Không gian linh hoạt trong nhà ở

Nhu cầu của con người luôn luôn thay đổi theo chiều hướng phức tạp và đa dạng hơn. Trên lĩnh vực kiến trúc, điều này dễ dàng được chứng minh bằng sự “leo thang” về tiêu chuẩn diện tích sử dụng và sự khác biệt của chúng giữa các quốc gia có nền kinh tế phát triển khác nhau. ở Việt Nam, vào những năm 70-80, tiêu chuẩn diện tích ở của mỗi người dân chỉ ở mức 3-5m2/người.

Đến những năm 90, tiêu chuẩn này đã được điều chỉnh lên mức 6-9m2/người. Trong khi đó tại châu Âu, tiêu chuẩn diện tích ở đã đạt được 15m2/ người từ những năm 80. So sánh như vậy để thấy rằng diện tích ở sẽ tăng lên theo sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khi người dân càng có điều kiện về kinh tế, điều tự nhiên người ta sẽ càng chú ý hơn đến việc chăm sóc các nhu cầu bản thân và điều đó liên quan mật thiết đến không gian sử dụng. Rất nhiều các nhu cầu của con người được diễn ra trong các “không gian nhân tạo” mà trong phạm vi bài viết này muốn chỉ giới hạn trong phạm vi không gian nhà ở.

Không gian càng lớn thì sự thích ứng của nó với các nhu cầu khác nhau của con người càng trở dễ dàng hơn. Đó là lý do tại sao đối với những không gian sử dụng mang tính định kỳ, ngắn hạn, người ta lại sử dụng không gian lớn. Điều này dễ thấy ở các không gian công cộng như triển lãm, trưng bày hay siêu thị…. Khi không gian được mở rộng tối đa, cùng với việc bố trí nội thất hay các vách ngăn di động, người ta có thể biến đổi không gian ấy thành nhiều không gian khác nhau một cách linh hoạt mà không lãng phí quá nhiều thời gian hay tiền bạc. Nói một cách khác, không gian kiến trúc ấy đã được “sống” cùng với nhu cầu của con người chứ không bị nhu cầu của con người trong quá trình biến đổi cùng với nhu cầu xã hội làm cho “chết” đi, trở nên lãng phí hay chật hẹp so với hoạt động bên trong. Như vậy, để cho không gian sử dụng có thể có tuổi thọ phục vụ lâu dài cho nhu cầu của con người, một trong những điều kiện quan trọng là nó phải mở rộng tối đa- nó phải linh hoạt.

Trở lại với không gian trong nhà ở. Có sự mâu thuẫn rất lớn giữa việc mở rộng không gian tối đa và diện tích xây dựng cho phép bởi lẽ đối với nhà ở, diện tích đất không thể rộng như công trình công cộng. Và phải chăng để tạo ra được một không gian linh hoạt hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào diện tích xây dựng?

Nếu chỉ đơn giản như vậy, chắc chắn rằng để có được một không gian sống linh hoạt thực sự, chúng ta phải mua đất biệt thự. Nhưng vấn đề không phải ở diện tích khu đất, lại càng không phải ở việc phải mở rộng diện tích xây dựng. Khi chúng ta sử dụng không gian kiến trúc, một cách tự nhiên sẽ hình thành một trình tự khai thác không gian mà trong đó, rất khó để chúng ta có thể cùng một lúc sử dụng tất cả các không gian trong nhà.

Trình tự khai thác không gian ấy phụ thuộc vào thói quen, tập quán sinh hoạt từng gia đình, hay nói rộng hơn, phụ thuộc vào văn hóa, phong tục của từng dân tộc. Những thói quen, tập quán, phong tục hay rộng hơn là văn hóa sống ấy quy định cho không gian kiến trúc ở mỗi vùng, miền, dân tộc khác nhau có những đặc thù khác nhau. Ví dụ như người Việt Nam thích có không gian phòng ăn và bếp rộng để có thể tổ chức cỗ bàn vào dịp Tết. Nghiên cứu kỹ đặc thù ấy, trên cơ sở tìm hiểu trình tự khai thác không gian, có thể nhận thấy rằng để mở rộng không gian sử dụng trong nhà nhằm hướng tới một không gian linh hoạt, ngoài biện pháp mở rộng diện tích đất mang tính định lượng và khó thực hiện, còn có cách khác mang lại hiệu quả tương đương đồng thời lại kinh tế và đặc biệt hợp với khí hậu Việt Nam. Đó là cách “mượn” không gian lẫn nhau và giải pháp không gian linh hoạt với các thiết bị nột thất linh hoạt.

