Khởi sắc Vĩnh Phúc

Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập từ ngày 1.1.1997 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX. Những năm qua, nhờ có chủ trương, hướng đi đúng đắn và được người dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ, Vĩnh Phúc đã thực sự bứt phá và có nhiều khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực.

Kinh tế phát triển vượt trội

Đến nay, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 1997-2016 của tỉnh đạt 15,37%/năm (có năm đạt hơn 20%). Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch khá nhanh, khu vực đầu tư nước ngoài tăng từ 8,5% (năm 1997) lên 45% (2016); tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 18,4% (1997) lên 61,97% (2016). Giá trị GRDP bình quân đầu người năm 1997 mới chỉ đạt 2,18 triệu đồng/người, đến 2007 đã cao hơn so mức bình quân cả nước, đến năm 2016 đạt 72,3 triệu đồng/người/năm.

Thành phố Vĩnh Yên xanh

Về hạ tầng giao thông, năm 1997, toàn tỉnh có 4 tuyến quốc lộ dài 109km, trong đó, 99km mặt đường đá dăm nhựa bị hư hỏng nặng và 10km đường đất cấp phối. Đến nay, 100% các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh đều được cứng hóa. Hệ thống đường giao thông nông thôn phát triển mạnh, đến nay đã có 4,2 nghìn km đường giao thông nông thôn và hơn 2,1 nghìn km đường giao thông nội đồng được cứng hóa với tỷ lệ 90,1% và 55%.

Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, năm 1998, toàn tỉnh chỉ có 8 dự án FDI và 1 dự án DDI. Đến nay đã thu hút được 856 dự án, gồm 227 dự án FDI với số vốn đăng ký 3,4 tỷ USD và 629 dự án DDI với số vốn đăng ký 49,2 nghìn tỷ đồng. Năm 1998, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 khu công nghiệp, với quy mô 50ha, đến nay, đã có 19 danh mục khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ưu tiên phát triển, với diện tích 5,5 nghìn ha, trong đó, đã có 11 khu được thành lập, với diện tích quy hoạch 2,3 nghìn ha.

Một góc Khu công nghiệp Khai Quang, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc

Về thu ngân sách nhà nước, năm 1997, kết quả thu đạt 114 tỷ đồng, đến năm 2002 vượt mốc 1 nghìn tỷ đồng, năm 2016 đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 280 lần so với 1997). Đặc biệt từ năm 2004, Vĩnh Phúc từ một tỉnh phải nhận trợ cấp ngân sách trung ương đã vươn lên là một trong số ít các địa phương tự cân đối và có đóng góp cho ngân sách trung ương.

Đẩy mạnh chất lượng giáo dục đào tạo

Bên cạnh phát triển kinh tế – xã hội, Vĩnh Phúc luôn xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách. Những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh có nhiều bước phát triển vượt trội. Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 của toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014. Sau 20 năm tái lập tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh tiếp tục hoàn thành tốt đồng thời 3 nhiệm vụ “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Trong đó, công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi tiếp tục đạt thành tích xuất sắc. Số lượng và chất lượng học sinh giỏi cấp tỉnh tiếp tục tăng ở các cấp học; kết quả thi học sinh giỏi văn hóa lớp 12 cấp quốc gia ổn định và đạt thứ hạng cao; học sinh Vĩnh Phúc liên tục khẳng định thế mạnh trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực. Số lượng học sinh Vĩnh Phúc trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong những năm gần đây vượt trội về chất lượng. Vĩnh Phúc có 9 trường THPT trong top 200, 5 trường trong top 100 của cả nước, tăng 3 trường so với năm 2013.

Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa

Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo công tác an sinh xã hội, Vĩnh Phúc còn đặc biệt quan tâm đến bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử. Nhiều công trình văn hóa, tâm linh, phúc lợi trên địa bàn tỉnh được khởi công, đưa vào sử dụng như: Quảng trường Hồ Chí Minh, nhà hát tỉnh, khu trung tâm lễ hội Tây Thiên… Vĩnh Phúc có tháp Bình Sơn, khu danh thắng di tích Tây Thiên được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Thiêng liêng tháp cổ Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cũng đã triển khai một số dự án tu bổ, tôn tạo di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Sau khi tu bổ, tôn tạo, một số di tích đã đem lại hiệu quả hoạt động tích cực, khơi dậy niềm tự hào và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong nhân dân như di tích Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên; các chùa Hà Tiên, Bảo Sơn, Biện Sơn…; đền Quốc Mẫu Tây Thiên, đền Thượng; các đình Trung Nguyên, Thiệu Tổ, Ngoại Trạch… Đặc biệt năm 2015, Vĩnh Phúc đã khánh thành và đưa vào sử dụng công trình Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu. Trung tâm đã tiến hành nghi lễ phủ bia ghi danh 91 vị khoa bảng đỗ đại khoa qua các triều đại quân chủ và triển khai nghiên cứu tài liệu, hiện vật về lịch sử danh nhân khoa bảng làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch và làng Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên.

Ngoài ra, những giá trị văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên mảnh đất văn hiến lâu đời với nhiều lễ hội tiêu biểu, những món ăn đặc sản địa phương, những nét sinh hoạt văn hóa riêng biệt của đồng bào các dân tộc Kinh, Sán Dìu, Cao Lan… được lưu giữ và phát huy đã góp phần tạo nên một Vĩnh Phúc đậm đà bản sắc dân tộc.
Với những thế mạnh về kinh tế, tiềm năng dồi dào về văn hóa truyền thống, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân

Vĩnh Phúc đang tiếp tục nỗ lực, phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI và trở thành một trong những tỉnh phồn vinh nhất miền Bắc như lời căn dặn của Hồ Chủ tịch khi Người về thăm Vĩnh Phúc, ngày 2.3.1963.

Bài: Thúy Nga – Ảnh: Khánh Linh