Để lấy lòng tin của khách hàng, Vinalinks đã hô biến thông báo của UBND thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) thành… quyết định. Việc làm này nhằm mục đích gì?
Như ở kỳ trước báo Người Đưa Tin đã phản ánh trong bài viết “Hô biến đất rừng thành dự án ma: Bánh vẽ ‘một vốn bốn lời’(1) và bài viết “Hô biến đất rừng thành dự án ‘ma’: Địa phương nghe tên phải giật mình”, càng đi sâu tìm hiểu hoạt động của công ty cổ phần công nghiệp Việt Nam liên kết (Vinalinks), PV không khỏi giật mình, khi công ty này trưng ra một loạt tài liệu được “hô biến” để khách hàng tin tưởng đặt bút ký hợp đồng và chuyển tiền.
Việc “biến hoá” những giấy tờ tài liệu liên quan đến diện tích đất rừng khiến khách hàng tin tưởng tuyệt đối thể hiện sự cao tay và có sự tính toán của chủ đầu tư ở dự án “ma” này.
Thông báo 974 được công ty Vinalinks hô biến thành quyết định.
Một trong những văn bản được công ty Vinalinks dẫn ra trong các hợp đồng góp vốn ký với khách hàng là việc công ty này căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BC231306 cấp ngày 27/8/2010 cho ông Nguyễn Tuấn Anh cho diện tích đất 37 nghìn m2.
Căn cứ vào “quyết định” số 974/HC-UBND của UBND thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) ký ngày 30/12/2010 cho phép cải tạo lô đất trên.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV được biết, cụ thể “quyết định” mà công ty Vinalinks viện dẫn trong các hợp đồng góp vốn thực chất chỉ là một thông báo của UBND thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) liên quan đến việc cải tạo rừng.
Theo đó, thông báo 974 của UBND thị xã Phúc Yên nêu rõ: “Đồng ý cho ông Nguyễn Tuấn Anh cải tạo rừng từ rừng trồng sản xuất sang trồng rừng sản xuất, kết hợp sản xuất nông lâm ngư nghiệp với diện tích 3,7 ha tại lô S3, khoảnh II, tờ bản đồ giao đất lâm nghiệp, thuộc thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh…
Diện tích được cải tạo phục vụ cho sản xuất nông lâm kết hợp, xây dựng hạ tầng tối đa không quá 30%, diện tích chưa có rừng theo Quyết định 186 ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng.
Việc cải tạo rừng trồng kết hợp với sản xuất nông lâm ngư nghiệp, chủ rừng phải thực hiện theo đúng kế hoạch, quy hoạch đảm bảo sản xuất hiệu quả, đảm bảo môi trường, tự chịu trách nhiệm về sản xuất kinh doanh, chấp hành đầy đủ quy định pháp luật của Nhà nước và địa phương”.
Vinalinks được cho là lập lờ việc cung cấp thông tin cho khách hàng.
Công ty Vinalinks hô biến một thông báo hành chính về việc chấp thuận cho chủ rừng là cá nhân được phép cải tạo rừng từ trồng rừng sản xuất đơn thuần sang trồng rừng kết hợp hợp sản xuất nông lâm ngư nghiệp, chứ không phải là một quyết định như theo thể thức văn bản quy phạm pháp luật mà Nhà nước quy định. Không hiểu vì lý do gì mà Công ty Vinalinks lại “hô biến” thông báo thành quyết định để “lòe” các nhà đầu tư?
Ngoài ra, trong các bản hợp đồng ký kết với khách hàng, Vinalinks mập mờ khi chỉ ghi chung chung là căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng 37 nghìn m2 đất cho ông Nguyễn Tuấn Anh, chứ không nêu cụ thể việc giấy chứng nhận BC231306 là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Điều này cũng góp phần làm cho khách hàng thêm tin tưởng.
Chính sự mập mờ này khiến nhiều nhà đầu tư tin tưởng và xuống tiền đầu tư.
(Còn nữa…)