Đây là cách tổ hợp các không gian có chức năng công cộng trong nhà như phòng khách, bếp, phòng ăn… thành cụm không gian, từ đó khi khai thác sử dụng, không gian này có thể “mượn” thêm diện tích của không gian khác để tạo nên không gian lớn. Trong các không gian này sử dụng các thiết bị nột thất linh hoạt để ngăn chia sao cho khi thay đổi nhu cầu sử dụng, các thiết bị này cũng có thể thay đổi theo để đáp ứng được ngay. Ví dụ như một tấm vách trang trí có bản lề ngăn giữa phòng khách và phòng ăn, khi cần có thể gập ép vào tường để trở thành vật trang trí trong khi phòng khách và phòng ăn lại thông được với nhau dễ dàng. Như vậy trình tự khai thác không gian sẽ không bị gián đoạn bởi tường ngăn, trong khi có thể dùng diện tích của phòng ăn như một phần của phòng khách và các chi tiết trang trí nội thất của phòng ăn, thậm chí cả khu bếp sang trọng cũng có thể đóng góp cho việc trang trí phòng khách. ở đây có sự tham gia rất hiệu quả của các thiết bị nội thất linh hoạt, chính những thiết bị này sẽ giúp cho không gian công cộng trong nhà ở được đóng mở hợp lý, cũng trở nên linh hoạt hơn.

Đối với các không gian mang tính riêng tư như phòng ngủ, vệ sinh, phòng làm việc… có thể sẽ khó hơn trong việc “mượn” không gian bởi lẽ tính riêng tư chi phối quá trình khai thác các không gian này. Nhưng nếu coi việc riêng tư đơn thuần chỉ là kín đáo, chúng ta có thể sử dụng giải pháp ngăn tầm nhìn bằng các tấm tường di động, từ đó khoanh dựng các không gian tương đối mà không cần dùng cửa. Nhờ đó, sẽ có một không gian chảy liên tục có thể điều chỉnh được dễ dàng. Về kết cấu, việc giảm thiểu tường ngăn che sẽ khiến kết cấu đơn giản hơn. Về thông gió, sẽ chỉ phải giải quyết cho một không gian thay vì nhiều không gian nhỏ lắt nhắt. Và cuối cùng, về tổng thể, chủ đầu tư sẽ phải trả ít tiền hơn cho một không gian được sử dụng lâu dài hơn.

Đã qua rồi thời kỳ người ta coi không gian kiến trúc tách rời khỏi trang thiết bị nội thất. Nội thất chỉ được xem xét đến sau khi không gian kiến trúc hình thành. Điều này không chỉ gây lãng phí về kinh tế mà còn khiến cho không gian sống của chúng ta có sự khập khiễng không đáng. Những bài học ngay trước mắt là chủ sở hữu các biệt thự và chung cư ở các khu đô thị mới hiện nay đang rất tốn kém trong việc đầu tư sửa chữa nội thất và không gian sống. Điều này không chỉ dẫn đến việc tốn kém về kinh tế mà còn phát sinh tiêu cực trong công tác cấp phép sửa chữa, từ đó dẫn đến việc không quản lý được chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật công trình. Để mang lại hiệu quả sử dụng cao nhất, tất cả các yếu tố cấu thành nên không gian công trình kiến trúc: hình khối, thiết bị, không gian trong và ngoài nhà….cần phải được xem xét, cân nhắc một cách tổng thể và nhất quán, cẩn thận và chi tiết trong quá trình thiết kế để có thể phát huy tối đa công suất sử dụng, đồng thời hướng công tác thiết kế quan tâm nhiều hơn đến tính linh hoạt của không gian, bên cạnh những không gian mang tính cố định hay khép kín. Tính linh hoạt càng cao, không gian kiến trúc càng có thể thích ứng với nhiều nhu cầu khác nhau và do vậy, càng có thể tồn tại lâu dài. Một không gian kiến trúc chỉ thực sự sống khi nó linh hoạt.

Trả lời