Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tại 4 tòa nhà tái định cư A14 Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), nơi tiếp nhận hồ sơ bàn giao cửa đóng then cài, không một bóng người.
Tương tự, toàn bộ 3 khối nhà CT1 A, B, C của Khu tái định cư Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm), dù được đưa vào sử dụng từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn thưa thớt người ở. Nhiều căn hộ vẫn trong tình trạng cửa đóng then cài, thậm chí còn bị niêm phong.
Trong khi đó, khối nhà chung cư cao hơn 20 tầng tại phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) do Công ty cổ phần Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư, dù đã xong từ cả chục năm nay, nhưng cũng đang bị bỏ hoang.
Đặc biệt, cuối năm 2017, Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) đề xuất phá dỡ 3 tòa nhà tái định cư với 150 căn hộ tại Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) do không có người đến ở dù đã xây xong cả chục năm nay khiến nhiều người ngỡ ngàng. Trước đề xuất trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã họp với chủ đầu tư và đề nghị Hanco3 thuê đơn vị tư vấn để xây dựng và so sánh giữa 2 phương án là cải tạo, sửa chữa khu nhà để làm nhà ở xã hội, hay phá bỏ hoàn toàn để xây dựng quỹ nhà mới.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân chê nhà tái định cư Sài Đồng, theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, do chủ đầu tư khi thực hiện đã quá rập khuôn, máy móc, không tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư. Người dân quay lưng vì dự án không đáp ứng được nhu cầu bức thiết của họ.
Về việc chủ đầu tư đề xuất phá bỏ khu nhà tái định cư này do đã xuống cấp, ông Tùng cho rằng, đây là một đề xuất nguy hiểm và dư luận sẽ đặt câu hỏi, vì sao dự án mới 10 năm đã xuống cấp?
Theo ông Tùng, chủ đầu tư phải đề ra phương án rõ ràng. Nếu người dân không đến ở, cần sửa chữa, làm lại hạ tầng thật tốt và có thể bán các căn hộ đó. Còn đề xuất phá đi, xây dự án chung cư thương mại kinh doanh theo kiểu “đi câu” là vi phạm pháp luật. Vì những căn nhà tái định cư này là tiền ngân sách nhà nước.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, trước mắt, không nên cấp tập xây dựng thêm quá nhiều dự án tái định cư, mà nên dùng nguồn kinh phí đó để khắc phục sự xuống cấp ở các tòa nhà tái định cư hiện có. Đồng thời, nên làm rõ nguyên nhân vì sao quỹ nhà này còn bỏ trống bằng cách tham khảo ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, TS. Luật Trương Vĩnh Khang (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam) cho rằng, mục đích của nhà tái định cư là phục vụ cho dân cư ở các dự án đô thị cần giải phóng mặt bằng, nên việc xây dựng xong trước là đúng đắn. Tuy nhiên, khoảng thời gian hoàn thành đó không nên quá xa, dẫn đến việc chậm đưa vào khai thác, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Ở góc độ khác, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, giải quyết tái định cư ở Việt Nam gắn với xây nhà, trong khi các nước trên thế giới chỉ cần có chính sách tái định cư. Trong khi đó, khi xây dựng nhà tái định cư lại không thực hiện điều tra xã hội học để xem nguyện vọng của người dân, chỉ áp đặt, nên dẫn đến thất bại và hậu quả là nhà tái định cư bị bỏ hoang.
Không chỉ Hà Nội, tình trạng nhà tái định cư bị bỏ hoang cũng diễn ra tại TP.HCM. Tuy nhiên, để giải bài toán các dự án tái định cư bỏ hoang này, TP.HCM áp dụng cách làm là đấu giá nhà tái định cư. Giải pháp này, theo nhận định của nhiều chuyên gia, là cách tối ưu để hạn chế lãng phí và thu hồi phần vốn Nhà nước đã bỏ ra nhanh nhất. Đồng thời, cũng đáp ứng một phần nhu cầu thực về nhà ở của một bộ phận người dân có thu nhập trung bình. Hà Nội có thể học hỏi phương án này.
Tuy nhiên, để có một lời giải tốt nhất cho bài toán nhà tái định cư bỏ hoang, theo các chuyên gia, không chỉ một sớm một chiều và cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ban ngành chức năng, nhưng quan trọng nhất là phải khảo sát để nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân, những người thụ hưởng cuối cùng.