Đô thị dễ tổn thương

Năm nào cũng thế, miền Trung đều phải đón nhận những đợt bão lũ. Thiệt hại là vô cùng nặng nề về người, tài sản. Không những thế, bão lũ còn tàn phá hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội và kỹ thuật; khiến hàng trăm người chết, mất tích hoặc bị thương.


Hạ tầng kém khiến đô thị dễ bị tổn thương (Ảnh minh họa)

Những tổn thương “nhìn thấy” đó vốn đã được các cơ quan chuyên môn thống kê hàng năm và lên kế hoạch để người dân khu vực này “chung sống an toàn hơn”. Thế nhưng, dường như sau những bài học dai dẳng, hai chữ “giá như” cứ lặp lại.

Những tác động tiêu cực của thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một gia tăng đang là một nguy cơ mà trong nhiều chương trình nghị sự đã được các nhà khoa học nhắc tới, đặc biệt là mối nguy với các đô thị.

Biến đổi khí hậu hiện đang là vấn đề phát triển quan trọng nhất đang được thảo luận trên cả phạm vi quốc gia và quốc tế. Và các thành phố (TP) là nơi dễ bị ảnh hưởng nhất (cũng là nơi góp phần gia tăng ảnh hưởng). Đây là nơi tiêu thụ nhiều hàng hoá và phát thải nhiều khí nhà kính. Mặt khác, đây cũng là nơi tập trung dân số và các hoạt động kinh tế và khi chịu tác động của biến đổi khí hậu thì các thiệt hại về kinh tế và xã hội sẽ là rất lớn, lớn hơn tất cả các nơi khác. Chính vì vậy, các TP có vai trò chính trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc ứng phó của các TP càng hiệu quả bao nhiêu thì tương lai của trái đất càng sáng sủa bấy nhiêu.

Trước thực tế gia tăng của bão, lụt chính quyền các TP sẽ phải quy hoạch phát triển đô thị tránh xa những vùng đất gần sông, biển và áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt phòng chống thiên tai hoặc di chuyển các cơ sở hạ tầng hay công trình trọng yếu ra khỏi các khu vực dễ bị lũ lụt. Các chiến lược xã hội bao gồm việc xác định các thành phần dân số dễ bị tổn thương trong trường hợp có bão và lũ. Các khu vực dân cư ở vùng bão lụt cần chuẩn bị để người dân có thể sử các công trình công cộng như trụ sở uỷ ban, trường học… làm nơi lánh nạn khi bão lụt xảy ra. Nhiều TP cần áp dụng các biện pháp tiết kiệm và tái sử dụng nước ngay từ hôm nay để đối phó với việc thiếu nước sinh hoạt trong tương lai.

Các đô thị ven biển cần chuẩn bị để đối phó với các hiện tượng thiên tai bất thường. Kịch bản về nước biển dâng cần được lồng ghép vào tất cả các quyết định về quy hoạch phát triển đô thị. Dự báo về sự gia tăng các trận bão, lũ đòi hỏi chính quyền TP và các cơ quan có trách nhiệm cần áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế và xây dụng cao hơn.

Vào thời điểm này, cho dù lượng khí thải nhà kính được cắt giảm đáng kể, các TP vẫn cần phải thích ứng với các ảnh hưởng tồi tệ của biến đổi khí hậu trước khi các ảnh hưởng này có thể chững lại. Cách thức thích ứng tiềm năng bao gồm các giải pháp làm “xanh” TP: Bảo tồn các khu vực cây xanh và rừng trong đô thị, trồng thêm cây xanh ở mọi nơi có thể, sử dụng các cách thức phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường và sử dụng mặt nước hồ ao và các kỹ thuật tái sử dụng nước mưa để làm mát đô thị.

Trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thay vì được coi một nơi tiêu thụ năng lượng khổng lồ, cần phải biến TP hoạt động như một “cây xanh” trong tự nhiên: Có khả năng “đàn hồi”, tự phục hồi và có khả năng sản xuất nhiều năng lượng hơn mức tiêu thụ.

Nhưng đó là mong muốn – bởi cho đến nay, con người vẫn phải tự vật lộn với những vấn đề phát sinh do chính mình tạo ra. Mà tình cảnh tan hoang của đô thị du lịch Nha Trang, Đà Nẵng cùng hình ảnh ngập lụt ở nhiều đô thị ở miền Trung sau cơn bão số 12 vừa qua là một minh chứng.

Ngọc Lý