vướng mắc và giám sát công trình thi công bằng Flycam. Bên cạnh đó, với cơ chế thưởng phạt nghiêm minh, Công ty sẽ có cảnh báo 3 lần kèm theo phạt nếu nhà thầu vi phạm các quy định về an toàn lao động, chất lượng thi công hay quy trình thi công… Nếu vi phạm lần thứ 4 sẽ cương quyết chấm dứt hợp đồng. Ngược lại, với các trường hợp hoàn thành tốt sẽ có cơ chế thưởng cụ thể theo từng hạng mục, từng đối tượng cụ thể.