Hà Nội: Đề nghị thí điểm thành lập ‘Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận huyện’

Bộ máy hoạt động của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội hiện nay được cho là đang tồn tại nhiều bất cập. Để tổ chức bộ máy của lực lượng Thanh tra xây dựng (TTXD) hoạt động có hiệu lực, đảm bảo tính thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, UBND TP Hà Nội vừa kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho phép Hà Nội được thí điểm thành lập ‘Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận huyện’.

Bộ máy bộc lộ nhiều hạn chế

Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa trên địa bàn Hà Nội đang diễn ra với tốc độ nhanh, các dự án đầu tư, công trình xây dựng gia tăng cả về số lượng và quy mô, đặc biệt các dự án khu đô thị, khu nhà ở, KCN… Vì vậy việc kiện toàn tổ chức bộ máy của lực lượng TTXD là rất cần thiết.

Lực lượng TTXD Hà Nội đã trải qua một quá trình dài kiện toàn bộ máy hoạt động với nhiều lần thay đổi quy mô, tổ chức nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn. Bắt đầu ra đời từ 24/7/2002 sau Quyết định 100/2002/QĐ-TTg thành lập thí điểm Thanh tra chuyên ngành xây dựng TP Hà Nội, tổ chức theo mô hình 2 cấp là cấp TP (Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội) và cấp quận huyện (TTXD quận huyện) và bố trí cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng – đô thị tại các xã, phường, thị trấn. Tiếp đó, ngày 18/6/2007 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 89/2007/QĐ-TTg thí điểm thành lập TTXD quận huyện và TTXD xã, phường, thị trấn tại Hà Nội và TP.HCM. Sau quyết định này, TTXD Hà Nội hình thành 3 cấp là Thanh tra Sở Xây dựng, TTXD quận huyện và TTXD cấp xã, phường, thị trấn với chức năng và nhiệm vụ rõ ràng.

Sau 5 năm tổng kết quá trình thực hiện mô hình thí điểm lực lượng TTXD theo Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg cho thấy, lực lượng TTXD cấp huyện, xã đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị.

Ngày 29/3/2013 Chính phủ ban hành Nghị định 26/2013/NĐ-CP quy định tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Xây dựng. Đến ngày 25/10/2013 UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 46/2013/QĐ-UBND chính thức kiện toàn tổ chức và hoạt động của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội. Theo quyết định này, Hà Nội chỉ còn Thanh tra Sở Xây dựng, cấp quận huyện có Đội TTXD trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng, cấp xã tùy theo từng địa bàn cụ thể để bố trí cán bộ từ đội TTXD cấp huyện về để làm công tác quản lý trật tự đô thị. Như vậy sau khi kiện toàn bộ máy Thanh tra Sở Xây dựng gồm 4 phòng chuyên môn, 2 đội chuyên ngành (số 1, số 2) và 30 đội TTXD quận, huyện, thị xã với 1.527 cán bộ biên chế.

Trong quá trình đánh giá, so sánh thực trạng công tác quản lý TTXD 2 mô hình theo Quyết định 89/2007/QĐ-TTg và Nghị định 26/2013/NĐ-CP đã chỉ ra được nhiều ưu điểm cũng như hạn chế của cả 2 mô hình trên. Theo đó, trong quá trình áp dụng thí điểm mô hình theo Quyết định 89/2007/QĐ-TTg đã đem lại nhiều mặt tích cực hơn. Cụ thể, lực lượng TTXD cấp huyện, xã đã làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng, qua theo dõi tổng hợp kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2011 – 2013 của UBND các quận, huyện, thị xã cho thấy các vi phạm đã được chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng TTXD xử lý kịp thời ngay từ khi phát sinh, tỷ lệ công trình vi phạm tồn đọng thấp so với công trình đã xử lý. Đồng thời, ngoài nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, lực lượng TTXD cấp quận, huyện còn giúp chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự đô thị, quản lý đất đai, GPMB, tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Còn với mô hình theo Nghị định 26/2013/NĐ-CP, cũng chính là mô hình hoạt động của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội hiện nay, tuy được tổ chức thống nhất theo quy định của Luật Thanh Tra 2010, Nghị định 26/2013/NĐ-CP về Thanh tra ngành Xây dựng và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, nhưng trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, bất cấp, các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, quy hoạch kiến trúc có giảm nhưng còn nhiều, đặc biệt tình hình vi phạm có nhiều diễn biến phức tạp tại các vùng ven đô và khu dự án nhà ở, khu đô thị.

Thí điểm mô hình để phù hợp thực tiễn?

Từ thực tế nêu trên, để tổ chức bộ máy của lực lượng TTXD hoạt động có hiệu lực, đảm bảo tính thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho phép Hà Nội được thí điểm thành lập “Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận huyện”.

Theo dự kiến, Đội quản lý trật tự xây dựng – đô thị quận, huyện, thị xã sẽ là cơ quan trực thuộc UBND cấp quận, huyện, thị xã; có chức năng giúp Chủ tịch UBND cấp quận huyện thực thi các quy định của pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn chính của Đội quản lý trật tự xây dựng cấp huyện sẽ là: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị…; thực hiện kiểm tra chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng trên địa bàn về việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, xử lý các hành vi vi phạm; đội trưởng được xử phạt tiền với các hành vi vi phạm; được yêu cầu các cơ quan Nhà nước cung cấp các tài liệu lên quan đến việc xây dựng công trình; lập hồ sơ vụ vi phạm pháp luật trong hoạt động xâydựng của chủ đầu tư và nhà thầu có dấu hiệu cấu thành tội phạm để kiến nghị Chủ tịch UBND xử lý…

Đối với tổ chức bộ máy, biên chế, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận có đội trưởng, không quá 2 đội phó. Đội trưởng và đội phó sẽ do Chủ tịch UBND quận huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật. Biên chế trước mắt được thành lập trên cơ sở tiếp nhận, bàn giao nguyên trạng số lượng công chức, lao động hợp đồng hiện có của 30 đội TTXD quận, huyện, thị xã, đang thuộc thanh tra Sở Xây dựng. Tùy từng tính chất đô thị của mỗi địa bàn để giao đủ biên chế đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật.

Với thực trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn biến ngày một phức tạp như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, việc thay đổi mô hình liệu có phải là vấn đề gốc bởi đây đã là lần thứ 3 Hà Nội thay đổi mô hình hoạt động, từ thí điểm chuyển TTXD quận huyện lên Sở Xây dựng quản lý, rồi đến nay lại chuyển ngược lại? Hà Nội cũng cần ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng để tránh sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng.