Chuyên gia cho rằng Hà Nội cần cân nhắc kỹ chuyện bán đấu giá các sở ngành ở khu vực nội đô, tránh mật độ dân số đã ở mức cao như hiện nay.
UBND TP. Hà Nội cho biết sẽ bán đấu giá trụ sở một số sở ngành để xây dựng khu liên cơ hành chính thứ 2 tại đường Lê Đại Hành. Các trụ sở dự kiến có thể được bán đấu giá thuộc các sở ngành sắp di dời về khu liên cơ nằm trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ).
Các sở, ngành này gồm: Tài chính, Quy hoạch và kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.
Cần ủy quyền cho cơ quan độc lập bán đấu giá
Trao đổi với Zing.vn, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhấn mạnh 2 vấn đề khi Hà Nội có thể cho bán đấu giá các khu đất được coi là “đất vàng”.
Khu liên cơ trên đường Võ Chí Công mà một số sở ngành sắp di dời về. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thứ nhất, ông Liêm nhấn mạnh đến cách thức đấu giá.
TS. Liêm nói Hà Nội nên giao cho một cơ quan độc lập tổ chức bán đấu giá các lô đất theo cơ chế thị trường một cách công bằng. Khi đó, UBND TP. Hà Nội chỉ giữ vai trò là người giám sát. Các cơ quan được ủy quyền có thể là một doanh nghiệp bán đấu giá, hoặc một tổ chức độc lập.
Cũng theo TS. Liêm, khi có cơ quan độc lập tổ chức bán đấu giá sẽ tránh được tiêu cực, cũng như những vấn đề phức tạp có thể xảy ra khi bán đấu giá.
“Tổ chức độc lập bán đấu giá đất sẽ tạo hiệu quả cao trong công tác đấu giá. Ngoài ra, nếu UBND TP. Hà Nội tự bán đấu giá, tự giám sát chính mình là điều không nên”, TS. Liêm nhấn mạnh.
Điều thứ hai, TS. Liêm cho rằng cho dù Hà Nội bán đấu giá đất, hay cho thuê hoặc làm gì thì các trụ sở để lại sau khi di dời cần thực hiện mục đích theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Thủ đô hiện nay đã có quy hoạch tổng thể vùng lõi và trung tâm. Nếu khu vực đó được phép làm chung cư thì mới làm, nếu không có quy hoạch tuyệt đối không nên làm.
Trụ sở Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội trên đường Tràng Thi. Ảnh: Hiếu Công. |
Ngoài ra, nếu quy hoạch cho phép xây dựng trường học, bệnh viện hay công viên thì phải tuân thủ.
Có nên bán đấu giá các khu “đất vàng”?
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng UBND TP. Hà Nội không nên bán đấu giá các khu đất vàng. Thay vào đó, thủ đô nên xây dựng các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, công viên…
Lý do ông Đính đưa ra là nếu tổ chức bán đấu giá các khu đất vàng sẽ thu về được số tiến rất lớn. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư chịu bỏ ra số tiền lớn để mua đất, họ phải xây dựng công trình để khai thác một cách tối đa công năng sử dụng, qua đó có thể làm tăng mật độ dân số khu vực trung tâm Hà Nội.
“Khi đấu giá thành công, các doanh nghiệp có thể xây chung cư, nhà cao tầng, tòa nhà văn phòng… Một trụ sở chuyển đi ra ngoài vùng ven, thay vào đó là một công sở khác thì không thể giải quyết mục đích của việc di dời các sở ngành. Thậm chí, công sở khác thay thế còn có mật độ và số lượng người cao hơn”, ông Đính phân tích.
Chuyên gia cho rằng mật độ khu vực trung tâm đã quá chật chội, không nên bán đấu giá các khu đất vàng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngoài ra, ông Đính cho rằng khi các sở ngành dần chuyển khỏi nội đô sẽ phần nào giảm tải về mặt dân số và giao thông. Bởi khi giảm đi đáng kể lượng người đến giao dịch, làm việc tại các cơ quan sở ngành, nhà chức trách có thể xây dựng các công trình công cộng vào các khu vực đã được di dời, giảm mật độ dân số ở nội đô.
Khi được hỏi, làm thế nào để UBND TP. Hà Nội có tiền để xây dựng khu liên cơ thứ 2 nếu không bán đấu giá đất vàng, ông Đính cho rằng có thể áp dụng cơ chế đổi đất lấy hạ tầng tại các khu vực vùng ven hoặc khu vực không chịu áp lực về giao thông và hạ tầng.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội có thể kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu liên cơ hành chính và nhà đầu tư sẽ nhận lại một khu đất ở vùng ven tương xứng với số tiền bỏ ra, thay vì bán các khu đất vàng hiện tại, góp phần giảm tải về hạ tầng và giao thông.