Hà Nội sẽ tái lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị

Chính phủ đồng ý cho phép TP Hà Nội thí điểm tổ chức Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện trong 2 năm.

Mô hình Đội quản lý trật tự xây dựng đặt ở quận, huyện được cho là sẽ mang lại hiệu quả kiểm soát cao hơn

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2017, Chính phủ đã thống nhất, trong khi chưa sửa đổi Nghị định số 26/2013/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, Chính phủ đồng ý cho phép thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện tại TP Hà Nội. Tuy nhiên, nội dung thí điểm phải bảo đảm không trái với quy định của các luật liên quan. Thời gian thực hiện thí điểm trong 2 năm.

Chính phủ giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án thí điểm tổ chức Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện tại TP Hà Nội. Trong đó, cần làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử phạt, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác với Thanh tra Sở Xây dựng và cơ quan liên quan, bảo đảm không tăng biên chế; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo các chuyên gia, chuyển đội ngũ quản lý trật tự xây dựng đô thị về địa phương là giải pháp tốt. Bởi rõ ràng, đội ngũ này “nằm” tại địa bàn sẽ bám sát cơ sở hơn, dễ phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm xây dựng. Thực tế, số giấy phép xây dựng do quận, huyện cấp chiếm số lượng lớn nhưng lực lượng kiểm tra lại mỏng, khó kiểm soát hết.

Trước đây, đội ngũ quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội đặt ở quận huyện. Từ cuối năm 2013, đầu năm 2014, thực hiện Nghị định 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng, có hiệu lực từ ngày 15-5-2013, TP Hà Nội đã phải làm thủ tục, hồ sơ tiếp nhận – bàn giao lực lượng Thanh tra Xây dựng (từ các quận, huyện, thị xã) về Sở Xây dựng đối với 1.364 cán bộ, công chức trong danh sách đủ điều kiện tiếp nhận theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Thanh tra Xây dựng thành phố hình thành các đội thanh tra xây dựng quận, huyện để quản lý địa bàn.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động thời gian qua cho thấy, mô hình này dần xuất hiện nhiều bất cập. Sự phối hợp giữa lực lượng quản lý trật tự xây dựng và chính quyền cấp xã, huyện còn thiếu chặt chẽ nên hiệu quả xử lý vi phạm chưa cao; số vụ vi phạm, đặc biệt là các vụ việc nghiêm trọng không giảm.

Do đó, để quản lý trật tự xây dựng và hoạt động của Thanh tra Xây dựng hiệu quả, thống nhất, phân định rõ trách nhiệm, TP Hà Nội đã chỉ đạo Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã rà soát, đề xuất thành phố mô hình quản lý hiệu quả; trực tiếp chỉ đạo, điều hành Đội thanh tra xây dựng địa bàn; kiểm tra, phát hiện, đề xuất xử lý vi phạm về Thanh tra Xây dựng. Sở Xây dựng hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý biên chế của lực lượng này…

Tất nhiên, dù có điều chỉnh lại tổ chức bộ máy nhưng nếu thành phố không cá thể hóa được trách nhiệm thực thi công vụ thì khó hạn chế được vi phạm. Cùng quan điểm này, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, địa bàn nào để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, cán bộ phụ trách địa bàn đó sẽ bị đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm. Trường hợp buông lỏng quản lý, để xảy vi phạm, cán bộ đó sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Nếu thực hiện được quy định này, chắc chắn trách nhiệm của cán bộ quản lý trật tự xây dựng sẽ khác và tỷ lệ công trình vi phạm sẽ giảm.