Kiến trúc Việt Nam tiếp tục thắng lớn tại giải thưởng Kiến trúc Mỹ 2017

Giải thưởng Kiến trúc Mỹ (AAP) là một trong những giải thưởng kiến trúc toàn diện nhất trên thế giới. AAP có mục đích ghi nhận những tài năng và tầm nhìn phi thường của Kiến ​​trúc sư trên toàn thế giới qua những dự án kiến trúc đầy sáng tạo và gây cảm hứng nhất của họ trên toàn cầu.

Năm nay, những người chiến thắng đã được ban giám khảo quốc tế lựa chọn từ hơn 1000 công trình đến từ 68 quốc gia trong các lĩnh vực kiến trúc, thiết kế nội thất và kiến trúc cảnh quan.

Ngày 27/10 vừa qua tại Bảo tàng nổi tiếng New Museum ở New York (Mỹ) đã long trọng diễn ra lễ trao giải AAP 2017 cho các tác phẩm thắng cuộc và đại diện của Việt Nam – H&P Architects (HPA) đã gây ngạc nhiên lớn khi nhận liên tiếp 3 giải Nhất (Winner) và 1 giải Danh dự (Honorable mention).

Trước đó, từ đầu năm 2017 HPA đã liên tục được ghi nhận tại các giải thưởng quốc tế uy tín như UIA, Baku, A+, 2ACAA, AAA, GDA (German Design Award).

Đoàn Thanh Hà (trái) & Trần Ngọc Phương – hai thành viên chủ chốt của H&P Architects

Chi tiết bốn công trình đạt giải của H&P Architects như sau:

Tổ ấm ruộng (Terraces home) – Giải Nhất (Winner) / hạng mục Kiến trúc nông nghiệp

(Nhóm thiết kế: Đoàn Thanh Hà, Trần Ngọc Phương, Chử Kim Thịnh, Nguyễn Hải Huệ, Hồ Mạnh Cường, Trịnh Thị Thanh Huyền, Nguyễn Văn Thịnh)

Tổ ấm Ruộng nằm trong chuỗi dự án phát triển Kiến Nông với quan điểm coi sự hoà trộn Kiến trúc với Nông nghiệp (Agriculture + Architecture = Agritecture) là nền tảng của phát triển bền vững. Ý tưởng của công trình hình thành khi Hoà trộn hai yếu tố đặc trưng của nông thôn Việt Nam là Ngôi nhà (không gian cư trú) và Ruộng bậc thang (không gian canh tác) tạo nên một Tổ ấm với các ranh giới ngoài/ trong; trên/ dưới; chung/ riêng được xoá mờ.

Canh tác nông nghiệp đưa người dân thị thành gần lại với thiên nhiên hơn thông qua những trải nghiệm đời thường thú vị khi tự mình gieo trồng, chăm sóc và chia sẻ thu hoạch với xóm giềng trên những luống rau, mảnh vườn thân thuộc. Công trình giúp gợi lên xuất xứ địa phương của người sử dụng trong bối cảnh thế giới phẳng với nhiều loại ô nhiễm đáng báo động như hiện nay, đồng thời thúc đẩy nhân rộng những thửa ruộng trong đô thị nhằm đảm bảo năng lượng cho cuộc sống trong tương lai.

Tổ ấm nở hoa (BB home) – Giải Nhất (Winner) / hạng mục Kiến trúc nhỏ

(Nhóm thiết kế: Đoàn Thanh Hà, Trần Ngọc Phương, Chử Kim Thịnh, Erimescu Patricia, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Khánh Hòa, Nguyễn Quỳnh Trang, Trần Quốc Thắng, Phạm Hồng Sơn, Hoàng Đình Toản, Phạm Quang Thắng, Nguyễn Hải Huệ, Nguyễn Khắc Phước)

Ý tưởng bản kiến trúc này do biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, Việt Nam nhiều năm trở lại đây chịu nhiều bão lũ, sạt lở đất, thiệt hại nặng nề về người và của. Do đó, giải pháp về chỗ ở và tổ ấm cho nhiều triệu đồng bào hàng năm phải vật lộn với thiên tai là mục tiêu của công trình.

