Học cách trân trọng khoảng trống

Những khoảng trống xung quanh một khu đô thị hay trong một khu nhà ở luôn có một vai trò hết sức cần thiết, trở thành khoảng hít thở mang tính sống còn giúp người ta nghỉ ngơi, thư giãn sau thời gian làm việc mệt nhọc.

Từ quy hoạch đến kiến trúc, nội thất hay cảnh quan, suy cho cùng đều phải hướng đến mục tiêu tạo ra khoảng trống hữu ích, xử lý khoảng trống và tận hưởng những tiện ích về môi trường do những khoảng trống mang lại.
Người ta hay nói nhiều về những kiệt tác kiến trúc, những ngôi biệt thự độc đáo, những công trình hoành tráng… nhưng có lẽ ít các tư liệu kiến trúc định hướng rõ ràng rằng nếu thiếu những khoảng trống hợp lý chung quanh và ngay bên trong công trình thì làm sao có thể tiếp cận, sử dụng được công trình đó, làm sao đủ khoảng lùi để cảm thụ được công trình đẹp hay xấu. Những khoảng trống mà với những ai chỉ chú trọng yếu tố mét vuông sử dụng hay xem là lãng phí nhưng thực tế không thể bàn cãi vai trò góp phần tạo nên không gian sống đầy thú vị.
Hiểu giá trị để tạo ra khoảng trống
Có thể phân chia khoảng trống công trình ra thành ba loại theo mục đích sử dụng và vai trò đóng góp về không gian cũng như thẩm mỹ:
– Khoảng an toàn: Hiểu nôm na là khoảng lộ giới được phép xây dựng, hoặc khoảng thông hành địa dịch giữa các nhà với nhau. Không ít gia chủ nhiều khi vẫn kỳ kèo thêm bớt vài mét vuông ở những khoảng này khi xin phép xây dựng mà quên đi vai trò quan trọng nhằm bảo đảm an toàn giữa nhà với nhà, đảm bảo thoát hiểm khi có sự cố, chống cháy lan truyền, giảm tầm nhìn xoi mói, tránh ảnh hưởng của kết cấu nhà này với nhà khác (gây lún nứt, ảnh hưởng đường ống kỹ thuật chung và riêng…). Khoảng lùi này tuỳ theo lộ giới còn cho phép từ bên ngoài có thể chiêm ngưỡng hình khối kiến trúc một cách toàn vẹn, giúp bố trí đường đi, vỉa hè, cây xanh xung quanh công trình, đồng thời gia tăng tiện ích và đảm bảo an toàn khi xe cộ ra vào, dành chỗ cho thoát hiểm cũng như tập trung người khi cần thiết.
Khoảng thông tầng trở nên nhiều ý nghĩa nếu biết khéo khai thác lợi thế chiều cao, ánh sáng và điểm nhấn nội thất. Khi điều kiện phố thị chật chội, sân thượng, giếng trời, bancông là những khoảng trống hiếm hoi cần khai thác hiệu quả
– Khoảng liên thông ngang: Có thể là bên ngoài nhà (sân vườn) hoặc cả bên trong nhà mà không quy vào mét vuông phòng ốc sinh hoạt cụ thể. Đây còn là các tuyến hành lang, cầu thang, nút giao thông (sảnh tầng, sảnh trước thang máy…) kết hợp thông thoáng, lấy sáng và dẫn dắt tầm nhìn. Nếu thiết kế nhà cửa theo kiểu tận dụng tối đa, thu nhỏ khoảng trống liên thông ngang giữa các không gian với nhau thì hầu như sẽ triệt tiêu mọi khả năng kết nối không gian, điều mà lối nhà ở kiểu “phòng trọ”, ngăn chia vụn vặt hay mắc phải. Ngay trong lĩnh vực thiết kế trụ sở, văn phòng làm việc, xu hướng không gian liên hoàn, dùng vách ngăn nhẹ đã chứng minh tính ưu việt về tầm nhìn và tính kinh tế hơn hẳn kiểu chia phòng, làm hành lang, đóng kín cửa.
