Dự án cải tạo khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt: Hà Nội ra quyết định cưỡng chế di dời

UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa ban hành quyết định cưỡng chế di dời 12 hộ dân cuối cùng chưa bàn giao mặt bằng tại khu tập thể cũ 30A Lý Thường Kiệt để thực hiện dự án sau nhiều năm chậm tiến độ.

Nhà thuộc sở hữu nhà nước

Theo đó, tại quyết định số 3956/QĐ-UBND ngày 26-10, UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định thành lập Ban cưỡng chế thu hồi nhà, đất đối với 12 hộ gia đình đang sử dụng nhà, đất tại số 30A Lý Thường Kiệt – 33 Hàng Bài để thực hiện dự án.

Khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt – 33 Hàng Bài

Thành phần Ban cưỡng chế gồm lãnh đạo UBND quận; lãnh đạo các phòng ban của quận Hoàn Kiếm và đại diện tổ dân phố, đại diện các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, phường Hàng Bài.

Ban cưỡng chế có trách nhiệm vận động, thuyết phục, đối thoại với các hộ dân nằm trong diện bị cưỡng chế; lập phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí thực hiện, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Cũng trong cuối tháng 10, UBND quận Hoàn Kiếm đã ký các quyết định cưỡng chế đối với các hộ dân thuộc diện di dời. Đây là 12/34 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, nhiều năm đi khiếu kiện để bảo vệ quyền lợi liên quan.

Trước đó, ngày 18-9, UBND TP Hà Nội đã ban hành Thông báo số 1109/TB-UBND truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp của tập thể lãnh đạo thành phố về các nội dung liên quan đến dự án; đồng ý với đề xuất điều chỉnh một số nội dung do Sở TN&MT kiến nghị, tham mưu.

Ngày 26-9, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã có thông báo số 2764/CTQL&PTN gửi các hộ dân về quyền, trách nhiệm của các hộ dân sử dụng nhà thuộc nhà nước quản lý tại địa chỉ 30A Lý Thường Kiệt – 33 Hàng Bài.

Thông báo cho biết, nguồn gốc nhà đất 30A Lý Thường Kiệt – 33 Hàng Bài thuộc diện vắng chủ do Sở Nhà đất quản lý. Năm 1986, Xí nghiệp QL&PT nhà Hoàn Kiếm ký hợp đồng cho Tổng cục Du lịch thuê với mục đích sử dụng làm việc và làm nhà ở cho cán bộ, nhân viên.

Trong quá trình sử dụng, Tổng cục Du lịch đã phân các diện tích làm nhà ở cho các hộ dân; một số hộ dân đã mua bán, chuyển nhượng lại để ở. Các hộ dân sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước tại đây thuộc đối tượng phải ký hợp đồng thuê nhà Nhà nước.

Tái định cư tại chỗ

Theo phương án của chủ đầu tư đưa ra, các hộ dân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sẽ được tái định cư tại chỗ theo quy định của pháp luật. Phần diện tích nhà ở trên cơ sở kiểm đếm, đo đạc sẽ được nhân hệ số (1.03); phần diện tích vượt thêm sau xây dựng, các hộ dân được ưu tiên mua theo giá đầu tư, xây dựng của chủ đầu tư.

Dự án cải tạo khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt: Hà Nội ra quyết định cưỡng chế di dời - Ảnh 2

Đối với các hộ dân đã di dời, bàn giao mặt bằng, từ nhiều năm qua chủ đầu tư đã thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ dân trong thời gian xây dựng. 2/3 hộ dân của khu tập thể đã di dời từ nhiều năm trước, tuy nhiên 12 hộ dân còn lại không đồng ý với phương án đưa ra và đã khiếu nại để đòi quyền lợi trong thời gian dài. Thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản trả lời đơn thư công dân, tuy nhiên, các hộ này vẫn chưa nhất trí. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến dự án bị chậm tiến độ.

Nhiều hộ dân đưa phương án chủ đầu tư “mua đứt bán đoạn” phần diện tích của họ, nhưng mức giá đưa ra 200 triệu đồng/m2 khiến chủ đầu tư không thẻ đáp ứng. Ngày 22-6-2017, Sở Xây dựng Hà Nội đã gửi văn bản tới UBND TP kiến nghị áp dụng biện pháp hành chính cưỡng chế giải phóng mặt bằng, thu hồi nhà đất của các hộ còn lại. Đây là biện pháp cuối cùng đối với dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ lâu.

Ngay sau đó, UBND quận Hoàn Kiếm cũng có văn bản gửi UBND TP về việc áp dụng biện pháp hành chính cưỡng chế thu hồi lấy mặt bằng để chủ đầu tư thi công dự án. Liên ngành TP Hà Nội cũng đã có báo cáo về việc áp dụng biện pháp hành chính để cưỡng chế thu hồi phần diện tích nhà đất theo Điều 71, Luật Đất đai 2013 đối với các hộ dân còn lại không chịu di dời.

Được xây dựng từ thời Pháp, khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt đã xuống cấp nghiêm trọng. Các hộ dân cho biết, thực trạng của khu tập thể này khiến 41 hộ phải chung nhau một nhà vệ sinh, một nhà tắm trong hàng chục năm ròng. Việc cải tạo, xây dựng mới là niềm mong đợi của đại đa số cư dân.

Bà Nguyễn Thị Mai – Chủ tịch UBND phường Hàng cho biết, đây là dự án được phần lớn người dân ủng hộ. “Khu tập thể xuống cấp không thể không cải tạo. Chúng tôi cũng vận động, tuyên truyền để các hộ tự nguyện bàn giao mặt bằng, cũng vì lợi ích của số đông. Rất nhiều các cụ cao tuổi đếm từng ngày để được về nơi ở mới”.

Theo quyết định cưỡng chế, thời hạn thực hiện đến ngày 15-12-2017. Các hộ dân được tuyên truyền, vận động nếu không chủ động di dời, bàn giao mặt bằng thì lúc đó Ban cưỡng chế sẽ thực thi nhiệm vụ.