Từ những thanh tre được mô-đun hóa từng ngôi nhà được lắp dựng theo cách đơn giản (chốt, buộc, treo, gác…). Kiến trúc (được neo, giằng, liền khối) đủ sức chống chọi cùng thiên tai, vượt được mực nước lũ cao 1,5m. Không gian này được sử dụng linh hoạt tùy điều kiện cụ thể như nhà ở, giáo dục,y tế, cộng đồng… Công trình mong muốn mang lại nụ cười cho người dân địa phương trong những hoàn cảnh thiên tai khắc nghiệt nhất, đóng góp một phần đáng kể vào sự phát triển cân bằng sinh thái, gắn kết kiến trúc và văn hoá bản địa cũng như ổn định về kinh tế.

Mành mành salon – Giải Nhất (Winner) / hạng mục Kiến trúc nghỉ dưỡng

(Nhóm thiết kế: Đoàn Thanh Hà, Trần Ngọc Phương, Phạm Linh Chi, Trịnh Thị Thanh Huyền, Chử Kim Thịnh, Nguyễn Hải Huệ, Nguyễn Thị Ngọc Mai, Nguyễn Đức Anh, Nguyễn Xuân Khiêm, Phạm Năng Toàn, Hà Văn Phú, Nguyễn Bá Dần, Đào Hồng Dương)

Mành mành salon được cải tạo lại từ một salon tóc đã xuống cấp trước đó trong cộng đồng dân cư đông đúc ở khu đô thị Văn Quán. Vẻ đẹp bình dị ở những điểm cắt tóc trên vỉa hè Hà Nội gắn với hình ảnh Tán cây rủ bóng mát & Bức tường gạch cũ kỹ là nguồn cảm hứng để người thiết kế kiến tạo một không gian khác lạ nhưng cũng rất gần gũi – không gian liên tưởng đến Mái tóc lớn cũng như gợi nhắc đến giàn cây Mành Mành (còn gọi là cây Liêm hồ đằng/ Tóc tiên) rủ rễ dài bao trùm lên không gian sử dụng bên dưới.

Công trình nổi bật với khoảng 200 nghìn hạt gỗ được tái chế nhằm tạo hiệu ứng tới các giác quan của người sử dụng khi trải nghiệm dịch vụ ở đây, với thông điệp: Con người cũng như Kiến trúc, sẽ càng Đẹp và Khoẻ hơn khi hoà hợp hơn với Thiên nhiên.

Không gian thân thiện BE (BE friendly space) – Giải Danh dự (Honorable mention)

(Nhóm thiết kế: Đoàn Thanh Hà, Trần ngọc Phương, Nguyễn Mạnh Hùng, Chử Kim Thịnh, Nguyễn Hải Huệ, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Văn Thịnh)

Nằm trong chuỗi dự án tạo lập “Không gian thân thiện trong đô thị ngột ngạt” do H&P Architects phát triển dựa trên sự kết hợp của hai vật liệu chính là Tre & Đất bắt đầu từ 2013, BE (Bamboo & Earth) là một không gian phục vụ cộng đồng mở, chú trọng vào khía cạnh văn hoá và nghệ thuật (giao lưu, triển lãm, ẩm thực,..), mang sứ mệnh gắn kết lại mối quan hệ nhiều sóng gió giữa con người với thiên nhiên trong thời đại hiện nay.

Mục tiêu của BE là góp phần nâng cao nhận thức xã hội về việc cần thiết có những không gian thân thiện phục vụ cộng đồng trong bối cảnh quá trình đô thị hoá & bê tông hoá đang dần bóp nghẹt Mạo Khê – một trong những thị trấn đông dân cư nhất Việt Nam. Qua đó góp phần định hướng hành động của cộng đồng trong tiến trình tạo lập những không gian bền vững cho tương lai bắt đầu từ sự thân thiện của hôm nay.