– Khoảng thông tầng đứng: Là khoảng trống thông từ tầng này đến tầng kia hoặc thông suốt các tầng lên đến mái. Dĩ nhiên không phải và không bắt buộc nhà nào cũng có dạng khoảng trống này, nhưng lịch sử kiến trúc đã ghi nhận vô vàn công trình lớn nhỏ có được không gian hấp dẫn, thoáng đãng, hữu ích nhờ khoảng thông tầng đứng. Từ những sảnh thông tầng hoành tráng ở bảo tàng, thư viện hay khách sạn, đến khoảng thông thiên kiểu giếng trời trong nhà ống, dễ nhận thấy sự thay đổi về chiều cao và tầm nhìn giúp nơi đây luôn là điểm nhấn hiếm hoi có thể phô diễn nét đẹp về không gian, sự thoáng đãng tầm nhìn, khả năng trang trí mang tính khác biệt. Căn hộ penthouse có lửng, nhà phố trệt có lửng kết hợp buôn bán… luôn có giá cao hơn là những không gian đóng hộp đều cả về chiều rộng lẫn chiều cao. Kiểu nhà lệch tầng cũng là biến thể thú vị của việc xử lý khoảng trống, kết hợp cầu thang với giếng trời giúp cho ngôi nhà được thông thoáng hơn nhờ đối lưu không khí xuyên suốt giữa các tầng bên trong nhà.
Xử lý khoảng trống
Khoảng trống như vậy rõ ràng không chỉ là… khoảng để trống. Khi những khoảng trống hữu ích, tự thân chúng trở thành vùng không gian đòi hỏi chăm chút và xử lý đúng mức, đôi khi còn tốn công tốn của hơn làm một phòng ốc đơn thuần. Có người nói vui rằng một resort đẹp là biết làm những khoảng trống hấp dẫn giữa mấy ngôi nhà lá đơn sơ, quả không sai! Trong thực tế, thiết kế và xây dựng nhà ở, có những “công cụ” phổ biến mà giới chuyên môn thường dùng để xử lý khoảng trống, cụ thể là:
– Vật liệu: bản thân vật liệu không làm nên khoảng trống, mà cách dùng vật liệu có kiểm soát và phối kết tốt sẽ giúp các khoảng trống đẹp hơn, hiệu quả hơn. Ví dụ giữa phòng ăn và phòng khách thay vì xây tường, nếu thay bằng mấy thanh lam gỗ nhẹ nhàng thì tạo nên được một “bình phong” ngăn thoáng. Hay một hành lang dài hun hút sẽ bớt đơn điệu khi xử lý lát gạch có nhấn nhá theo quy luật dẫn dắt thị giác. Tạo ra khoảng trống về cơ bản là để ngắm nhìn, đi lại, hít thở… do vậy vật liệu sử dụng cần đơn giản và thống nhất, tránh biến khoảng trống thành khoảng… đặc nghẹt vật liệu và đồ đạc!
– Cây xanh: chất liệu thuần tuý thiên nhiên này mang đến sức sống cho khoảng trống mà không có vật liệu nhân tạo nào thay thế được. Không chỉ bổ sung yếu tố thư giãn, gần gũi thiên nhiên, cây xanh đặt trong khoảng trống một cách hợp lý còn là điểm nhấn đầy sức sống, điểm định hướng không gian hiệu quả và chuyển tải cả những ý nghĩa tâm linh, phong thuỷ sâu sắc. Hầu như không một tiền sảnh nào, lối vào nào của mọi ngôi nhà Việt ngày tết mà thiếu một vài chậu cây điểm xuyết, trang hoàng. Tuy nhiên, việc chăm sóc và bảo dưỡng cây xanh cũng là một vấn đề cần có điều kiện chuyên môn và tâm sức đúng mức, cho nên một số chủ đầu tư đã phải “vay mượn” thêm các tiểu tiết trang trí nhân tạo khác, như hoa giả, tiểu cảnh khô, tượng trang trí… miễn sao đem lại sức sống và tính độc đáo cho các khoảng trống trong công trình.
– Mặt nước: cùng “họ hàng” với cây xanh, mặt nước (rộng hay hẹp) phía trước hoặc bên cạnh công trình luôn là giải pháp xử lý mang tính hữu cơ, gắn bó với môi trường thiên nhiên mà ngôi nhà từ truyền thống tới hiện đại, từ đông sang tây đều áp dụng lâu nay. Tuỳ theo quy mô, mức độ bố trí nước sử dụng mà chi phí đầu tư có sự khác nhau, ít thì làm non bộ, hồ bán nguyệt nhỏ nhắn chỉ đủ để… nàng rửa chân, nhiều thì cả một hồ cảnh quan, suối nhân tạo chảy rào rạt như các khu du lịch cao cấp. Mặt nước trong công trình hiện đại còn có thể bao gồm cả các hạng mục khác lạ như đài phun nước hay thậm chí là hồ bơi, miễn sao hài hoà cảnh quan, đem lại sự hấp dẫn, hữu dụng cho khoảng trống, đồng thời được… chủ đầu tư chấp thuận. Việc xử lý bằng giải pháp nước cũng đòi hỏi sự quan tâm, bảo trì, chăm sóc đối với những công đoạn kỹ thuật liên quan.
