Hà Nội: Bao giờ mới xử lý hết nhà “siêu mỏng, siêu méo”?

Trong khi cả thành phố đang “tuyên chiến” với mục tiêu xóa nhà “siêu mỏng, siêu méo” thì có những ngôi nhà cực “siêu mỏng, siêu méo” lại được cấp phép?

Hà Nội: Bao giờ mới xử lý hết nhà “siêu mỏng, siêu méo”?

2 ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” tại ngã tư Lê Văn Lương kéo dài – Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh minh họa

Thực tế trên đang diễn ra tại hai bên tuyến đường Vành đai I, đoạn Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái. Người tham gia giao thông qua đoạn đường này đều không khỏi ngạc nhiên với hàng chục công trình “siêu mỏng, siêu méo” được xây mới, trong khi cả thành phố đang “tuyên chiến” với mục tiêu xóa nhà “siêu mỏng, siêu méo”.

Ông Nguyễn Văn Nam, một người thường xuyên tham gia giao thông trên đoạn đường này đặt câu hỏi, tại sao thành phố đang nỗ lực xóa bỏ nhà “siêu mỏng, siêu méo” thì tại đoạn đường này lại xuất hiện nhiều nhà “siêu mỏng, siêu méo”  được chỉnh trang, xây dựng mới? “Như thế này thì đến bao giờ thành phố mới xóa bỏ được nhà “siêu mỏng, siêu méo” – ông Nam đặt câu hỏi.

Qua tìm hiểu PV được biết, các nhà “siêu mỏng, siêu méo” tại đoạn đường này được chỉnh trang, xây mới bằng Quyết định số 3689/QĐ-QHKT ngày 4/11/2013 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) TP Hà Nội. Quy định tạm thời về quản lý xây dựng kiến trúc các công trình hai bên tuyến đường Vành đai I, đoạn Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái ban hành kèm theo Quyết định số 3689/QĐ-QHKT ngày 4/11/2013 của Sở QK-KT TP Hà Nội nêu rõ:

Các lô đất có diện tích còn lại sau thu hồi cho dự án còn lại dưới 4 m2, UBND TP sẽ thu hồi để chỉnh trang, xây dựng các công trình phục vụ cho mục đích công cộng như: Bảng tin, trạm chờ xe buýt, trạm điện, vườn hoa… Các chủ lô đất tuyệt không được tự ý sang nhượng, lấn chiếm, xây mới hoặc cơi nới.

Các ô đất có diện tích từ 4 m2 đến 15 m2 nhưng có kích thước hình học không hợp lý về sử dụng như: chiều sâu ô đất hoặc chiều rộng ô đất dưới 3m thì chủ công trình được lựa chọn các giải pháp xây dựng chỉnh trang tạm (tuyệt đối không tự ý sang nhượng, lấn chiếm, xây mới hoặc cơi nới), cụ thể:

Cải tạo bắt buộc với quy mô công trình cao 1 tầng và chiều cao công trình không quá 4,5m (tính từ cos cao độ hè đường được duyệt theo quy hoạch)…

Quy định là thế, song, theo quan sát của PV, tại đoạn đường này, có công trình “siêu” của “siêu mỏng, siêu méo” tại 213 phố Lò Đúc vẫn được UBND quận Hai Bà Trưng cấp phép xây dựng. Theo bản vẽ thiết kế, công trình có hình “khẩu súng” có số đo các cạnh: Mặt tiền 2,6 m, mặt hậu chỉ có 0,9 m; tổng diện tích công trình là 11,34 m2.

Theo Giấy phép xây dựng số 314/GPXD do UBND quận Hai Bà Trưng cấp ngày 12/5/2017, công trình được xây dựng  1 tầng, có gác xép. Tổng diện tích sàn 22,68 m2, chiều cao công trình là 4,5m.

Đối chiếu với các quy chuẩn tại Quy định tạm thời về quản lý xây dựng kiến trúc các công trình hai bên tuyến đường Vành đai I, đoạn Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái ban hành kèm theo Quyết định số 3689/QĐ-QHKT ngày 4/11/2013 của Sở QH – KT TP Hà Nội, thì công trình này chỉ được lựa chọn các giải pháp xây dựng chỉnh trang tạm (tuyệt đối không tự ý sang nhượng, lấn chiếm, xây mới hoặc cơi nới). Thế nhưng, công trình này được cấp phép xây mới?

Không chỉ riêng công trình này, mà đoạn đường Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái có tới hàng chục công trình được quản lý theo Quyết định số 3689/QĐ-QHKT. Kết quả khảo sát của UBND quận Hai Bà Trưng cho thấy, trên tuyến đường Vành đai I, đoạn Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái có 53 trường hợp sau giải phóng mặt bằng diện tích đất còn lại không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng. Đến nay đã có 50 trường hợp được quản lý theo hướng dẫn tại Văn bản số 3689/QĐ-SQHKT.

Tại tuyến đường Thanh Nhàn có 20 trường hợp sau giải phóng mặt bằng diện tích đất còn lại không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng, trong đó 17 trường hợp được quản lý theo hướng dẫn tại Văn bản số 3689 và Văn bản số 3382/QĐ-SQHKT của Sở QH – KT Hà Nội; 3 trường hợp còn lại UBND quận Hai Bà Trưng đã hạ độ cao về quy mô 2 tầng, chiều cao khoảng 5,0m.

Theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 6/5/2011 của UBND TP Hà Nội các thửa đất sau khi giải phóng mặt bằng cho dự án làm đường có diện tích dưới 15m2 và có kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu dưới 3m không đủ điều kiện tồn tại, phải thu hồi hoặc hợp thửa, hợp khối.

Trong khi đó, các văn bản hướng dẫn của Sở QH-KT lại quy định “ngược lại”. Theo Văn bản số 3689/QĐ-QHKT ngày 4/11/2013 Quy định tạm thời về quản lý xây dựng, kiến trúc các công trình hai bên tuyến đường Vành đai I, đoạn Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái; Số 264/QĐ-QHKT ngày 20/1/2014 về Quy định tạm thời quản lý kiến trúc, xây dựng công trình hai bên tuyến đường Vành đai I, đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu; Số 3382/QHKT-TTNCKTĐT ngày 25/8/2014 quy định tạm thời về quản lý xây dựng, kiến trúc các công trình hai bên tuyến đường Vành đai II và các tuyến đường giao thông mới mở quy định những mảnh đất dưới 4m2 phải thu hồi, còn từ 5m2 trở lên đến 15m2 được cho phép cải tạo, chỉnh trang với quy mô 1 tầng, chiều cao dưới 4,5m.

Như vậy, cùng giải quyết một vấn đề nhưng lại có sự khác nhau về biện pháp xử lý đối với thửa đất có diện tích nhỏ hơn 15m2 và có một cạnh nhỏ hơn 3m. Ba văn bản trên của Sở QH-KT không thống nhất với nội dung của Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 6/5/2011 của UBND TP Hà Nội. Cũng chính từ khi có ba văn bản hướng dẫn trên của Sở QH-KT, nên công tác xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên địa bàn một số quận có biểu hiện chùng xuống. Nhiều hộ dân ở các quận khác so sánh, viện dẫn văn bản của Sở QH-KT để không thực hiện.

Dư luận đặt câu hỏi, Hà Nội xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” như thế này thì bao giờ mới xong?

Trần Quý