Trong đó, dự án có quy mô lớn nhất là Dự án Nhà máy Sản xuất cần câu cá của Nhà đầu tư Forward Grow Corp tại Lô CN-01, Cụm công nghiệp Đoàn Tùng, xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, với diện tích sử dụng đất 18.896m2. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 132 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm.
Tiếp đó là Dự án Nhà máy Tái chế giấy thải làm nguyên liệu sản xuất bao bì Carton tại Lô đất CN3, Cụm công nghiệp Ba Hàng, TP. Hải Dương của Công ty CP Đầu tư xây lắp Toàn Cầu, với diện tích sử dụng đất là 16.046 m2. Tổng vốn đầu tư Dự án là 108,932 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của Dự án là 25 năm.
Dự án thứ 3 là Dự án Cơ sở sản xuất, kinh doanh máy móc và các thiết bị xử lý môi trường của Công ty CP Công nghệ môi trường xanh MHB tại khu đất phía Đông Quốc lộ 17B, xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, với diện tích là 18.425m2. Tổng mức đầu tư là 90 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của Dự án là 25 năm.
Ngoài các dự án này, UBND tỉnh Hải Dương đang xem xét việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số dự án khác như: Rạp chiếu phim Thống Nhất, chợ Chi Lăng.
Trong đó, Rạp chiếu phim Thống Nhất (còn gọi là Rạp chiếu phim Thiếu nhi) nằm trên đại lộ Hồ Chí Minh, được đầu tư xây dựng từ thập niên 70 của thế kỷ XX, nay đã lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng và hầu như không hoạt động. Do đó, theo UBND tỉnh Hải Dương, việc xem xét chấp thuận cho các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tiến hành nghiên cứu và đầu tư xây dựng mới rạp chiếu phim theo hướng hiện đại, có chất lượng cao và đầy đủ tiện ích là rất cần thiết.
Đối với Dự án Đầu tư xây dựng mới chợ Chi Lăng trên nền đất hiện có, UBND tỉnh Hải Dương đang cân nhắc giữa 2 phương án giao cho UBND TP. Hải Dương làm chủ đầu tư hay là hợp tác xã Chi Lăng (đơn vị đề xuất Dự án). Hiện chợ Chi Lăng (phường Nguyễn Trãi, TP. Hải Dương) là chợ dân sinh truyền thống, được xây dựng từ nhiều năm trước, nay đã xuống cấp trầm trọng, không bảo đảm về mỹ quan đô thị, an toàn vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Chợ hiện có 116 hộ kinh doanh có hợp đồng cố định và khoảng gần 200 hộ kinh doanh không thường xuyên.