– Lối đi – chỗ ngồi – chòi nghỉ…: hay nói chung là tập hợp những tiểu tiết mang tính hữu dụng mà một không gian cần có để cung cấp thêm tiện ích và tăng thẩm mỹ cho khoảng trống. Đặt ghế ngồi, chòi nghỉ chân, tiểu cảnh ngoài sân là những giải pháp xử lý thông dụng vì vừa kết nối các khu vực chức năng lại với nhau qua không gian giao thông, vừa mở rộng công năng ra các khoảng trống. Cấu tạo của lối đi thường rất phong phú với nhiều loại vật liệu thiên nhiên lẫn nhân tạo như đá, sỏi, gạch, hay thậm chí chỉ là thảm cỏ dắt lối bằng thớt đá… tuy chỉ là tiểu tiết nhưng lại đóng vai trò “múa minh hoạ” cho “ca sĩ chính” là công trình được tôn lên vẻ đẹp và cá tính riêng. Do vậy, rất cần có sự cân đối với hình thức và phong cách kiến trúc của bản thân ngôi nhà cũng như các công trình lân cận sao cho phù hợp.
Tận hưởng khoảng trống
Thông thường thì người ta hay quan tâm đến việc tận hưởng những tiện nghi trong nhà chứ ít ai nói đến việc tận hưởng khoảng trống bao giờ? Ấy vậy mà khoảng trống lại luôn là một không gian giúp con người thư giãn nhất, phục hồi sức khoẻ nhanh nhất. Từ khoảng sân trước nhà tập thể dục, cho đến không gian hồ bơi hay hàng hiên ngắm cảnh, giá trị của những ngôi nhà nhiều khi khác biệt nhau chính ở cách tạo khoảng trống và biết tận hưởng khoảng trống như thế nào. Gặp điều kiện nhà phố hầu như các mặt đều bị công trình và khói bụi, ồn ào vây kín, những khoảng sân thượng có chăm chút cây xanh sẽ đem lại cho gia chủ một không gian thoáng đãng hiếm hoi nhằm tái tạo sức lao động sau một ngày mệt nhọc. Xanh hoá mái bằng, giảm nóng giảm thấm nhờ bố trí mái hai lớp, mái xanh… là những giải pháp tạo ra và hưởng thụ khoảng trống theo chiều đứng đầy hiệu quả.
Từ nhu cầu hưởng thụ khoảng trống, chính các gia chủ hơn ai hết phải là người đặt hàng cho nhà chuyên môn xem xét, tính toán, bố trí khoảng trống hữu dụng cho mình. Đừng để làm nhà hoành tráng xong mới phát hiện nhà mình thiếu khoảng lùi để ngắm, khoảng trống để thở hay khoảng hở để đón gió trời. Cân bằng âm dương trong môi trường sống suy cho cùng không ở đâu cao siêu vô hình, mà chính nằm ở cách phân bố đặc rỗng, chính phụ một cách hợp lý. Hết phòng ra sân, hết sân vào nhà, nắng chiếu mưa sa ắt có hàng hiên, bụi bặm oi bức phải nhờ giếng trời, ngôi nhà truyền thống không có nhiều điều kiện kỹ thuật cao cấp nhưng đã khéo nương tựa thiên nhiên, tạo ra các khoảng đệm, khoảng trống có tính chất đóng mở hợp lý, chuyển tiếp hợp tình, tránh bên ngoài xông vào nhà đột ngột, tránh từ trong bước ra hụt hẫng. Những khoảng trống bên hiên nhà, hàng ba, bậc thềm… luôn là bài học tổ chức không gian quý giá mà cha ông truyền lại, sang thời đại mới không hề giảm đi giá trị nhân văn và thiên nhiên, khá phù hợp với xu hướng kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững hiện nay.
(Theo SGTT)

 

Trả lời