Hô biến đất rừng thành dự án ma: Bánh vẽ ‘một vốn bốn lời’(1)

Với những lời tung hô hứa hẹn về việc dự án sớm được triển khai cũng như những lợi ích mà khách hàng có được, nhiều người đã xuống tiền dưới hình thức góp vốn. Vậy thực chất dự án này là gì?

Những năm 2011, khi thị trường bất động sản đang trở nên nóng, các hoạt động xây dựng mua bán diễn ra rầm rộ đã có nhiều người “ăn nên làm ra” từ những khoản đầu tư vào thị trường này.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người ngậm trái đắng. Trong đó phải kể đến dự án “ma” khu biệt thự nghỉ dưỡng 4 sao Casablanca Villas Đại Lải do Công ty cổ phần Công nghiệp Việt Nam liên kết (VinaLinks) vẽ ra.

Với những lời tung hô hứa hẹn về việc dự án sớm được triển khai cũng như những lợi ích mà khách hàng có được, nhiều người đã xuống tiền dưới hình thức góp vốn. Thế nhưng, từ năm 2011 đến nay, khách hàng ngớ người khi đi sâu tìm hiểu về cái được gọi là “dự án” này.

Khu đất rừng được rêu rao là dự án biệt thự 4 sao.

Công ty cổ phần Công nghiệp Việt Nam liên kết (Vinalinks) được thành lập năm 2004 tại Hà Nội. Sau nhiều lần chuyển trụ sở từ tòa nhà Charm Vit Tower (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy) rồi đến tòa nhà số 1 phố Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) và cuối cùng tọa lạc tại tầng 3 tòa nhà Sông Hồng (68 Lê Văn Lương, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội).

Trong phần giới thiệu về mình, trên website của công ty thể hiện, từ năm 2007 Công ty Vinalinks là một công ty đầu tư và kinh doanh bất động sản uy tín và chuyên nghiệp.

Sự hình thành và phát triển lĩnh vực bất động sản của công ty là một hệ quả tất yếu khi xâm nhập vào sự phát triển chung của nền kinh tế thị trường trong xu thế ngày càng đa dạng, đa chiều.

Lợi thế so sánh của công ty là tiềm lực tài chính vững mạnh; ưu thế sử dụng một cách hiệu quả những mối quan hệ hợp tác với nước ngoài; khả năng tiếp cận tốt với các Quỹ đầu tư trong và ngoài nước cùng các đối tác đầu tư sâu rộng; và quy trình quản lý khoa học, tiếp cận với các chuẩn mực Quốc tế về quản trị kinh doanh và phát triển thương hiệu.

Tuy nhiên trái ngược với những lời mĩ miều tự đánh bóng bản thân, công ty này lại có một dự án bị nhiều khách hàng “tố” là lừa đảo.

Theo bà Nguyễn Thị H., trú tại Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, năm 2011 bà được ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Vinalinks giới thiệu là đang triển khai dự án Casablanca Villas Đại Lải có diện tích 3,7ha nhằm xây dựng dự án quần thể biệt thự sinh thái phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 4 sao tại thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Do tin tưởng vào sự giới thiệu của chủ đầu tư cùng những lời hứa “chắc chắn” dự án sẽ được triển khai nên bà H. đã “xuống tay” ký hợp đồng góp vốn số tiền gần 1,3 tỷ đồng với Công ty Vinalinks.

Hồ sơ điều tra - Hô biến đất rừng thành dự án ma: Bánh vẽ ‘một vốn bốn lời’(1) (Hình 2).

 Đất rừng nhưng không được trồng cây.

Khi chuyển toàn bộ số tiền nói trên, bà H. đã nhiều lần yêu cầu phía công ty Vinalinks cung cấp những hồ sơ tài liệu liên quan đến việc thực hiện dự án cũng như tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty này đã không có một bất kỳ phản hồi nào.

Đi sâu tự tìm hiểu, bà Hằng mới ngớ người về diện tích đất được Công ty Vinalinks  gọi với cái tên đầy mĩ miều là “Dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng 4 sao Casablanca Villas Đại Lải” thực chất là đất lâm nghiệp, và cũng không có dự án nào được các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt có tên và địa chỉ như Vinalinks tự rêu rao.

Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, diện tích 3,7ha mà Công ty Vinalinks vẽ lên dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng 4 sao Casablanca Villas Đại Lải nằm tại lô S3 khoảnh II, thôn Thanh Cao xã Ngọc Thanh (Thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Khu đất này là đất lâm nghiệp được Hạt kiểm lâm Thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) giao cho ông Lê Văn Hữu (xã Ngọc Thanh) quản lý.

Sau đó, ông Hữu đã chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Vinalinks. Đến ngày 28/7/2010, UBND thị xã Phúc Yên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BC231306 cho ông Nguyễn Tuấn Anh với diện tích là 3,7ha, thuộc đất lâm nghiệp với mục đích là trồng rừng và không được chuyển đổi mục đích sử dụng khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, cho đến nay toàn bộ diện tích trên vẫn là đất lâm nghiệp.

Ông  Lưu Văn Cường, cán bộ địa chính xã Ngọc Thanh (Thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, sau khi tiến hành mua bán và làm giấy chứng nhận cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp, chủ rừng cũ và mới cũng không đến thông báo cho chính quyền địa phương, vì thế hồ sơ sổ sách theo dõi về phần diện tích đất này UBND thị xã quản lý.

“Theo luật, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp thì chủ rừng phải đến thông báo với cán bộ quản lý địa chính tại địa phương để vào sổ theo dõi quản lý. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà trường hợp này lại có sự khác biệt như thế…”, ông Cường chia sẻ.

(Còn nữa…)

Xuân Hòa